Hỗ trợ doanh nghiệp sớm trở lại sản xuất an toàn
Hôm qua 26.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ doanh nghiệp tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với doanh nghiệp và các địa phương ngày 26.9. ẢNH: NHẬT BẮC
|
Hiến kế để tiết kiệm hàng nghìn tỉ
Tại hội nghị, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), cho rằng cần nhìn nhận các doanh nghiệp (DN) là một chủ thể trong ứng phó Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho DN. “Chúng ta cần công nhận và cho DN chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tùy theo khả năng, điều kiện của DN; Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp”, ông Công nói.
Chính phủ cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch. ẢNH: NGỌC THẮNG
|
Thứ hai, ông Công khẳng định mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của DN trong điều kiện sống chung với dịch.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho hay khảo sát nhanh cho thấy có đến 40% DN được hỏi cho biết chỉ còn đủ nguồn lực hoạt động trong 1 tháng. Bởi thế, DN đang nóng lòng chờ đợi Chính phủ, địa phương sớm công bố công khai thông tin về chiến lược phòng chống dịch, bộ tiêu chí và kịch bản điều hành kinh tế - xã hội tương ứng với các tình huống để người dân, DN chủ động trong việc điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu sản xuất kinh doanh. Theo ông Dũng, hiện độ phủ vắc xin đã cao hơn nhiều, do đó đề nghị ngành y tế xem xét không quy định bắt buộc các DN hoạt động phải xét nghiệm toàn bộ người lao động định kỳ mà chỉ xét nghiệm đối với đối tượng có nguy cơ cao, lao động mới để giảm bớt gánh nặng chi phí cho DN.
Về vấn đề xét nghiệm, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội DN trẻ VN, hiến kế rằng Bộ Y tế cần chủ trì, cùng các địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất bộ kit xét nghiệm nhanh để mua số lượng lớn đến 100 triệu bộ với chi phí gốc khoảng 1,5 USD/bộ. “Như vậy có thể tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỉ đồng”, ông Anh đề xuất. Cùng với đó, ông Anh kiến nghị các tổ tư vấn về các kế hoạch phục hồi kinh tế nên có thành phần là đại diện các hiệp hội, DN tham gia bởi họ có nhiều thông tin thực tiễn hơn.
Không giữ được thị trường sẽ bị tụt lại
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định việc thực hiện mục tiêu kép là chủ trương đúng, và nhấn mạnh nếu không phòng chống dịch bệnh thì chúng ta không đủ điều kiện về sức khỏe an toàn để sản xuất. “Tương tự, nếu dừng sản xuất, dừng giao thương thì không đảm bảo được mục tiêu duy trì nền kinh tế, duy trì thị trường. Khi đó không những chúng ta không có nguồn lực để chống dịch mà nguy cơ lớn hơn là mất thị trường, trong khi nhiều nước trên thế giới đang tăng tốc”, ông nói.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng để giao thương không bị cản trở, các địa phương ngoài việc không được tạo thêm giấy phép con thì còn phải thu hồi các quy định không phù hợp như quy định về thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm, thay tài xế...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao đóng góp của DN, doanh nhân và nhân dân trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong 4 đợt dịch Covid-19. Thủ tướng chia sẻ, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều DN phải phong tỏa, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN bị ảnh hưởng nặng nề. Chính vì vậy, người đứng đầu Chính phủ khẳng định không thể xem nhẹ vấn đề nào. Vừa phải chống dịch an toàn, đảm bảo tính mạng, sức khỏe người dân, vừa khôi phục, thúc đẩy kinh tế.
Trong hoàn cảnh khó khăn, Thủ tướng khẳng định rằng trách nhiệm, khát vọng phát triển và chiến thắng chính là điểm tựa quan trọng để chúng ta bứt phá, chiến thắng đại dịch Covid-19. Lãnh đạo Chính phủ cam kết tiếp tục hỗ trợ DN vượt khủng hoảng, hồi phục sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.
Nhấn mạnh quan điểm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng cho rằng không vì khó khăn mà chúng ta hoang mang, lo sợ. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển và lấy khó khăn để thực hiện sự thay đổi, như chuyển đổi số.
Thủ tướng cũng thông tin, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách để hỗ trợ DN như Nghị quyết 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững; Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Mới nhất là nghị quyết hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp…
Xúc tiến công nhận hộ chiếu vắc xin
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận hộ chiếu vắc xin. Văn bản cho hay, trên thế giới hiện có nhiều quốc gia áp dụng hộ chiếu vắc xin để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế, xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác để công nhận lẫn nhau về hộ chiếu vắc xin.
|
Thủ tướng nhấn mạnh rằng từ ý kiến các địa phương, DN, Chính phủ sẽ có những giải pháp tốt để tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. “Nếu chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nói.
ĐỒ HỌA: THÚY NGỌC
|
Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch, trong đó cần có hướng dẫn cụ thể điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới để các địa phương và DN áp dụng trong thực tế.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư các bộ, ngành và địa phương.
Chí Hiếu
Thanh niên
|