Không phát triển khu công nghiệp khi chưa đảm bảo tỷ lệ lấp đầy
Theo Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, đến năm 2030 sẽ có khoảng 205,80 nghìn ha đất dành cho khu công nghiệp (KCN), tăng 115,00 nghìn ha so với năm 2020. Việc phát triển này nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng… song phải đảm bảo sự phát triển bền vững.
Việc mở rộng các khu công nghiệp chỉ thực hiện khi tỷ lệ lấp đầy đã đạt trên 60%
|
Hài hòa giữa các vùng miền
Theo dự thảo, trong số 205,80 nghìn ha đất làm KCN, có khoảng 60% là đất trực tiếp sản xuất công nghiệp, 40% diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng trong KCN, gồm: Giao thông, điện, nước, khu xử lý chất thải, cây xanh…
Đất KCN được quy hoạch phân bổ theo các vùng: Trung du và miền núi phía Bắc 15,17 nghìn ha (58 KCN), tăng 9,97 nghìn ha so với năm 2020; Đồng bằng sông Hồng 52,21 nghìn ha (142 KCN), tăng 32,26 nghìn ha so với năm 2020; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 47,93 nghìn ha (111 KCN), tăng 30,83 nghìn ha so với năm 2020; Tây Nguyên 3,73 nghìn ha (17 KCN), tăng 2,18 nghìn ha so với năm 2020; Đông Nam bộ 59,01 nghìn ha (127 KCN), tăng 24,77 nghìn ha so với năm 2020; Đồng bằng sông Cửu Long diện tích 27,74 nghìn ha (103 KCN), tăng 14,98 nghìn ha so với năm 2020.
Để tránh trường hợp có địa phương xin mở rộng quy hoạch KCN nhưng lại bỏ hoang, gây lãng phí đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định rõ, đất quy hoạch KCN phải đáp ứng được những tiêu chí cơ bản, như: Đảm bảo phát triển bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành, không dàn đều theo địa giới hành chính; thúc đẩy phát triển KCN theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; chuyển dịch cơ cấu dự án trong KCN thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, giảm diện tích hoặc đưa ra khỏi quy hoạch những KCN không triển khai, không còn phù hợp với yêu cầu phát triển; hạn chế bổ sung quy hoạch KCN trên đất trồng lúa 2 vụ, đất rừng sản xuất, đất tập trung dân cư và chưa có trong quy hoạch sử dụng đất; có quỹ đất dự trữ để phát triển và có điều kiện liên kết thành cụm các KCN. Có khả năng thu hút vốn đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tại một số địa bàn nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, phát triển KCN cần được xem xét chặt chẽ, đặt vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia lên hàng đầu.
Thêm vào đó, việc mở rộng các KCN chỉ thực hiện khi tỷ lệ lấp đầy đã đạt trên 60% và đã xây dựng xong công trình xử lý nước thải tập trung; đồng thời phải luận chứng rõ được sự cần thiết, tính khả thi, đóng góp đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước.
Phân khúc sáng trên thị trường địa ốc
Đến cuối năm 2020, cả nước có 369 KCN được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 114 nghìn ha. Trong đó, có 284 KCN đang hoạt động; tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê làm KCN đạt 42,2 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 57,4%.
Cũng tính đến cuối năm 2020, tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN đạt khoảng 5,26 tỷ USD và 311,2 nghìn tỷ đồng. Tính toán của các chuyên gia, hàng năm số vốn FDI vào các KCN chiếm từ 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Nếu xét riêng về thu hút FDI trong ngành công nghiệp thì các dự án FDI sản xuất công nghiệp trong các KCN chiếm tới 80% tổng vốn FDI vào ngành công nghiệp cả nước. Các KCN, khu kinh tế trên địa bàn cả nước còn tạo việc làm cho hàng triệu lao động trực tiếp... Ở phương diện vĩ mô, các KCN đã tạo nên diện mạo mới cho cả nền kinh tế; góp phần hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng, đồng thời góp phần củng cố an ninh, quốc phòng.
Dưới góc độ nhìn nhận của nhà đầu tư, bất động sản công nghiệp hiện vẫn là phân khúc sáng nhất so với các loại tài sản khác trên thị trường địa ốc trong bối cảnh đại dịch ngày càng diễn biến phức tạp. Minh chứng là 8 tháng năm 2021, dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 song lĩnh vực kinh doanh bất động sản công nghiệp của nước ta tiếp tục duy trì vị trí thứ 3, với tổng vốn đăng ký đạt 1,6 tỷ USD. Xu hướng này được dự báo còn tăng khi một loạt Hiệp định thương mại tự do được ký kết, sẽ làm tăng nhu cầu về đất công nghiệp trên cả nước; đặc biệt trong năm 2022, do dòng vốn FDI và vốn mở rộng sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là có sự tham gia của Foxconn, OPPO sẽ giúp thu hút nhiều nhà cung cấp, nhà thầu phụ cũng như mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng có khuyến cáo từ chuyên gia bất động sản, để phát triển một KCN tại Việt Nam từ khi bắt đầu đến lúc có đất sạch cho thuê, nhanh nhất cũng mất khoảng 3-5 năm. Trong khi đó, cơ hội thu hút đầu tư có thể chỉ tập trung chủ yếu vào các năm 2021-2023, hoặc kéo dài đến năm 2025, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Như vậy, Việt Nam cần có sự tính toán linh hoạt và phù hợp với bối cảnh.
Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Bộ sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng sử dụng đất và môi trường trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế, làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch đảm bảo tính liên vùng, liên tỉnh và phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ; không để dự án treo, quy hoạch treo, bỏ trống đất đai gây lãng phí tài nguyên; không phát triển KCN, khu chế xuất khi chưa đảm bảo tỷ lệ lấp đầy theo quy định.
Thanh Tâm
Báo Công Thương
|