Dow Jones giảm hơn 500 điểm
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào đầu tuần khi nhiều rủi ro xuất hiện trên thị trường, đáng chú ý nhất là cuộc họp của Fed và cuộc khủng hoảng nợ tại Evergrande.
Tính tới lúc 20h36 ngày 20/09 (giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones mất hơn 500 điểm, S&P 500 giảm 1.7% và Nasdaq Composite sụt 1.7%. Nếu đà giảm này tiếp tục cho tới cuối phiên, đây sẽ là phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones kể từ tháng 7/2021, trong khi S&P 500 ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2021.
Sau đây là một vài lý do cho đợt bán tháo:
- Nhà đầu tư lo sợ về rủi ro lan truyền từ thị trường bất động sản Trung Quốc. Hồng Kông chứng kiến làn sóng bán tháo mạnh trong phiên giao dịch châu Á. Chỉ số Hang Seng sụt 3.3% khi tập đoàn bất động sản nặng nợ China Evergrande đứng trước bờ vực vỡ nợ. Cổ phiếu Evergrande giảm 19% trong phiên 20/09.
- Fed sẽ bắt đầu cuộc họp chính sách vào ngày 21/09 và nhà đầu tư lo ngại Fed có thể phát tín hiệu giảm bớt nhịp độ mua trái phiếu giữa lúc lạm phát tăng và thị trường việc làm cải thiện.
- Số ca nhiễm Covid-19 vẫn còn cao ngay khi mùa lạnh đến với khu vực Bắc Mỹ.
Các cổ phiếu gắn liền với tăng trưởng toàn cầu giảm mạnh nhất trong ngày 20/09. Cổ phiếu Ford và Carrier Global mất hơn 3%. General Motors và Boeing giảm 2%. Hãng thép Nucor sụt 2.8%.
Nhóm cổ phiếu năng lượng cũng tụt dốc khi giá dầu WTI giảm 2% vì lo ngại về nền kinh tế toàn cầu. Cổ phiếu Occidental Petroleum, Hess và Devon Energy nằm trong nhóm giảm mạnh nhất.
Giá trái phiếu tăng mạnh khi nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 4 điểm cơ bản vê 1.329%.
“Hiện nhiều yếu tố đáng ngại xuất hiện, như rủi ro từ Trung Quốc, chuỗi cung ứng, chính sách Fed, trần nợ của Mỹ và thỏa thuận cơ sở hạ tầng. Dù vậy, thị trường vẫn chưa quá bận tậm tại thời này. Những cú điều chỉnh và sự biến động mạnh có thể diễn ra và chúng tôi xem đây là cơ hội”, Larry Adam, Giám đốc đầu tư tại Raymond James, cho biết trong một báo cáo.
Các tài sản rủi ro khác cũng giảm trong ngày 20/09. Bitcoin mất 10% và rớt mốc 43,000 USD. Vàng nằm trong số ít tài sản còn tăng giá, tiến 0.5% lên 1,760 USD.
Lehman Brothers của Trung Quốc?
Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo cú sụp của Evergrande có thể trở thành “khoảnh khắc Lehman” của Trung Quốc. Khoảnh khắc Lehman ý muốn nói tới sự phá sản của Lehman Brothers trong cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn – vốn là yếu tố châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tuy nhiên, ông Simon MacAdam của Capital Economics cho rằng sự so sánh này khá khập khiểng.
“Một vụ vỡ nợ có kiểm soát hoặc thậm chí là cú sụp hỗn loạn của Evergrande chỉ có tác động nhỏ tới toàn cầu”, MacAdam, Chuyên gia kinh tế toàn cầu cấp cao tại Capital Economics, cho hay trong báo cáo ngày 16/09.
“Thậm chí nếu Evergrande nằm trong tập đoàn bất động sản đầu tiên phá sản tại Trung Quốc, chúng tôi cho rằng các nhà quyết sách phải mắc sai lầm về chính sách thì mới khiến kinh tế giảm tốc mạnh”, ông nói.
Tính tới ngày 20/09, cổ phiếu Evergrande đã giảm hơn 80% trong năm 2021.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|