Làn sóng bán tháo cổ phiếu bất động sản tại Trung Quốc vì hiệu ứng Evergrande
Nỗi lo ngại ngày càng tăng về đợt kiểm soát bất động sản tại Trung Quốc đang làm chao đảo thị trường trong ngày 20/09. Điều này càng tạo thêm áp lực cho chính quyền Trung Quốc, họ phải ra sức ngăn chặn sự lây lan rủi ro tài chính từ Evergrande.
Các gã khổng lồ bất động sản Hồng Kông, bao gồm cả Henderson Land Develo, chứng kiến đợt bán tháo mạnh nhất trong hơn 1 năm qua khi các nhà đầu tư đoán rằng Trung Quốc sẽ mở rộng phạm vi kiểm soát bất động sản tới Hồng Kông.
Nỗi lo ngày càng lớn về cuộc khủng hoảng nợ tại Evergrande kéo giảm mọi thứ, từ cổ phiếu ngân hàng cho tới bảo hiểm và trái phiếu USD có lợi suất cao. Đáng chú ý nhất, cổ phiếu của tập đoàn bất động sản Sinic của Trung Quốc sụt tới 87% trước khi bị tạm ngưng giao dịch. Riêng Evergrande giảm 19% trong ngày 20/09.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông sụt mạnh 3.3%, mức giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 7/2021. Làn sóng bán tháo cũng lan sang đồng HKD, đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài và cả hợp đồng tương lai S&P 500.
Đối mặt với bất ổn quá lớn từ cuộc chiến kiểm soát bất động sản và giảm bớt nợ nần của Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư đành “tặc lưỡi” bán trước tính sau. Ngoài ra, Evergrande còn sắp tới hạn chót thanh toán lãi vay ngân hàng và trái phiếu.
“Diễn biến giá ở nhiều loại tài sản châu Á ngày hôm nay thật kinh khủng. Mọi chuyện đều đến từ nỗi sợ về Evergrande và một vài vấn đề khác. Tuy nhiên, đây có thể là phản ứng thái quá vì tất cả thị trường khác đều đóng cửa nghỉ lễ”, Brian Quartarolo, Chuyên gia quản lý quỹ tại Pilgrim Partners Asia, cho hay.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ phải tìm cách cân bằng giữa việc giảm đòn bẩy trong lĩnh vực bất động sản và khiến giá nhà phải chăng hơn mà không gây quá nhiều thiệt hại ngắn hạn tới hệ thống tài chính và nền kinh tế. Lo ngại không chỉ ở lĩnh vực bất động sản mà còn lan sang các lĩnh vực khác như ngân hàng.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể tránh được kịch bản khủng hoảng tài chính, nhưng sự việc ở Evergrande có thể gây thiệt hại kéo dài tới điều kiện tín dụng và nền kinh tế, các chuyên viên phân tích tại Societe Generale SA viết trong báo cáo ngày 20/09.
“Hậu quả từ khả năng sụp đổ của Evergrande có thể gây ra sự giảm tốc cho nền kinh tế Trung Quốc và từ đó tác động tới tăng trưởng và lạm phát toàn cầu. Ngoài ra, nó cũng gây lo ngại về giá hàng hóa”, các chuyên gia phân tích tại Societe Generale cho hay.
Các công ty bất động sản Hồng Kông cũng bị bán tháo trong ngày 20/09, với chỉ số bất động sản thuộc Hang Seng sụt 6.7% trong phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2020. Henderson Land lao dốc 13% và Sun Hung Kai Properties mất 10%.
Các quan chức Trung Quốc nói với các nhà phát triển bất động sản Hồng Kông rằng Bắc Kinh không dung thứ cho hành vi độc quyền, Reuters đưa tin trong ngày 17/09. Tuy vậy, các quan chức này không đưa ra bước đi cụ thể.
Chính quyền Hồng Kông từ lâu đã gặp khó khăn trong việc kiểm soát giá nhà ở khi nhu cầu quá cao, nguồn cung hạn chế và lãi suất thấp. Giá bất động sản trung bình tại Hồng Kông ở mức 1.25 triệu USD tính tới tháng 6/2020, cao nhất thế giới, theo CBRE.
“Đây là bước đi có tác động to lớn”, Hao Hong, Chiến lược gia trưởng tại Bocom International bình luận. “Nhà đầu tư cần phải theo dõi sát sao”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|