CPI tại Anh tăng 3.2%, mạnh nhất kể từ năm 1997
Trong tháng 8/2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh tăng mạnh 3.2% so với cùng kỳ, dữ liệu trong ngày 15/09 cho thấy. Đây là tháng tăng mạnh nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu thu thập vào tháng 1/1997.
Trước đó, các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Reuters dự báo CPI tăng 2.9% trong tháng 8. Chỉ số này tăng 2% trong tháng 7.
Văn phòng Thống kê Quốc gia lưu ý rằng đà tăng “nhiều khả năng chỉ tạm thời” và cho rằng “chương trình kích cầu Eat Out to Help Out” (tạm dịch: Ăn tiệm để vực dậy kinh tế) trong năm 2020 có lẽ đã thúc đẩy lạm phát tăng mạnh.
“Trong tháng 8/2020, giá tại các nhà hàng và quán cà phê đều giảm mạnh vì chương trình ‘Eat Out to Help Out’, trong đó giảm giá 50% cho khách hàng để kích thích chi tiêu”, Văn phòng Thống kê Quốc gia cho biết trong tuyên bố. “Vì chương trình này là chương trình ngắn hạn nên sự tăng mạnh của lạm phát tháng 8/2021 có thể chỉ là tạm thời”.
Chỉ số này một lần nữa vượt mục tiêu 2% của NHTW Anh và chắc chắn sẽ gây áp lực lên các quan chức NHTW trong quá trình xem xét chính sách tiền tệ. Ngoài ra, đà tăng của CPI cũng diễn ra khi giá năng lượng leo dốc mạnh và khi nước Anh tái mở cửa kinh tế.
Samuel Tombs, Trưởng bộ phận kinh tế Anh tại Pantheon Macroeconomics, cũng nhấn mạnh rằng giá xe hơi đã qua sử dụng là yếu tố khiến CPI tăng mạnh bất ngờ.
“Đà tăng mạnh hơn dự báo của chỉ số CPI lõi trong tháng 8/2021chủ yếu là do mức tăng mạnh 4.9% của giá xe hơi đã qua sử dụng”, ông nói trong báo cáo nghiên cứu.
Nhìn về phía trước, ông cho rằng chỉ số CPI khó tăng mạnh hơn trong tháng 9/2021 khi giá tại nhà hàng đã hồi phục trở lại trong tháng 9/2020.
Trong khi đó, tại Mỹ, giá của hàng loạt mặt hàng tiêu dùng tăng yếu hơn dự báo trong tháng 8/2021, một dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể bắt đầu hạ nhiệt, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong ngày 14/09.
Mức tăng 5.3% của CPI vẫn còn ở mức cao nhất trong 13 năm. Tuy vậy, con số này cho thấy lạm phát có thể đang hạ nhiệt. Thị trường chứng khoán lúc đầu tăng mạnh sau thông tin về lạm phát, nhưng rồi lại quay đầu giảm, trong đó Dow Jones giảm hơn 290 điểm trong phiên.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang theo dõi sát sao các chỉ số lạm phát, nhưng cho rằng đà tăng của lạm phát hiện tại chỉ là tạm thời. Họ đề cập tới sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng, thiếu hụt các linh kiện quan trọng như chất bán dẫn và nhu cầu dồn nén dành cho hàng hóa như những yếu tố thúc đẩy lạm phát tăng mạnh và các yếu tố này sẽ trở lại trạng thái bình thường trong thời gian tới.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|