Sự đi xuống của ngành sản xuất chip Nhật Bản
Shozo Saito (71 tuổi), cựu Tổng giám đốc tập đoàn Toshiba, cho biết từ lâu ông cảm thấy bực tức về sự đi xuống của ngành công nghiệp bán dẫn của Nhật Bản. “Các hãng sản xuất chip Nhật Bản ngày càng kém cạnh tranh hơn”, ông đánh giá.
Shozo Saito (71 tuổi), cựu Tổng giám đốc tập đoàn Toshiba
|
Khi ông còn dẫn dắt Toshiba, Nhật Bản chiếm hơn 50% thị phần thiết bị bán dẫn toàn cầu, một phần nhờ chip nhớ do chính Toshiba sản xuất. Ngày nay, thị phần trên thị trường này của Nhật Bản chỉ còn khoảng 10%, theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn. Đột nhiên, xứ sở mặt trời mọc bỗng nhận ra mình đứng giữa ngã ba đường.
Chính sách Chính phủ ở Trung Quốc và Hàn Quốc đang nhắm tới đầu tư mạnh cho lĩnh vực này. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu đang cố gắng hồi sinh ngành sản xuất chip vì lo sợ tình trạng thiếu chip và rủi ro địa chính trị tiềm ẩn về Đài Loan – nguồn cung chip lớn nhất trên toàn cầu.
Việc nước ngoài đổ xô đầu tư ngành bán dẫn kéo thị phần của Nhật Bản ngày càng đi xuống. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng một khi các quốc gia khác phát triển được chuỗi cung ứng bán dẫn ở lãnh thổ của họ, những ngành công nghiệp liên quan mà Nhật vẫn duy trì được cạnh tranh hiện nay - như thiết bị và vật liệu sản xuất chip - cũng sẽ chuyển hướng tới những nước đó. Vì thế, triển vọng của Nhật trong lĩnh vực này ngày càng xám xịt hơn.
Takeshi Hattori, Cố vấn về thiết bị bán dẫn và cũng là một cựu kỹ sư của Sony, cho rằng Tokyo cần phải cho thấy sự dẫn dắt của Chính phủ trong lĩnh vực này. “Tại Mỹ và Hàn Quốc, Tổng thống đều đang dẫn dắt việc thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Còn chính phủ Nhật thì sao”, ông Hattori đặt nghi vấn.
Chính quyền của Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga đã hứa hẹn sẽ hành động để thúc đẩy ngành bán dẫn. Tuy nhiên, kể cả trước khi ông Suga tuyên bố từ chức và để lại sự bất ổn xoay quanh người kế nhiệm ông, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi về chiến lược mà Chính phủ đề ra và liệu Chính phủ có đủ động lực chính trị để làm theo hay không. Kế đó là câu hỏi về chuyện liệu công ty Nhật Bản sẽ đạt được gì trong thực tế.
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga
|
Mãi cho đến gần đây, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật bản (METI) mới theo đuổi cách tiếp cận. Ông Saito nhớ lại METI đã nói rằng “chip bán dẫn là thứ gì đó có thể mua từ Đài Loan”. Thái độ của họ đã thay đổi 180 độ.
Nhằm bảo vệ và củng cố thế mạnh về vật liệu thô, đóng gói và thiết bị sản xuất chip, Nhật Bản muốn đẩy mạnh sản xuất chip trong nước. Đây cũng là một trong những lý do METI đang chủ trì các cuộc đàm phán với TSMC (hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới) để hãng này mở nhà máy tại xứ sở mặt trời mọc.
Trong chiến lược tăng trưởng quốc gia công bố hồi tháng 6/2021, Chính phủ Nhật Bản cam kết hỗ trợ sự phát triển của hoạt động thiết kế và sản xuất chip của các công ty trong nước. Các thông tin cụ thể hơn, bao gồm cả ngân sách hỗ trợ, sẽ được đưa vào các cuộc thảo luận về ngân sách tài khóa 2022 dự kiến bắt đầu vào cuối tháng này. Ngoài ra, họ cũng chưa bàn tới chuyện hợp tác với các đồng minh nước ngoài, như Mỹ và EU.
Các chuyên gia cho rằng Nhật Bản vẫn còn các vấn đề khác cần giải quyết như thúc đẩy sự hợp nhất và sáp nhập giữa các công ty trong ngành để tạo thành 1 hoặc 2 doanh nghiệp hàng đầu có thể dẫn dắt sự thay đổi.
"Chính phủ Nhật, bao gồm cả các bộ trưởng trong nội các, đang rất quan tâm đến chiến lược về thiết bị bán dẫn”, Masayoshi Arai, Giám đốc điều hành văn phòng chính sách thương mại và thông tin của METI, nơi chịu trách nhiệm giám sát ngành công nghiệp bán dẫn, cho biết. “Tuy nhiên, xét cho cùng, điều này tùy thuộc vào các doanh nghiệp. Chính phủ không thể tự mình sản xuất chip”.
Về phần các nhà đầu tư, vẫn còn chưa rõ họ có đồng tình hay không. “Rất nhiều người tin rằng sản xuất chip là không cần thiết”, ông Hattori, cựu kỹ sư Sony, cho biết. “Thị trường chứng khoán tỏ ra vui mừng khi một công ty quyết định rút khỏi ngành bán dẫn”.
Theo hãng nghiên cứu thị trường IC Insight, Nhật Bản là quốc gia/khu vực chứng kiến số lượng nhà máy chip đóng cửa lớn nhất thế giới trong giai đoạn từ năm 2009-2019, kế đó là Bắc Mỹ.
Thị phần chip của Nhật Bản ngày càng đi xuống
|
Sự thụt lùi của ngành chip Nhật Bản diễn ra song song với sự đi xuống của ngành điện tử vì họ để mất thị phần các mặt hàng như máy tính cá nhân, TV, di động thông minh và các mặt hàng khác vào tay các đối thủ như Hàn Quốc, Trung Quốc. Không có khách hàng tại quê nhà, ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản đang bắt đầu mất phương hướng.
Năm 2018, Toshiba đã bán hơn 50% cổ phần mảng chip nhớ cho nhóm công ty do Bain Capital của Mỹ dẫn dắt, đồng thời dùng lượng tiền thu về để triển khai tái cấu trúc. Hiện tại, công ty này vẫn nắm giữ 40% cổ phần mảng chip nhớ với tên gọi Kioxia. Công ty phần cứng Western Digital của Mỹ - một đối tác sản xuất của Kioxia, đã đề xuất sáp nhập. Tuy nhiên, thương vụ nhạy cảm về chính trị này có thể cần được chính phủ Nhật phê duyệt.
Cách đây 1 năm, Toshiba cũng tuyên bố đang rút khỏi lĩnh vực sản xuất vi mạch số hệ thống và khiến 770 nhân viên mất việc. Động thái này được đưa ra sau khi xuất hiện thông tin cho rằng Toshiba đang cân nhắc bán 2 nhà máy chip cho công ty Đài Loan UMC.
Sony, dù vẫn là dẫn đầu về sản xuất cảm biến hình ảnh, nhưng đã bán hết các mảng sản xuất bán dẫn khác của mình từ năm 2007. Còn Fujitsu đã bán nhà máy chip lớn nhất của mình tại tỉnh Mie cho UMC. Năm ngoái, Panasonic cũng rút khỏi mảng sản xuất chip với việc bán 3 nhà máy tại tỉnh Toyama và tỉnh Niigata cho công ty Đài Loan Nuvoton Technology.
Renesas Electronics, hãng sản xuất vi xử lý lớn nhất Nhật Bản, thông báo đóng cửa thêm hai nhà máy trong năm nay. Theo đó, số lượng nhà máy chip của công ty này giảm xuống chỉ còn 7, giảm từ mức 22 nhà máy trong thời kỳ đỉnh cao. Công ty thậm chí còn không nghĩ đến chuyện đầu tư mạnh vào công suất sản xuất.
Theo các chuyên gia, các nhà sản xuất Nhật Bản đang không tận dụng hết tiềm năng, không như các đối thủ ở Mỹ như Texas Instruments and Qualcomm.
Một số người lập luận rằng năng lực sản xuất được giữ lại có thể được hiện đại hóa và làm cho hiệu quả hơn và giá thành cạnh tranh hơn, biến Nhật Bản thành một nguồn cung cấp chip bổ sung cho phần còn lại của thế giới.
“Nhật Bản cần phải làm rõ lý do tại sao họ cần một ngành công nghiệp bán dẫn mạnh mẽ”, Hideki Wakabayashi, Giáo sư quản trị công nghệ của Đại học Công nghệ Tokyo, nhận định. Ông cho rằng ngành bán dẫn của Nhật vẫn có nhiều lợi thế như chip ôtô và chip chuyên biệt về quản trị năng lượng - có thể hữu ích khi thế giới chuyển đổi sang xe điện và nền kinh tế carbon thấp.
Theo dự báo của ông Wakabayashi, chip là thành phần đặc biệt quan trọng trong ôtô và sẽ ngày càng quan trọng hơn trong tương lai. Chip đồ họa và cảm biến hình ảnh hiện chỉ được sử dụng trong smartphone và máy tính, nhưng trong tương lai có thể được đưa vào ôtô khi được phát triển thành phương tiện kết nối và có tính năng tự lái, ông Wakabayashi nói thêm.
“Đây là thị trường mà Nhật Bản phải nắm bắt. Không có thiết bị bán dẫn, Nhật Bản không thể sản xuất ôtô nếu muốn”, ông khẳng định.
Số chip sử dụng trong xe hơi và robot công nghiệp đều do Renesas Electronics cung ứng, trong đó 60-70% được sản xuất tại Nhật, phần còn lại được sản xuất thông qua các nhà thầu phụ như TSMC.
Ở thời điểm này, chip xe hơi chỉ yêu cầu công nghệ xử lý từ 20 đến 40nm, nhưng trong tương lai có thể cần tới những con chip 10nm. Con chip nhỏ cỡ này vượt quá khả năng sản xuất của Renesas, bởi hiện tại, công ty này thuê ngoài hoàn toàn với những loại chip nhỏ hơn 40nm.
"Những quốc gia như Nhật trước hết cần phải làm rõ mục tiêu của mình: Liệu họ có muốn phát triển công nghệ chip tiên tiến, hay chỉ cần đảm bảo đủ năng lực sản xuất các loại chip thế hệ trước để phục vụ sử dụng trong công nghiệp, xe hơi, đồ gia dụng?”, Jean-Philippe Biragnet, đối tác tại hãng tư vấn toàn cầu Bain & Co., nhận xét. "Việc phát triển công nghệ chip tiên tiến thật sự rất khó và đắt đỏ, và chỉ những công ty công nghệ cao như TSMC, Samsung và Intel mới có khả năng thực hiện”.
Thậm chí việc duy trì công suất sản xuất chip cơ bản cũng sẽ đắt đỏ. Theo ông Wakabayashi, Nhật Bản sẽ phải đầu tư tới 50 tỷ USD trong vài năm tới để duy trì 10% thị phần bán dẫn hiện tại.
Các nguồn cung cấp vốn khả dĩ bao gồm hãng viễn thông NTT – vốn đang phát triển chip với Sony và Intel với kỳ vọng sản xuất công nghệ chuẩn cho mạng lưới 6G – và các nhà đầu tư nước ngoài hoặc Tập đoàn Đầu tư Nhật Bản có sự hậu thuẫn của Chính phủ, theo Wakabayashi.
Ông khuyến nghị một ý tưởng là thành lập “quỹ đầu tư an ninh quốc gia” giữa Mỹ và Nhật Bản.
Còn về phía Saito, ông nhấn mạnh rằng: “Tốc độ là tất cả trong ngành công nghiệp bán dẫn. Tôi lo lắng về tốc độ thay đổi ở Nhật. Chính phủ cần phải vượt trội hơn các quốc gia khác về cả hình thức và quy mô hỗ trợ cho ngành này”.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)
FILI
|