Thứ Sáu, 17/09/2021 08:05

Bài toán phục hồi kinh tế TP.HCM

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng một mình TP.HCM không thể phục hồi riêng lẻ mà đó là câu chuyện của một vùng.

Thiếu hụt nguồn lao động là nguy cơ lớn trong công cuộc phục hồi kinh tế của TP.HCM. Nguyên Nga

Các tỉnh trong vùng cũng phải phục hồi

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL do Bộ KH-ĐT tổ chức mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nêu một số thách thức mà TP đang đối diện để phục hồi kinh tế. Cụ thể, thu hút vốn FDI giảm hơn 43%, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 30%, 3.000 doanh nghiệp (DN) giải thể, 12.000 DN tạm dừng hoạt động. Thu ngân sách chỉ đạt 70% dự toán. Bình thường TP.HCM thu 1.400 tỉ đồng/ngày, đến tháng 8 vừa qua, con số này chỉ còn khoảng 800 tỉ đồng và đang tiếp tục xu hướng giảm…

Trước thực trạng trên, TP.HCM đã đưa ra kiến nghị với Bộ KH-ĐT tham mưu cho Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP từ 18% lên 23% ngay trong năm 2022; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong một số lĩnh vực và cho phép TP thí điểm đấu giá đất công đã được quy hoạch nhằm tăng nguồn lực đầu tư chống dịch; ưu tiên vốn T.Ư cho 3 dự án trọng điểm mà TP đã kiến nghị và cuối cùng là Chính phủ phải thành lập tổ công tác đặc biệt để phục hồi kinh tế sau đại dịch, bởi việc phục hồi kinh tế liên quan nhiều ngành, nhiều địa phương, cần nguồn lực rất lớn và mỗi địa phương sẽ không thể tự làm được. Ngoài ra, dẫn kết quả nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, ông Hoan cho rằng TP.HCM cần khoảng 8 tỷ USD và mất 6 - 9 tháng để phục hồi kinh tế.

Chuyên gia tài chính, TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, cho rằng vấn đề của TP.HCM không phải là bao nhiêu tỷ USD để phục hồi mà gói đó được tính toán phân chia thế nào. Ở đây, có một số vấn đề cần lưu ý là TP.HCM không thể phục hồi riêng lẻ mà phải liên vùng, tính toán kết nối cả vùng. TP mở cửa mà các tỉnh lân cận đóng cửa hoặc mở chậm thì kinh tế TP khó phục hồi được. Việc đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP lên 23% là hợp lý, nhưng nếu quá chú trọng tập trung đầu tư công thì khó phục hồi. Ông nói: “Đầu tư công chỉ một phần trong câu chuyện phục hồi kinh tế của TP.HCM. Nên có những bệnh viện lớn cấp liên quận để xử lý các bệnh cơ bản mà tuyến dưới không làm được, tuyến trên lại quá tải. Ngay trong đợt điều trị bệnh nhân Covid-19, nếu có những bệnh viện lớn tầm trung như vậy, TP sẽ giảm tổn thất hơn nhiều. Còn lại, vấn đề lớn hơn lúc này là phục hồi sản xuất cho DN, hộ kinh doanh cá thể, giữ chân lao động ở lại TP và thu hút lao động đã về quê sẽ quay trở lại thế nào, an sinh xã hội… Vấn đề lớn của TP.HCM sau mở cửa nền kinh tế là lao động, phục hồi sản xuất”.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khẳng định việc hồi phục kinh tế của TP.HCM là công cuộc rất lớn và một mình TP không thể cáng đáng nổi. Do đặc thù lối sống, văn hóa của người Sài Gòn từ xưa đến nay ít tích lũy, làm ngày nào tiêu ngày ấy, hộ kinh doanh buôn bán cá thể chiếm phần đông. Trải qua một thời gian giãn cách quá dài, từ người giàu đến người lao động nghèo đều đã sức cùng lực kiệt, thậm chí có người rơi vào cảnh thiếu đói. Nhu cầu đảm bảo an sinh xã hội của TP.HCM là rất lớn và có thể vượt ngoài sức chịu đựng của TP. Trong khi đó, giải quyết vấn đề an sinh của TP.HCM cũng là tác động phục hồi kinh tế cho các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. Bởi TP.HCM là thị trường tiêu thụ lớn nhất của vùng trọng điểm kinh tế phía nam. Nếu hàng triệu người ở TP không thể trở lại cuộc sống bình thường, cầu không có thì tất cả mặt hàng nông sản từ các tỉnh cũng tắc nghẽn, thâm hụt lớn về đầu ra. Do đó, T.Ư cần chung tay hỗ trợ để TP.HCM sớm đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tăng cầu, kích hoạt kinh tế toàn vùng.

Giải bài toán lao động

Thiếu nguồn lao động phổ thông, TP.HCM khó để phục hồi sản xuất, phục hồi kinh tế được. Thế nên không chỉ tìm cách kéo người lao động trở lại, ông Vũ Sỹ Cường cho rằng cần phải giữ chân người lao động đang bám trụ tại TP. Thất nghiệp và sống trong những khu nhà trọ chật chội lâu nay, khi TP mở cửa, có thể họ sẽ chọn phương án về quê ngay. Vậy TP phải có chính sách an sinh xã hội cho nhóm này thế nào, tạo công ăn việc làm và có quyết sách rõ ràng để họ tin mà ở lại làm việc.

Cho rằng, vấn đề lao động thuộc tầm quốc gia, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận xét đã có lượng lao động rất lớn rời TP.HCM về quê, chuyển đổi sinh kế. Những trải nghiệm vừa qua sẽ khiến nguồn lao động không thể trở lại trong thời gian ngắn hạn. Trong giai đoạn đó, TP.HCM thiếu hụt lao động, các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp vốn đang sức yếu sẽ càng giảm năng suất, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng quy mô toàn quốc, thậm chí là toàn cầu. Nghiêm trọng hơn là năng lực của chuỗi sản xuất cũng bị dịch chuyển, tác động rất lớn tới kinh tế của cả nước nói chung. Một cuộc khủng hoảng lao động có thể sẽ xảy ra khi nơi thừa, nơi thiếu. Mặt khác, các DN muốn lôi kéo người lao động, trả lương cao nhưng cũng đã kiệt sức, muốn làm phải dựa vào những chính sách như giảm thuế, phí… để huy động lực lượng lao động.

“Tất cả những công việc trên là tiền đề để hồi sinh kinh tế nhưng riêng TP.HCM không thể làm nổi. Cần một chiến lược, chương trình mang tầm quốc gia, cả hệ thống vào cuộc với bàn tay điều phối của Chính phủ đi cùng những quyết sách, chính sách hỗ trợ thiết thực từ phía T.Ư. Phục hồi kinh tế không phải là câu chuyện riêng của TP.HCM”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Dũng, đầu tư công là lĩnh vực dễ kích hoạt nhất, dễ thúc đẩy nhất để tái phục hồi nền kinh tế. Đầu tư công của TP hiện nay có một phần của địa phương nhưng cũng còn nhiều đại dự án phụ thuộc lớn vào ngân sách quốc gia. Nếu Chính phủ ưu tiên giải ngân, để lại tỷ lệ điều tiết ngân sách lớn hơn, TP.HCM sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông và nền tảng hạ tầng công nghệ, chuyển đổi số.

Hà Mai

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Miền Tây chỉ còn 250 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng (17/09/2021)

>   Thông qua gói hỗ trợ miễn, giảm thuế hơn 21.000 tỉ đồng (17/09/2021)

>   Xuất khẩu thủy sản sang EU: Lực đẩy từ EVFTA (16/09/2021)

>   Xem xét, đánh giá các tiêu chí, từng bước mở lại siêu thị và chợ truyền thống (16/09/2021)

>   Xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ: Rất khả quan (16/09/2021)

>   VEC phản hồi thông tin "chặn cao tốc, ép lái xe" để thu phí (16/09/2021)

>   Doanh nghiệp nội lo bị 'hất cẳng' nếu mở cửa thị trường đường thủy nội địa cho hãng tàu ngoại (16/09/2021)

>   Chuyên gia kiến nghị giải pháp chung sống an toàn với Covid-19 (16/09/2021)

>   WB: Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với kinh tế Việt Nam (16/09/2021)

>   Nike đứt gãy chuỗi cung ứng vì nhà máy ở Việt Nam đóng cửa (15/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật