Thứ Bảy, 18/09/2021 09:08

Áp giá sàn vé máy bay: Lo ngại "hiệu ứng domino" gây thiệt hại hàng loạt ngành kinh tế

Áp giá sàn sẽ khiến nhu cầu bay của hành khách tụt dốc, chẳng khác nào các hãng “tự lấy đá ghè chân mình”. Đáng quan ngại, chính sách này sẽ kìm hãm sự hồi phục của ngành du lịch, gây ra hiệu ứng domino, kéo theo thiệt hại các ngành kinh tế khác…

Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất giá sàn vé máy bay nội địa là 320.000 đồng thay vì 0 đồng như hiện tại và “vin” vào lý do giúp các hãng bay vượt qua “bão” dịch. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia và đông đảo người tiêu dùng.

CẠNH TRANH BỊ TRIỆT TIÊU, NGƯỜI TIÊU DÙNG CHỊU THIỆT

Năm 2016, thị trường hành khách nội địa đạt 28,5 triệu hành khách. Nhưng chỉ sau 3 năm, hàng không Việt đã lập kỷ lục với 116 triệu khách qua các cảng hàng không, trong đó, khách nội địa ước đạt 74 triệu khách vượt 5%/ kế hoạch năm, tăng 2,6 lần so với năm 2016. Thị trường nội địa khởi sắc với sự tham gia của hãng hàng không mới, các hãng bước vào cuộc đua về sản phẩm, dịch vụ, giá vé, đường bay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không cho rằng thị trường vừa qua hoạt động rất tốt vì không có giá sàn. Cuộc đua giảm giá vé máy bay của các hãng đang mang lại lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng, các hãng hàng không cạnh tranh một cách tự nhiên cũng tạo ra sự biến đổi rất lớn về chất lượng phục vụ, nhờ đó, người tiêu dùng được hưởng lợi.

Chưa bao giờ hành khách có thể dễ dàng đặt vé các chuyến bay phục vụ nhu cầu du lịch với giá hấp dẫn như thời gian qua. Giá vé bán ra ở mức từ 0 đồng, 11.000 đồng, 99.000 đồng… được các hãng tung ra trong một số sự kiện đặc biệt với số lượng giới hạn. Nhờ đó, nhu cầu người dân đi lại bằng đường hàng không gia tăng nhờ hàng không giá rẻ.

“Bày ra giá sàn, là hạn chế giá vé máy bay thấp như thời gian qua, hay là gián tiếp tăng giá vé bình quân.  Khi đó, nhu cầu bay sẽ giảm sút. Các hãng hàng không trong nước đều rơi vào thế bất lợi, ngoại trừ Vietnam Airlines. Một số nước như Indonesia từng bày ra giá sàn đã khiến chất lượng phục vụ hàng không đi xuống dù giá vẫn neo cao”.

Ông Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không.

Đáng lưu ý, “khi nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách giảm xuống, ngành du lịch sẽ chịu thiệt hại lớn nhất, từ đó, ảnh hưởng liên hoàn đến các ngành kinh tế khác. Đây là một chính sách rất sai lầm, cần cân nhắc”, vị chuyên gia này quả quyết.

Bởi lợi ích của ngành du lịch không chỉ dừng lại ở tác động trực tiếp như đóng góp vào GDP hay tăng việc làm, mà còn đem lại những lợi ích gián tiếp thông qua liên kết chuỗi cung ứng với các lĩnh vực khác, như vận tải, khách sạn, nhà hàng, bán lẻ…, từ đó, thúc đẩy nền kinh tế địa phương.

Nhân câu chuyện này, ông Tống đề xuất thêm “thay vì áp giá sàn, nên bỏ giá trần, sẽ có lợi cho các hãng hàng không”. Khi đó, những người có điều kiện sẽ chịu “móc hầu bao” trả những vé máy may cao ngất trời, để được xài sang hay được các hãng bay phục vụ với chất lượng tuyệt đỉnh.

Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính, đề xuất áp giá sàn vé máy bay là phi lý, không phù hợp với việc cạnh tranh theo thị trường. Tác động đầu tiên của chính sách sẽ là ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng, vì hành khách sẽ không được hưởng những chương trình giảm giá kích cầu như trước đây.

Hiện giá vé máy bay thường chiếm 50 – 60% giá tour du lịch. Do đó, theo nhiều công ty du lịch, việc tăng giá vé máy bay làm tăng giá tour du lịch là điều không thể tránh khỏi. Từ đó sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp du lịch vào thế khó, đi ngược với chủ trương kích cầu du lịch, khôi phục kinh tế hậu Covid-19. 

CẦN ĐÁNH GIÁ KỸ LƯỠNG TÁC ĐỘNG ĐẾN THỊ TRƯỜNG, NGƯỜI DÂN

Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất lên Bộ Giao thông vận tải đề nghị áp dụng mức giá sàn tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định, từ 1/11 hết ngày 31/12/2022. Nếu đề xuất được thông qua, sàn giá vé máy bay sẽ được thiết lập, các loại vé 0 đồng, vé khuyến mãi siêu rẻ sẽ bị “xóa sổ”.

Cụ thể, với các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội là là 320.000 đồng/vé/chiều, tối đa là 1,6 triệu đồng vé/chiều, nhóm đường bay khác dưới 500 km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.

Với các đường bay từ 500 - 850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng. Đường bay từ 850 km - dưới 1.000 km, mức giá tương ứng là 560.000 đồng và 2,79 triệu đồng. Cuối cùng, với đường bay từ 1.280 km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.

Cục Hàng không đề nghị áp dụng áp giá sàn thấp nhất là 320.000 đồng so với mức 0 đồng như hiện nay.

Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, hàng không không khai thác toàn bộ các chuyến bay quốc tế, trong khi các chuyến nội địa cũng bị cắt giảm hoặc lượng khách giảm đáng kể. Trong khi đó, các hãng hàng không vẫn phải duy trì đội máy bay với số lượng tương đương, thậm chí lớn hơn số lượng máy bay năm 2019.

Theo tính toán, dù máy bay “đắp chiếu”, nhưng các hãng hàng không vẫn phải trả 100 tỷ đồng/ngày để trả tiền thuê máy bay, trả vay ngân hàng, trả cho các đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, duy tu bảo dưỡng và trả lương cho nhân viên... Hiện nợ ngắn hạn phải trả của ba ông lớn ngành hàng không đã cán mốc 40.000 tỷ đồng.

"Doanh thu sụt giảm mạnh trong khi chi phí giảm không đồng tốc với doanh thu, dẫn đến các hãng hàng không bị đứt gãy dòng tiền thanh toán. Đây là những nguyên nhân chính căn bản trực tiếp tác động xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh vận chuyển hàng không gây nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của các hãng hàng không”, Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, đây là một vấn đề có tính tác động rất lớn, nên quan điểm của Bộ Giao thông vận tải là hết sức cẩn trọng, khách quan, có sự tính toán khoa học.

Đặc biệt, “phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những quy định pháp luật liên quan, những tác động đến thị trường và người dân, cũng như quyền lợi của Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp hàng không. Bên cạnh đó, cũng cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với toàn ngành hàng không trong giai đoạn vừa qua và giai đoạn tiếp theo”, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.  

Hiện Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đưa ra nhiều kịch bản, phương án khác nhau trong đó có đánh giá tác động cụ thể, tổ chức làm việc, xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia và người dân để xem xét, quyết định.

Anh Tú

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Đã đến lúc can thiệp kéo giá xuống (18/09/2021)

>   Chính phủ phê duyệt mua thêm gần 20 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer (18/09/2021)

>   Ngày 17/9 ghi nhận 11.521 ca nhiễm COVID-19 với 6.656 ca cộng đồng (17/09/2021)

>   Vì sao nhiều hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa có giấy đi đường? (17/09/2021)

>   Tập trung tạo miễn dịch cộng đồng nên dứt điểm một nơi, rồi mới sang địa phương khác (17/09/2021)

>   Nghe giá bánh mì, bún mang về: Tắt app nhịn luôn! (17/09/2021)

>   Chính phủ: Bộ Y tế sớm có hướng dẫn với người đã tiêm 2 mũi vắc xin (17/09/2021)

>   TPHCM cần 'vẽ lại' bản đồ chống dịch đến từng khu phố (17/09/2021)

>   Người dân và doanh nghiệp cần chuẩn bị gì cho trạng thái ‘bình thường mới’ tại TPHCM? (17/09/2021)

>   Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hoàn thiện hồ sơ xem xét cấp phép khẩn cấp vaccine Nanocovax (17/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật