Vì sao TP.HCM gặp khó khi hỗ trợ hai nhóm người lao động theo Nghị quyết 09?
Tại hội nghị trực tuyến triển khai các gói an sinh xã hội sáng 5.8, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM thông tin về tiến độ thực hiện hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM.
Nhiều công nhân thất nghiệp, phải xoay sở bằng nhiều công việc như may gia công tại nhà để trang trải cuộc sống. ẢNH: LÊ TRỌNG
|
Theo đó, TP.HCM triển khai song song 2 gói hỗ trợ gồm gói hỗ trợ Nghị quyết 68/2021 của Chính phủ (gói 26.000 tỉ đồng) và Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM. Với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68, quy định các tỉnh, thành có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách T.Ư trên 60% thì tự bảo đảm kinh phí thực hiện.
Tại TP.HCM, khi triển khai Nghị quyết 09, sẽ bổ sung lại mức chênh lệch, hoặc chính sách chi chưa đủ, làm chưa tới so với Nghị quyết 68.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Nghị quyết 09 có 6 chính sách hỗ trợ. Hiện nay, TP.HCM cơ bản hoàn thành 100% việc chi giải quyết hỗ trợ cho 4 chính sách gồm: hỗ trợ tiền ăn; hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do); hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động; hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống.
"Doanh nghiệp chưa hiểu hoặc chưa quan tâm"
Tuy nhiên, TP.HCM còn gặp khó khăn trong việc giải quyết hỗ trợ còn 2 chính sách gồm hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ông Hoan cho biết, với diện người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại các doanh nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh…, theo quy định về trình tự, thủ tục thực hiện sẽ do người sử dụng lao động thống kê, lập danh sách.
“Các địa phương đã yêu cầu doanh nghiệp, người sử dụng lao động lập danh sách những trường hợp diện này gửi cho cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) nơi doanh nghiệp đang trú đóng. Tuy nhiên, hiện nay danh sách vẫn còn ít. Doanh nghiệp than không có lực lượng, thủ tục rườm rà. Nhưng, phải khẳng định rằng thủ tục không rườm rà gì cả, doanh nghiệp chịu trách nhiệm lập danh sách của mình, gửi BHXH và BHXH chỉ có nhiệm vụ rà soát có doanh nghiệp, người lao động có tham gia đóng BHXH hay không thì ngay sau đó, UBND cấp quận, huyện lập tức chi trả thông qua tài khoản ngân hàng. Rất tiếc là doanh nghiệp chưa hiểu hoặc hiểu nhưng chưa quan tâm lắm. Vừa qua, TP.HCM đã làm việc với hiệp hội doanh nghiệp TP, đề nghị thông tin chính sách đến các doanh nghiệp”, ông Hoan nói.
Ít người lao động tự khai báo
Với đối tượng người lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thì người lao động phải chủ động, có giấy đề nghị hỗ trợ gửi cơ quan BHXH nơi người lao động sinh sống.
Tuy nhiên, ông Hoan thông tin, nhưng đến nay vẫn còn ít người lao động tự khai báo, đồng thời một số trường hợp đã về quê chưa quay lại TP.HCM.
“Thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục chỉ đạo để làm tốt các chính sách này”, ông Hoan nói.
Ngoài ra, UBND TP.HCM có văn bản số 2512 triển khai thực hiện Nghị quyết 68, trong đó có bổ sung một số chính sách được hỗ trợ mới mà Nghị quyết 09 chưa có, gồm hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật, hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch. Hiện nay, TP.HCM đang chỉ đạo các cơ quan của ngành văn hóa để thực hiện.
“Đối tượng đồng thời đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 68 và Nghị quyết 09 thì chỉ được hưởng một chính sách hỗ trợ cao nhất”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nói.
Phạm Thu Ngân
Thanh niên
|