TP.HCM không tăng giá nước đến hết năm 2022
Bộ Tài chính vừa có thông tư hướng dẫn về 'khung giá nước sạch sinh hoạt mới' cho các khu vực, có hiệu lực từ ngày 5-8. Tại TP.HCM, Sở Xây dựng cho biết giá nước sẽ không tăng đến hết năm 2022.
Nhà máy nước sạch Thủ Đức - Ảnh: LÊ PHAN
|
Nội dung tại thông tư 44 năm 2021 Bộ Tài chính nêu rõ, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng nước sạch và thu nhập của người dân để quyết định giá bán nước sạch phù hợp nhưng phải đảm bảo khung giá nước sạch (bao gồm thuế VAT) như sau:
- Tại đô thị đặc biệt, đô thị loại 1: Mức giá từ 3.500 đồng đến 18.000 đồng/m3.
- Tại đô thị loại 2, 3, 4, 5: Mức giá từ 3.000 đồng đến 15.000 đồng/m3.
- Tại khu vực nông thôn: Mức giá từ 2.000 đồng đến 11.000 đồng/m3.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về việc có tăng giá nước sạch hay không?, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết sẽ không tăng giá nước đến hết năm 2022.
Hiện nay giá nước sinh hoạt bình quân là 9.590 đồng/m3, giá dịch vụ thoát nước bình quân (được thu kèm với hóa đơn nước sạch với tên gọi phí bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nước sạch) là 1.439 đồng/m3 (chưa tính thuế VAT).
Bắt đầu từ năm 2022, TP.HCM sẽ thu dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải dựa trên giá nước sạch, mức thu sẽ tăng dự kiến là 5%/năm, lộ trình 2022 - 2025.
Và giá nước sạch cũng sẽ tăng trong giai đoạn này với mức năm 2023 là 10.156 đồng/m3, 2024 là 10.775 đồng/m3. Đến năm 2025, giá nước sinh hoạt bình quân sẽ tăng lên thành 11.422 đồng/m3, giá dịch vụ thoát nước bình quân là 3.426 đồng/m3 (chưa tính thuế VAT).
Những người phải đóng phí gồm các tổ chức, cơ quan, hộ gia đình có hoạt động xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước.
Hộ dân đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thì không phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.
Trả lời về việc thu phí như trên dựa trên nền tảng nào, đại diện Sở Xây dựng cho biết dựa trên nghị định 80 năm 2014 của Chính phủ đã áp dụng ở 27 tỉnh thành trên cả nước, bao gồm Đà Nẵng, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa và Sóc Trăng.
Thực chất, cách làm này chính là tạo sự công bằng, bình đẳng đối với xã hội, vì dựa trên nguyên tắc: người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm. Ở các nước trên thế giới, rất nhiều nước đã áp dụng chính sách này trên 50 năm.
Mức giá được ban hành dựa trên những tính toán kỹ lưỡng về mức tăng thu nhập của người dân hằng năm. Phương án tăng trung bình mỗi năm 5% được đánh giá khả thi, đảm bảo không gây ra nhiều xáo trộn, tác động xã hội.
LÊ PHAN
Tuổi trẻ
|