Trình Chính phủ Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trước ngày 10/1/2022
Theo phân công, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo sẽ trình Chính phủ trước ngày 10/1/2022...
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Theo đó, dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo, thời hạn trình trước ngày 10/12/2021. Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo, trình trước ngày 10/1/2022. Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch soạn thảo, trình trước 10/2/2022. Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Bộ Công Thương soạn thảo, trình Chính phủ trước ngày 10/6/2022. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo, thời hạn trình Chính phủ trước ngày 10/1/2022.
Phó Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, bảo đảm tiến độ, chất lượng, khả thi, coi việc hoàn thành chương trình là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Các đơn vị cần khẩn trương thành lập ban soạn thảo; Tập trung thời gian, nguồn lực để soạn thảo dự án luật trên cơ sở các chính sách đã được Chính phủ thông qua; Rà soát kỹ các văn bản đã ban hành để phát hiện, xử lý những vấn đề khác nhau giữa quy định của văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đang có hiệu lực và văn bản dự kiến ban hành, bảo đảm không để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản; Tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp.
Đồng thời, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, đúng nội dung, hình thức, bảo đảm chất lượng, tiến độ khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ hoặc trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gửi đến các cơ quan của Quốc hội; Khắc phục triệt để tình trạng gửi hồ sơ dự án luật đến cơ quan thẩm định hoặc trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội không đúng thời hạn. Trong quá trình soạn thảo, nếu phát sinh chính sách mới cần bổ sung vào dự án luật thì cần thực hiện đánh giá tác động và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định…
Liên quan đến công tác soạn thảo Luật Đất Đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ và cơ quan soạn thảo đang triển khai nghiên cứu thể chế 3 nhóm với 9 chính sách lớn để phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai.
Đồng thời cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai; Tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất nhằm giảm khiếu nại, tố cáo về đất đai; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng chống lãng phí thất thoát.
Qua đó nhằm phát huy nguồn lực đất đai trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường, tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Việc soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng tập trung vào các nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng; giá đất; tài chính đất đai.
Ngoài ra, sẽ quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng đất.
Trong thời gian tới, để triển khai Nghị quyết số 17/2021/QH15 của Quốc hội, Bộ sẽ bám sát quá trình tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW để phối hợp chặt chẽ với các bên nghiên cứu, xây dựng các nội dung của dự án Luật Đất đai (sửa đổi); tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đối với nội dung dự thảo Luật; tổng hợp tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo quy định của pháp luật..
Nhĩ Anh
VnEconomy
|