Thứ Tư, 11/08/2021 15:54

Phạt tiền tới 1 tỷ đồng đối với các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản

Dự thảo mà Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến quy định cụ thể mức phạt, hình thức xử phạt đối với khoảng 70 loại vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản...

Ảnh minh hoạ

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Tờ trình và Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng.

QUY ĐỊNH MỨC PHẠT CHO 70 LOẠI VI PHẠM

Dự thảo này quy định cụ thể mức phạt, hình thức xử phạt đối với khoảng 70 loại vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Đồng thời cũng quy định rõ thời gian, thủ tục xử phạt, thẩm quyền xử phạt của các cơ quan chức năng…

Theo dự thảo, hình thức phạt tiền quy định tại Nghị định này là hình thức xử phạt chính, mức phạt tiền là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Còn đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Cụ thể, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản là 1 tỷ đồng.

Với hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà là 300.000.000 đồng.

Đồng thời, các đơn vị, cá nhân vi phạm cũng sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 03 tháng đến 24 tháng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính; Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm; Buộc tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng…

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh bất động sản; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng là 01 năm; trong hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà là 02 năm.

NHIỀU QUY ĐỊNH CẦN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

Nói về dự thảo nghị định mới này, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 27/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở (Nghị định 139/2017/NĐ-CP).

Theo dự thảo Nghị định, chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết… sẽ bị phạt tiền từ 600.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng.

Sau gần 04 năm thực hiện, việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định của nghị định này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào việc ổn định, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước ngành xây dựng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân.

Công tác quản lý đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng tại các địa phương cũng đã dần đi vào nề nếp, vi phạm về trật tự xây dựng được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời góp phần giảm thiểu tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch...

Tuy nhiên, bên cạnh các mặt đã đạt, trong quá trình triển khai thực hiện, Nghị định 139/2017/NĐ-CP cũng bộc lộ một một số hạn chế, bất cập, thiếu tính khả thi, cần sửa đổi, bổ sung.

Ví như: xác định thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm đối với dự án đầu tư xây dựng để tính thời hiệu xử phạt như hiện nay là chưa phù hợp; không có chế tài xử phạt hành vi xây dựng không phép, sai phép đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn; chưa có biện pháp chế tài dừng thi công xây dựng đối với công trình vi phạm; thời gian thực hiện xin cấp và điều chỉnh giấy phép chưa phù hợp với từng loại công trình; một số lĩnh vực còn thiếu chế tài xử lý; chế tài xử lý đối với một số hành vi vi phạm hành chính chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe, mức xử phạt còn thấp…

Đặc biệt, khoản 8 điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP chỉ quy định xử phạt sau khi lập biên bản vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm, không điều chỉnh đến việc xử lý vi phạm sau khi đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm….

“Từ những nguyên nhân nêu trên, việc thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP là cần thiết, phù hợp với pháp luật và thực tế”, Bộ Xây dựng lý giải.

Phan Dương

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Thanh tra Chính phủ: Thu hồi đất đai bị tham nhũng chỉ đạt 14,29% (10/08/2021)

>   Phạt kịch khung 800 triệu đồng trong kinh doanh bất động sản có đủ sức răn đe? (05/08/2021)

>   Từ 1/9 sẽ áp dụng quy định về hỗ trợ việc làm khi Nhà nước thu hồi đất (03/08/2021)

>   TP.HCM đã thu hồi hơn 2.242ha đất (03/08/2021)

>   Bộ Tài nguyên - Môi trường đề xuất bãi bỏ 153 thủ tục hành chính (02/08/2021)

>   Ngồi nhà làm thủ tục xin cấp sổ hồng (30/07/2021)

>   Đổi mới hệ thống pháp luật về đất đai để phù hợp nhu cầu phát triển (24/07/2021)

>   Phó thủ tướng chỉ đạo gỡ vướng về thuế với người cho thuê nhà (22/07/2021)

>   Đồng Nai thu phí xem thông tin thửa đất 2.005 đồng/lần (22/07/2021)

>   Đại biểu Quốc hội: ‘Chậm sửa đổi luật Đất đai, hàng trăm nghìn tỉ sẽ ứ đọng’ (21/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật