Thứ Sáu, 06/08/2021 07:57

Tổng bí thư yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm tại Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Khánh Hòa

Tổng bí thư chỉ đạo cần tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong các vụ án, vụ việc xảy ra tại: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Khánh Hòa.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp. TTXVN

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, đã yêu cầu xử lý nghiêm các sai phạm xảy ra tại Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, TP.HCM, đồng thời khẩn trương đưa ra xét xử 5 đại án, trong đó có vụ “hối lộ” liên quan Vũ “nhôm”.

Ngày 5.8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức phiên họp thứ 20 để đánh giá tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 và xem xét quyết định một số vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, chủ trì phiên họp.

6 tháng kỷ luật trên 8.000 đảng viên vi phạm

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo thống nhất đánh giá trong 6 tháng đầu năm công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh ở T.Ư và địa phương, đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với trên 70 tổ chức Đảng, trên 8.000 đảng viên vi phạm, bao gồm gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái và hơn 20 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập.

Ngành thanh tra, kiểm toán đã phát hiện có sai phạm về kinh tế 54.474 tỉ đồng và 1.760 ha đất; kiến nghị xử lý tài chính hơn 23.499 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi 7.017 tỉ đồng và 644 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 851 tập thể và 2.073 cá nhân. Qua công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra đã phát hiện, xử lý 20 vụ, 35 đối tượng tham nhũng và có liên quan đến tham nhũng.

Qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nội bộ, các bộ, ngành đã phát hiện chuyển 125 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định.

Khởi tố mới 144 vụ án/384 bị can về các tội tham nhũng

Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố mới 1.850 vụ án/3.294 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 144 vụ án/384 bị can về các tội tham nhũng. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp thứ 19 của Ban Chỉ đạo đến nay, đã khởi tố mới 7 vụ án/35 bị can, khởi tố thêm 55 bị can trong 10 vụ án; phục hồi điều tra 1 vụ án/7 bị can; kết thúc điều tra 12 vụ án/111 bị can, kết thúc điều tra bổ sung 2 vụ án/23 bị can; truy tố 11 vụ án/112 bị can; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/82 bị cáo, xét xử phúc thẩm 6 vụ án/20 bị cáo.

Các cơ quan chức năng khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời 4 vụ án trọng điểm: vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ, Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam; vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án Cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty gang thép Thái Nguyên; vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công thương và Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM; vụ án “buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan.

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục được quan tâm, đạt được nhiều kết quả. Các cơ quan tố tụng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có giá trị hơn 14.413 tỉ đồng. Cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi hơn 1.995 tỉ đồng. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn tẩu tán tài sản trị giá trên 1.467 tỉ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác, trong giai đoạn thi hành án đã thu hồi gần 1.900 tỉ đồng.

Khẩn trương đưa ra xét xử 5 đại án

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu từ nay đến cuối năm các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng vừa phải tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tập trung chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ. Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; trong đó phấn đấu đến hết năm 2021 kết thúc điều tra 2 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 6 vụ án, xét xử sơ thẩm 9 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 5 vụ việc theo kế hoạch.

Tổng bí thư chỉ đạo cần tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong các vụ án, vụ việc xảy ra tại: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Khánh Hòa. Đồng thời khẩn trương đưa ra xét xử 5 vụ án, gồm: vụ án “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; vụ án “tham ô tài sản, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và các đơn vị liên quan; vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận; vụ án “đưa hối lộ”, “môi giới hối lộ”, “nhận hối lộ” liên quan Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) và vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Công ty Việt Nam Pharma và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Bổ sung nhiều vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi

Tại phiên họp thứ 20, Ban Chỉ đạo đã thống nhất đưa một số vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo và của Ban Nội chính T.Ư. Trong số này có vụ vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới ở An Giang; vụ lạm dụng quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM; vụ Dương Thanh Cường và đồng phạm tại TP.HCM; vụ chuyển đổi sân golf Phan Thiết sang khu đô thị ở Bình Thuận; vụ đầu tư dự án Nhà máy phân đạm Hà Bắc; vụ sai phạm liên quan Tập đoàn cao su, Tổng công ty chè và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Thái Sơn

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất gói giải pháp cứu doanh nghiệp và người dân (06/08/2021)

>   Thủ tướng phân công nhiệm vụ phòng chống dịch cho các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng (05/08/2021)

>   Khẩn trương xét xử vụ án 'đưa, nhận hối lộ' liên quan Phan Văn Anh Vũ (05/08/2021)

>   Ủy ban Kiểm tra T.Ư kỷ luật hàng loạt lãnh đạo Hà Nội, TP.HCM (05/08/2021)

>   Cuộc chiến chống COVID-19: Cần sách lược lâu dài cho sản xuất (03/08/2021)

>   Nền kinh tế đang kiệt sức (03/08/2021)

>   Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2021 (03/08/2021)

>   Sức ép các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (02/08/2021)

>   Xây dựng sức chịu đựng nền kinh tế sau đại dịch (02/08/2021)

>   Thủ tướng: Dứt khoát không để khủng hoảng y tế, không để khủng hoảng kinh tế - xã hội (31/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật