Thứ Hai, 02/08/2021 14:39

Sức ép các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển

Ngày 27-7 vừa qua, Tổ chức tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu. So với báo cáo hồi tháng 4, kinh tế toàn cầu vẫn giữ nguyên triển vọng hồi phục trở lại. Tuy nhiên, trong khi các nền kinh tế phát triển được dự báo tăng trưởng lạc quan hơn thì các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển bị rơi vào tình trạng hụt hơi. Đâu là những thách thức đối với Việt Nam và những nền kinh tế trong cùng nhóm?

Nội công ngoại kích

Tăng trưởng GDP năm 2021 của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trong báo cáo lần này bị điều chỉnh giảm 0,4% so với báo cáo lần trước. Trong đó, mức giảm mạnh nhất là ở nhóm các nước châu Á, giảm 1,1%. Dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng ở Ấn Độ vào tháng 3-5 đã khiến cho GDP nước này bị điều chỉnh giảm đến 3%, còn 9,5% so với trước đó là 12,5%.

Nhóm các nước ASEAN-5 bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam bị giảm 0,6% xuống còn 4,3%. Biến thể của virus với tốc độ lây lan nhanh và tỷ lệ người dân được chích vaccine thấp, là nguyên nhân quan trọng nhất từ bên trong khiến cho các nền kinh tế này hụt hơi, sau khi tưởng chừng đã có thể bắt nhịp hồi phục từ đầu năm 2021. Đã vậy, hệ lụy từ các đợt giãn cách xã hội còn dẫn đến các cú sốc hậu (aftershocks), mất cân đối cung cầu và áp lực lạm phát.

Thấy rõ nhất có lẽ là những đứt gãy, gián đoạn tạm thời của chuỗi cung ứng. Như Ấn Độ là một mắt xích quan trọng trong ngành vận tải biển (cung cấp thủy thủ), hóa dầu, dược phẩm, dịch vụ trong ngành tin học viễn thông khi bị dịch bùng phát phải giãn cách nghiêm ngặt, sau khi gỡ bỏ thì việc quay lại nhịp độ hoạt động như trước là không thể trong một sớm một chiều.

Chuỗi cung ứng bị gián đoạn còn ảnh hưởng đến cung cầu một số thiết bị, nguyên liệu là đầu vào cho các ngành khác. Như khủng hoảng chip bán dẫn trong ngành ô tô hay thiếu hụt một số loại trang biết thị y tế. Việc giãn cách cũng ảnh hưởng nhiều đến ngành logistics, làm cho việc vận chuyển hàng hóa bị chững lại ở một số mắt xích, khiến cho giá một số mặt hàng thiết yếu tăng như lương thực thực phẩm. Và đây là một trong những áp lực làm tăng lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Nếu yếu tố từ bên trong là Covid-19, thì yếu tố bên ngoài lại là các chính sách đến từ các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là các chính sách tiền tệ. Với khả năng phục hồi nhanh hơn và dự báo còn tốt hơn tính toán trước đây, thì rủi ro lớn nhất là các nước phát triển như Mỹ hay EU thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ đột ngột, thông qua việc các gói nới lỏng định lượng (QE) hay tăng lãi suất.

Thông tin từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 28-7 cho thấy kinh tế Mỹ phục hồi tốt theo dự tính và Fed tạm thời chưa can thiệp mạnh. Tuy vậy, khả năng điều chỉnh chính sách bất ngờ vẫn có thể xảy ra khi lạm phát trở thành mối quan ngại lớn.

Thách thức của các nền kinh tế như Việt Nam và tương tự như vậy là tập trung ở việc phòng chống Covid-19 từ bên trong, cũng như đề phòng với các thay đổi bất lợi trong chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nền kinh tế phát triển. Áp lực là rất lớn vì hiện trạng lạm phát ở các nền kinh tế này đã ở mức tương đối cao, các chính sách tài khóa không có nhiều không gian để thực hiện vì hầu hết các nước này chỉ có thể thực hiện chủ yếu qua hỗ trợ giãn thuế, nộp chậm thuế chứ không có hỗ trợ trực tiếp.

Chìa khóa vẫn là vaccine

Việt Nam và các nền kinh tế tương tự vẫn có độ bao phủ vaccine rất thấp so với các nước phát triển, và so với mục tiêu tối thiểu 70% dân số. Nguồn vaccine cho các nước này hiện nay chủ yếu vẫn trông chờ vào chương trình COVAX. Các nước này mặc dù đã có được những thỏa thuận khác nhau, từ đa phương cho đến song phương, ước tính lượng vaccine sẽ nhận được đủ cho 60% dân số, nhưng việc phân phối sẽ không thể sớm hơn cuối năm 2021 hay đầu năm 2022.

Các nước trong nhóm G7 mới đây đã cam kết hỗ trợ 500 triệu liều vaccine, như vậy đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng 1 tỷ liều vaccine viện trợ, trong số này chắc chắn một phần là 250 triệu liều sẽ có chậm nhất là tháng 9-2021.

Riêng đối với Việt Nam, một số địa phương đang phải đối đầu với làn sóng dịch thứ tư, đồng thời với việc khiển khai nhanh, hiệu quả nguồn vaccine đã có, thì việc thực hiện giãn cách phòng dịch cần thực hiện một cách khoa học và nhất quán. Kể từ khi thực hiện Chỉ thị 16, chỉ riêng chuyện “hàng hóa thiết yếu” đã tạo ra bao cảnh vừa khóc vừa cười. Các chỉ đạo không rõ ràng, nhất quán, năng lực thực thi ở cấp gần với người dân nhất quá yếu kém, dẫn đến những phiền toái và bức xúc lớn của người dân và doanh nghiệp.

Việc tung hết lực lượng y tế ra tuyến đầu để phòng chống dịch đã tạo ra các khoảng trống nguy hiểm ở ngay tại các cơ sở y tế. Thực tế cho thấy mấy ngày gần đây, việc cấp cứu chữa trị cho các bệnh nhân khác, những tình huống ốm đau tai nạn khác không thể thực hiện hoặc rất giới hạn vì công suất của hệ thống y tế đã bị khai thác quá mức, chỉ lo tập trung vào Covid-19.

Mặc dù sau khi đánh giá lại IMF có phần bi quan với tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, trong đó có Việt Nam trong năm 2021, tuy nhiên qua năm 2022 thì các nền kinh tế đều có dấu hiệu lạc quan hơn so với báo cáo trước. Chỉ hy vọng là việc triển khai vaccine được nhanh chóng, hiệu quả và không xuất hiện biến thể virus mới nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, việc thực thi chính sách ở các nước này cần học hỏi kinh nghiệm đã được tổng kết từ các nước đã trải qua các làn sóng 2-3 trước đây, nhất là đặt quyền lợi của người dân và doanh nghiệp lên trên hết, làm sao hỗ trợ họ đang trong khó khăn nhiều nhất có thể, những quy định cứng nhắc là không còn phù hợp trong bối cảnh nhiều tình huống phát sinh khó có thể lường trước.

Thách thức của các nền kinh tế như Việt Nam là tập trung ở việc phòng chống Covid-19 từ bên trong, cũng như đề phòng với các thay đổi bất lợi trong chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nền kinh tế phát triển từ bên ngoài. Áp lực là rất lớn vì hiện trạng lạm phát ở các nền kinh tế này đã ở mức tương đối cao.

TS. VÕ ĐÌNH TRÍ, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Các tin tức khác

>   Xây dựng sức chịu đựng nền kinh tế sau đại dịch (02/08/2021)

>   Thủ tướng: Dứt khoát không để khủng hoảng y tế, không để khủng hoảng kinh tế - xã hội (31/07/2021)

>   Bóng ma lạm phát và bài toán cho Việt Nam (30/07/2021)

>   Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19 (29/07/2021)

>   Thủ tướng bổ nhiệm 2 Thứ Trưởng Bộ Tài chính  (29/07/2021)

>   CPI tháng 7/2021 tăng mạnh do giá thực phẩm và xăng dầu đều tăng (29/07/2021)

>   Chính phủ, Thủ tướng được quyết định biện pháp đặc biệt để chống dịch (29/07/2021)

>   Quốc hội phê chuẩn 4 Phó Thủ tướng và 22 thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 (28/07/2021)

>   Quốc hội phê chuẩn 4 Phó Thủ tướng và 22 thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 (22/07/2021)

>   Quốc hội thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế: GDP bình quân 5 năm khoảng 6.5 - 7% (27/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật