Số đơn hàng ‘đi chợ hộ’ rất ít và người dân cần thêm combo y tế
Số lượng đơn hàng “đi chợ hộ” mà người dân đăng ký với các đơn vị tổ chức dịch vụ vẫn còn khá thấp, bên cạnh đó người dân phản ánh giá nhiều combo của các siêu thị khá cao, chưa cho phép người mua tùy chỉnh. Người dân cũng cần cung cấp combo “đi chợ hộ” về thuốc men, vật tư y tế cho người bệnh.
Bộ đội và lực lượng chức năng địa phương mang hàng hóa “đi chợ hộ” đến cho người dân. Ảnh: Minh Hoàng
|
Số lượng đơn hàng “đi chợ hộ” còn khá thấp
Theo số liệu báo cáo nhanh của phòng kinh tế các quận, huyện, thành phố Thủ Đức gửi về Sở Công Thương TPHCM, tính đến đến cuối ngày 24-8, lượng đơn hàng “đi chợ hộ” trên toàn thành phố đã tăng 50.385 hộ (46,9%) so với ngày hôm trước 23-8.
Tuy nhiên, tính trên tổng số 2.183.247 hộ dân đang sinh sống trên địa bàn TPHCM thì số lượng đơn đặt hàng “đi chợ hộ” còn khá thấp, chỉ chiếm tỷ lệ 3-4%.
Trong ngày 24-8, các hệ thống phân phối đã cung ứng 70.337 đơn hàng trong tổng số 74.033 đơn nhận trong ngày, giảm 6,8% so với ngày 23-8. Cũng trong ngày 24-8 có 274.633/590.859 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn đăng ký túi an sinh.
Sở Công Thương TPHCM cũng cảnh báo đã có dấu hiệu lừa đảo chuyển tiền đăng ký mua hàng. Do vậy, người dân muốn đăng ký đi chợ hộ nên liên hệ tổ trưởng tổ dân phố, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thể ở phường để đăng ký mua hàng.
|
Toàn thành phố hiện chỉ còn 2.302 điểm bán hàng (giảm 699 điểm bán so với trước khi TPHCM thực hiện siết giãn cách xã hội) gồm 76 siêu thị, 1.687 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn, 502 điểm tạp hóa, chợ (chủ yếu ở Cần Giờ). Chỉ còn 5 xe lưu động bán hàng cho các quận, huyện.
Theo các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, đa số siêu thị, cửa hàng tạm đóng cửa là do không có điều kiện mặt bằng, nhân sự để thực hiện “3 tại chỗ”.
Bên cạnh đó các siêu thị còn cho biết đơn hàng qua các kênh đặt hàng trực tuyến và điện thoại tăng mạnh, nhưng hàng hóa chưa đến tay người tiêu dùng do nhân viên cửa hàng không được phép đi giao hàng. Một số điểm bán vẫn gặp khó khăn trong khâu giao hàng.
Từ ngày 23-8, tất cả hoạt động cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân TPHCM được thực hiện qua phương thức “đi chợ hộ”. Tổ hậu cần, tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện, công an, quân đội được tăng cường tại địa phương sẽ tham gia đi chợ hộ với tần suất 1 lần/tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến từng hộ dân.
E ngại giá combo còn cao, sản phẩm chưa linh hoạt
Theo Sở Công Thương TPHCM, người dân phản ánh giá combo của một vài đơn vị bán lẻ còn cao so với mặt bằng chung và có khác biệt về mặt hàng và nhà cung cấp nên các hệ thống phân phối đang tính toán giá combo để chuẩn bị lại cho phù hợp với nhu cầu của người dân.
Lực lượng chức năng “đi chợ hộ” và trao hàng hóa tận tay người dân. Ảnh: Minh Hoàng
|
Chi Lan Phương ở quận Bình Tân, TPHCM cho biết chị nhận được một số mẫu combo từ phường cung cấp. Các combo hàng lương thực thực phẩm này do siêu thị thiết kế. Tuy nhiên nhiều combo có giá lên đến 500.000 – 600.000 đồng trong đó có nhiều món lương thực, thực phẩm giá khá cao so với giá thị trường trước giờ. Bên cạnh đó các combo đều không cho tùy biến để người dân thay đổi món khác. Nhiều gia đình có những món thực phẩm không ăn được hay có nhu cầu món khác cho trẻ nhỏ nhưng lại không cho tùy biến thì rất khó chọn lựa. Nhiều combo thiếu các món dành cho trẻ nhỏ, người già.
Bên cạnh đó một số hệ thống bán lẻ cho biết nhiều siêu thị, cửa hàng vẫn chưa nhận được liên lạc, kết nối đi chợ hộ từ các lực lượng ở địa phương. Hàng hóa, lương thực thực phẩm đã được chuẩn bị đầy đủ tại các điểm bán nhưng chưa được các địa phương đặt hàng nhiều.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty VinCommerce (Vinmart/VinMart+), cho biết công ty này đã chủ động liên hệ trực tiếp làm việc với các phường, tổ dân phố để tìm phương án phối hợp với các lực lượng chức năng giao hàng đến nhân dân. Ngoài ra, VinCommerce cũng đang tìm cách liên kết với chương trình “đi chợ hộ” mà nhiều phường, tổ dân phố đang tự triển khai, để nắm danh mục hàng hóa thiết yếu theo nhu cầu.
“Tuy nhiên, hiện nay, chỉ 10% phường và tổ dân phố đã có phản hồi, 90% còn lại chưa có phản hồi. Hiện tại, chúng tôi đang chờ sự chỉ đạo của Sở Công thương TPHCM để sớm tháo gỡ những vướng mắc trong khâu giao hàng”, bà Phương cho biết.
Các siêu thị, hệ thống phân phối cho rằng các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cần chỉ đạo các phường, xã, thị trấn tăng cường nhận đơn đặt hàng của người dân, phối hợp với doanh nghiệp phân phối để cung ứng. Cùng với đó là hỗ trợ dự kiến nhu cầu mua sắm để doanh nghiệp có thể chủ động nguồn hàng cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân thành phố trong những ngày tới.
Cần “đi chợ hộ” combo thuốc men
Trong ngày 23 và 24-8 ghi nhận tại TPHCM cho thấy ngoài nhu cầu “đi chợ hộ” mua combo hàng hóa lương thực, thực phẩm thì nhu cầu mua thuốc men của người dân cũng rất nhiều.
Ngoài lương thực, thực phẩm thì người dân cũng cần lực lượng chức năng địa phương “đi chợ hộ” mua thuốc men. Ảnh: Lê Vũ
|
Anh Trung Tính ở quận 6 TPHCM nói: “Hằng tuần tôi phải mua sữa, thuốc trị cao huyết áp cho bố, mẹ tôi. Hiện tôi đã mua dữ trự sẵn song e là không đủ. Vì vậy trong những ngày tới tôi rất mong địa phương cung cấp mẫu combo hoặc mẫu phiếu cho người dân tự điền các loại thuốc cần mua. Sau đó chúng tôi sẽ gởi lên phường để nhờ “đi chợ hộ” giúp. Hiện người dân không thể đi ra ngoài tuy nhiên nhu cầu thuốc men là rất cần thiết. Nhà có trẻ nhỏ, người già nên cần nhiều thuốc men, vật tư y tế chứ không chỉ lương thực, thực phẩm”.
Bên cạnh nhu cầu mua các loại thuốc men, vật tư y tế thì nhiều người dân tại TPHCM còn cho biết họ rất cần mua các sản phẩm vật tư y tế để hỗ trợ phòng chống Covid-19, các loại thuốc tăng sức đề kháng mùa dịch, các trang thiết bị y tế như máy đo huyết áp, máy đo đường huyết…
Vì vậy rất nhiều người dân mong muốn chính quyền và các đơn vị phân phối thuốc men, vật tư y tế, nhà thuốc… cung cấp combo “đi chợ hộ” để người dân đặt hàng để phục vụ bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch Covid-19.
Theo Sở Công Thương TPHCM, trong ngày 24-8, một siêu thị thông minh, không người bán bắt đầu hoạt động tại phường Cô Giang, quận 1. Siêu thị hoạt động theo mô hình thanh toán không tiếp xúc, nhân viên thu ngân sẽ theo dõi trực tuyến và hướng dẫn khách thanh toán đơn hàng. Siêu thị mở bán từ 8 giờ đến 17 giờ hàng ngày, dự kiến được triển khai tới hết thời gian giãn cách. Siêu thị được vận hành tự động thông qua hệ thống camera, bộ phận hậu cần sẽ quan sát được thực tế lượng hàng và tiến hành bổ sung ngay khi hàng hóa vơi bớt.
|
Chánh Trung
TBKTSG
|