Thứ Năm, 05/08/2021 11:26

Quy định mới về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 11/2021/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/10/2021, quy định về phân loại nợ và cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, quản lý nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, hạch toán và báo cáo; các quy định về trách nhiệm của NHNN và xử lý vi phạm; các quy định về điều khoản thi hành và chuyển tiếp.

Thông tư quy định TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý nợ, chính sách dự phòng rủi ro trong đó có quy định về quyền hạn, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong việc thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng, quản lý chất lượng tín dụng, tài sản bảo đảm. Trong vòng 10 ngày, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo và gửi về NHNN bộ quy định nội bộ này. 

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng mỗi tháng một lần trong 7 ngày đầu tiên của tháng và gửi về CIC. Trong 3 ngày sau khi nhận được kết quả phân loại nợ của ngân hàng, CIC tổng hợp danh sách khách hàng theo nhóm nợ và cung cấp cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong 3 ngày kể từ khi nhận được danh sách từ CIC, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh nhóm nợ theo danh sách CIC cung cấp.

Về nguyên tắc, Thông tư quy định, toàn bộ dư nợ của một khách hàng tại một TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân loại nợ theo 5 nhóm: Nợ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý, nợ dưới chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn.

Tỷ lệ trích lập dự phòng

Số tiền dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0.75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4, trừ các khoản: Tiền gửi tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật và tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở nước ngoài; khoản cho vay, mua có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; khoản mua kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước; khoản mua bán lại trái phiếu Chính phủ.

Tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể đối với từng nhóm nợ như sau:

  • Nợ tiêu chuẩn (Nhóm 1): 0%.
  • Nợ cần chú ý (Nhóm 2): 5%.
  • Nợ dưới chuẩn (Nhóm 3): 20%.
  • Nợ nghi ngờ (Nhóm 4): 50%.
  • Nợ có khả năng mất vốn (Nhóm 5): 100%.

Trường hợp số tiền dự phòng cụ thể và dự phòng chung còn lại của kỳ kế toán trước nhỏ hơn số tiền dự phòng cụ thể và dự phòng chung phải trích của kỳ kế toán trích lập, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải trích bổ sung phần chênh lệch thiếu.

Trường hợp số tiền dự phòng cụ thể và dự phòng chung còn lại của kỳ kế toán trước lớn hơn số tiền dự phòng cụ thể và dự phòng chung phải trích của kỳ kế toán trích lập, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải hoàn nhập phần chênh lệch thừa

Tài sản bảo đảm đủ điều kiện được khấu trừ khi tính số tiền trích lập dự phòng. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự xác định tỷ lệ khấu trừ đối với từng loại tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá khả năng thu hồi khi xử lý tài sản bảo đảm đó nhưng không được vượt quá tỷ lệ khấu trừ tối đa đối với từng loại tài sản bảo đảm quy định.

Tỷ lệ khấu trừ tùy thuộc vào từng loại tài sản nhưng phải theo nguyên tắc tài sản thanh khoản càng thấp, mức biến động giá càng lớn thì tỷ lệ khấu từ phải càng thấp. Trường hợp tài sản bảo đảm từ 200 tỷ đồng trở lên, tài sản từ 50 tỷ đồng trở lên đối với khoản nợ của người có liên quan, cần chú ý, nợ dưới chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn phải thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá trị tài sản.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thành lập Hội đồng xử lý rủi ro. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong trường hợp khách hàng tổ chức bị giải thể, phá sản, khách hàng cá nhân chết, mất tích hoặc trường hợp nợ phân loại vào nhóm 5.

Sau thời gian tối thiểu là 5 năm kể từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng.

Trường hợp có bằng chứng chắc chắn chứng minh tổn thất về tài sản đối với khoản nợ thì xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định pháp luật. Trường hợp do nguyên nhân chủ quan thì người gây ra tổn thất phải bồi thường. Nếu tài sản bảo đảm đã mua bảo hiểm thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.

Số tiền thu hồi được từ nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro được coi là doanh thu trong kỳ kế toán.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có bộ phận quản lý nợ, chịu trách nhiệm xây dựng trình cấp trên ban hành hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, chính sách dự phòng rủi ro, quản lý, vận hành hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ…

Ngoài trách nhiệm báo cáo NHNN theo quy định, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hàng năm báo cáo ĐHĐCĐ, chủ sở hữu về về kết quả phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập sử dụng dự phòng rủi ro.

Hàn Đông

FILI

Các tin tức khác

>   Nợ xấu tăng nhưng vẫn chưa đúng thực chất (09/08/2021)

>   Hai quý cuối năm, ngân hàng liệu có duy trì tăng trưởng tốt trong bối cảnh dịch bệnh? (04/08/2021)

>   Ngân hàng chỉ được mua chứng chỉ tiền gửi thời hạn còn lại dưới 12 tháng (04/08/2021)

>   Miễn phí chuyển tiền không giới hạn cùng gói HDBank Sky One (04/08/2021)

>   MSB triển khai tăng vốn điều lệ lên 15,275 tỷ đồng  (04/08/2021)

>   NCB bổ nhiệm nhiều nhân sự cấp cao (04/08/2021)

>   NCB bổ nhiệm nhiều nhân sự cấp cao (04/08/2021)

>   Đại dịch không ngăn được ngân hàng thu lãi lớn (06/08/2021)

>   Vì sao Agribank bất ngờ được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc? (03/08/2021)

>   SeABank giảm lãi suất tối đa 1%/năm cho khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (04/08/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật