Đại dịch không ngăn được ngân hàng thu lãi lớn
Lợi nhuận của hệ thống ngân hàng tiếp tục “bùng nổ” trong quý 2 và 6 tháng đầu năm dù đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến không ít doanh nghiệp lao đao.
Nguồn thu chính đẩy lợi nhuận ngân hàng quý 2 bay cao
Theo dữ liệu của VietstockFinance, tổng lợi nhuận trước thuế của 28 ngân hàng đã công bố BCTC quý 2/2021 đạt hơn 47,062 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong đó, có đến 27/28 ngân hàng báo lãi trước thuế tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Có được kết quả này chính là nhờ thu nhập lãi thuần của các ngân hàng đều tăng mạnh trong quý 2.
Viet Capital Bank (BVB) giữ vị trí quán quân khi có lợi nhuận trước thuế quý 2 tăng mạnh nhất trong hệ thống ngân hàng nhờ vào thu nhập lãi thuần tăng 99%, lên hơn 413 tỷ đồng. Đồng thời, các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng mạnh như lãi từ dịch vụ tăng 71% (17.7 tỷ đồng) nhờ đẩy mạnh hoạt động thẻ và dịch vụ bảo hiểm; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư gấp 3.7 lần (57 tỷ đồng), lãi từ hoạt động khác cũng tăng 41% (10 tỷ đồng).
Do đó, mặc dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được Viet Capital Bank dự phòng gấp đôi cùng kỳ, trích gần 71 tỷ đồng, Ngân hàng vẫn báo lãi trước và sau thuế gấp 13.6 lần, đạt hơn 185 tỷ và hơn 148 tỷ đồng.
Vị trí á quân thuộc về NCB (NVB) khi nhà băng này báo lãi trước thuế quý 2 gấp 12 lần cùng kỳ, đạt gần 99 tỷ đồng, chủ yếu do Ngân hàng giảm chi phí dự phòng và kỳ này không ghi nhận khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc.
Đáng chú ý là trong khi nhóm các ngân hàng tư nhân đều có lợi nhuận tăng trưởng “ngất ngưởng” thì 2 ngân hàng gốc Nhà nước là Vietcombank và VietinBank lần lượt ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm ở quý 2.
Vietcombank cho biết thu nhập từ lãi tiền gửi và lãi từ chứng khoán đầu tư giảm chủ yếu do lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm vì tình trạng thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào trong khi tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại căng thẳng và ảnh hưởng nghiêm trọng, làm giảm năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế. Đồng thời, trong thời gian qua một số khoản trái phiếu TCTD của Vietcombank đáo hạn nhưng chưa được đầu tư thay thế hoặc được đầu tư thay thế bằng trái phiếu có mức lãi suất thấp hơn.
Thêm nữa, kỳ này Vietcombank tăng đến 74% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trích lập hơn 3,225 tỷ đồng. Kết quả, Vietcombank báo lãi trước và sau thuế quý 2/2021 giảm 14% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 4,938 tỷ đồng và hơn 3,960 tỷ đồng.
Về VietinBank, mặc dù hoạt động chính đem về gần 10,879 tỷ đồng thu nhập lãi thuần cho Ngân hàng, tăng 40% so cùng kỳ, nhưng do VietinBank dành ra hơn 7,106 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro, gấp 3.2 lần cùng kỳ khiến lợi nhuận trước và sau thuế giảm 38%, chỉ còn 2,790 tỷ đồng và 2,239 tỷ đồng.
MSB lần đầu tiên lọt vào top 10 ngân hàng lãi cao nhất
Lũy kế sau 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng đạt gần 99,559 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: VietstockFinance
|
Thứ hạng cao nhất về quy mô lợi nhuận vẫn về tay Vietcombank. Trước đó, Vietcombank công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng ước tính đến 14,560 tỷ đồng. Nhưng con số lợi nhuận thực tế của Vietcombank đạt được trong 6 tháng đầu năm là 13,570 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 7% so với con số ước tính.
Với lợi nhuận trước thuế quý 2 sụt giảm mạnh nhất trong hệ thống ngân hàng, VietinBank (CTG) đã đánh mất vị trí á quân đạt được ở quý 1 và tạm thời giữ vị trí thứ 3 khi báo 8,456 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, Techcombank (TCB) đã vươn lên vị trí thứ 2 trong số các nhà băng báo lãi lớn nhất, vượt mặt cả 2 ông lớn VietinBank (CTG) và BIDV (BID) với lãi trước thuế hơn 11,536 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, với 3,119 tỷ đồng lãi trước thuế nửa đầu năm, gấp 3.2 lần cùng kỳ, MSB lần đầu tiên góp mặt vào top 10 ngân hàng lãi cao nhất. So với kế hoạch lãi trước thuế tăng trưởng 30% cho năm 2021, tương đương mức 3,250 tỷ đồng, MSB đã thực hiện được 95% kế hoạch đề ra chỉ sau nửa đầu năm.
Nguồn: VietstockFinance
|
Nửa đầu năm, nhìn chung, tất cả các ngân hàng đều có lợi nhuận trước thuế tăng trưởng so cùng kỳ năm trước. Trong đó, Kienlongbank (KLB) có lợi nhuận trước thuế tăng mạnh nhất, gấp 7.8 lần cùng kỳ, đạt gần 806 tỷ đồng, thực hiện 81% kế hoạch đề ra cho cả năm.
Nằm ở vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận, Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế chỉ xấp xỉ cùng kỳ khi thu về gần 555 tỷ đồng.
Ngân hàng đầu tiên vượt kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng
Tiếp nối một năm 2020 “bùng nổ” về lợi nhuận, các ngân hàng tiếp tục đặt ra những mục tiêu tham vọng cho năm 2021 bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn kéo dài. Tuy nhiên, điều bất ngờ là có 2 ngân hàng vượt được kế hoạch lợi nhuận cả năm dù chỉ mới đi được nửa chặng đường.
Viet Capital Bank và Saigonbank (SGB) là 2 ngân hàng đầu tiên vượt kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng. Trong đó, Viet Capital Bank vượt 16% so với kế hoạch 290 tỷ đồng của cả năm. Đây là kế hoạch tăng trưởng 45% so với kết quả đạt được của năm 2020.
Với lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt gần 137 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, Saigonbank đã hoàn thành mục tiêu 135 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đề ra cho cả năm 2021, tăng 11% so với thực hiện của năm 2020.
Cần lưu ý rằng quý 2 năm nay là thời điểm các ngân hàng phải thực hiện các quy định trích lập dự phòng theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Thông tư này nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong đó, đa phần các nhà băng đều tăng cường trích lập dự phòng nhưng phần lớn vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng từ hoạt động chính và một số nguồn thu ngoài lãi.
Ái Minh
FILI
|