Một số ngân hàng tiếp tục giảm nhẹ lãi suất huy động
Đầu tháng 8, một số ngân hàng giảm nhẹ biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân đi cùng với giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Nhìn chung, tình hình lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng kỳ này có phần yên ắng hơn so với tháng trước. Trừ một số ít ngân hàng giảm nhẹ 0.1-0.2 điểm phần trăm lãi suất huy động như OCB, HDBank, Sacombank, MB, LPB, SCB.
Tại kỳ điều chỉnh ngày 02/08/2021 gần nhất, OCB giảm 0.1-0.2 điểm phần trăm tất cả các kỳ hạn. Lãi suất ở kỳ hạn 3 tháng giảm xuống còn 3.7%/năm, kỳ hạn 6 tháng giảm xuống còn 5.3%/năm và 12 tháng còn 6%/năm, kỳ hạn 24 tháng cũng giảm còn 6.1%/năm.
Tương tự, tại kỳ điều chỉnh 16/07/2021, HDBank giảm lãi suất tiền gửi tất cả các kỳ hạn. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm 0.1 điểm phần trăm, còn 3.2%/năm; kỳ hạn 6 tháng giảm 0.15 điểm phần trăm còn 5%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm mạnh đến 0.7 điểm phần trăm còn 5.8%/năm.
Sacombank cũng giảm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 0.1-0.2 điểm phần trăm kể từ ngày 14/07, trừ kỳ hạn 12 tháng được giữ nguyên. Kỳ hạn 3 tháng giảm còn 3.3%/năm, 6 tháng còn 4.6%/năm.
MB chỉ giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống. Lãi suất tiền gửi 1 tháng còn 2.5%/năm, 3 tháng còn 3.2%/năm và 6 tháng còn 4.25%/năm.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân phổ biến ở mức 2.8-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 3.5-5.7%/năm với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; và 4.6-6.5%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.
Tính đến ngày 06/08/2021, ngoại trừ SCB áp dụng mức lãi suất cho số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, ở kỳ hạn 12 tháng, VietABank, Bac A Bank và Kienlongbank là ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao nhất với 6.5%/năm. Xếp ngay đó là NCB mức 6.4%/năm.
Ở kỳ hạn 6 tháng, NCB áp dụng mức lãi suất cao nhất 6.25%/năm, kế đến là Bac A Bank với 6.1%/năm; VietABank và NamABank cùng giữ lãi suất 6%/năm.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân tại các ngân hàng tính đến ngày 06/08/2021
|
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 7 của BVSC, với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên nhiều mặt của nền kinh tế, việc duy trì môi trường lãi suất thấp là cần thiết để giúp nhà điều hành thực thi các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Thêm vào đó, với việc lạm phát dự báo sẽ nằm trong tầm kiểm soát được kỳ vọng sẽ giúp lãi suất không tăng trong nửa cuối năm 2021.
VCBS lại cho rằng, lãi suất kỳ hạn ngắn tăng nhẹ 10-50 điểm cơ bản tại một số ngân hàng chỉ mang tính chất cục bộ, không phản ánh sự hình thành làn sóng tăng tăng. Lãi suất huy động sẽ giữ ổn định, nếu tăng cũng chỉ ở mức nhẹ, từ 0.1 – 0.2 điểm phần trăm.
Trong khi đó, SSI Research đánh giá, các ngân hàng dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ nên nhu cầu tín dụng sẽ dần hồi phục. Kéo theo mặt bằng lãi suất huy động đi ngang thời gian này nhưng có thể tăng nhẹ 0.5 điểm phần trăm trong những tháng cuối năm nay.
Còn lãi suất cho vay, mới đây 16 ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất gồm Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, VIB, TPBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB và HDBank. Tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ có mức giảm lãi suất phù hợp. Thời hạn thực hiện giảm lãi suất sẽ thực hiện trong tháng 7 cho đến hết năm 2021.
Cát Lam
FILI
|