Khi nào người dân TP.HCM được tiêm mũi 2 vắc xin Covid-19?
Theo thống kê, đến nay TP.HCM đã tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho hơn 256.000 người, đa số là người ở tuyến đầu chống dịch và các đối tượng ưu tiên theo quy định.
Đối tượng nguy cơ cần tiêm mũi 2 sớm. ẢNH: DUY TÍNH
|
Ngày 27.8, Sở Y tế TP.HCM cho biết chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 đợt 5 tại TP.HCM đến thời điểm này đã tiêm cho hơn 4,7 triệu người. Như vậy, 5 đợt tiêm vắc xin Covid-19 tại TP.HCM đến nay đã có trên 5,7 triệu người được tiêm, trong đó có gần 5,5 triệu người tiêm mũi 1 và trên 256.000 người đã tiêm mũi 2. Ngoài ra, đã có hơn 915.000 người tiêm vắc xin Covid-19 Vero Cell của Sinopharm.
Đến ngày 15.9, tiêm mũi 1 đạt 90%, mũi 2 đạt 15%
Theo Sở Y tế, TP.HCM có hơn 7,2 triệu người từ 18 tuổi trở lên. Mục tiêu của TP.HCM là huy động lực lượng y tế tư nhân, mở rộng 1.200 điểm để tiêm cho nhiều người, phấn đấu trong tháng 8.2021 đẩy nhanh tiến độ, tiêm được mũi 1 cho khoảng 70% dân số trên 18 tuổi trên địa bàn TP.
Đã có gần 600.000 người trên 65 tuổi, có bệnh nền tại TP.HCM đã được tiêm vắc xin Covid-19 trong đợt 5. ẢNH: DUY TÍNH
|
Nhưng đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã tiêm được hơn 5,7 triệu người. Trong đó gần 5,5 triệu người được tiêm mũi 1, chiếm tỷ lệ khoảng 76% người trên 18 tuổi và hơn 256.000 người được tiêm mũi 2, chiếm tỷ lệ 3,5% người trên 18 tuổi.
Mục tiêu của TP là đến ngày 15.9 sẽ tiêm mũi 1 đạt 90% và mũi 2 đạt khoảng 15% (1 triệu liều).
Những người đã tiêm mũi 1 thì mũi 2 sẽ tiêm vắc xin nào?
“Những ai tiêm Vero Cell mũi 1 sẽ tiếp tục tiêm mũi 2, đối với vắc xin Pfizer và Moderna cũng tương tự. Chỉ được tiêm trộn Pfizer mũi 2 cho người đã tiêm AstraZeneca mũi 1 (nếu AstraZeneca thiếu). Do đó, hiện nay, TP.HCM đang xin Bộ Y tế phân bổ thêm các loại vắc xin để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam thông tin.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, khi có vắc xin Bộ Y tế phân bổ thêm, sẽ tiêm tiếp mũi 2 cho người dân, song song với chiến dịch tiêm mũi 1. Việc tiêm vắc xin Covid-19 hiện nay được giao cho các quận, huyện lập danh sách và triển khai gọi người dân đi tiêm.
“Trong đợt giãn cách nên tiêm hơi chậm (từ ngày 22 - 26.8, mỗi ngày chỉ tiêm từ 50.000 - 63.000 liều) nhưng TP vẫn duy trì 700 đội tiêm”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam thông tin. Hiện các quận, huyện triển khai nhiều hình thức như tiêm lưu động, tiêm cộng đồng và tại bệnh viện để đảm bảo tiến độ.
TP.HCM còn hơn 4 triệu liều vắc xin Vero Cell
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết TP.HCM đã có 4 triệu liều vắc xin Covid-19 Vero Cell của Sinopharm (đã tiêm trên 915.000 liều). Ngày 28.8 sẽ tiếp tục có 1 triệu liều Vero Cell được nhập về. Các loại vắc xin khác đã cạn.
|
Quận, huyện chờ phân bổ vắc xin để tiêm mũi 2 cho dân
Ngày 27.8, trao đổi với phóng viên, nhiều quận, huyện cho biết đang chờ phân bổ vắc xin từ thành phố để tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Chủ tịch UBND Q.5 Trương Minh Kiều cho biết Q.5 đang lên kế hoạch tiêm mũi 2 cho những trường hợp trên 65 tuổi (chủ yếu là Moderna), vắc xin từ nguồn dự trữ và phân bổ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM. Là một trong những quận đầu tiên hoàn thành tiêm mũi 1, Q.5 đặt mục tiêu đến ngày 31.8, khoảng 70% người trên 65 tuổi được tiêm mũi 2.
TP.HCM sẽ tiêm song song mũi 1 cho người chưa tiêm và mũi 2 cho người tới thời gian tiêm theo khuyến cáo khi có vắc xin phù hợp. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
|
Tại Q.Phú Nhuận, lãnh đạo quận cho biết chưa nhận vắc xin tiêm mũi 2. Theo lịch tiêm, giữa tháng 9.2021 vẫn còn kịp tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 là vắc xin AstraZeneca, còn Moderna thời gian đầu rất ít nên có thể cân đối được. Địa phương này cũng đang chuẩn bị tiêm mũi 2 cho người trên 65 tuổi.
Trong khi đó, Q.Gò Vấp đang nỗ lực hoàn tất tiêm mũi 1 cho người dân trên địa bàn. Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, số liệu cập nhật đến ngày 27.8 cho thấy Q.Gò Vấp mới tiêm cho hơn 233.000 người trên tổng số hơn 545.000 người trên 18 tuổi (chưa tới 43%).
Tiêm vắc xin tại nhà cho người cao tuổi. ẢNH: DUY TÍNH
|
Ông Đỗ Anh Khang, Phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp lý giải có sự khác biệt giữa con số thống kê dân số và những người đang cư trú trên thực tế cũng như những người đã được tiêm mũi 1. Theo thống kê của Q.Gò Vấp, 40% người dân sinh sống trên địa bàn là người nhập cư nên trong đợt dịch vừa qua có sự chuyển dịch, nhiều sinh viên, lao động về quê. Riêng 2 trường đại học lớn trên địa bàn là Trường Đại học Công nghiệp và Trường Đại học Văn Lang có khoảng 100.000 sinh viên.
Do đó, Q.Gò Vấp phải xác định lại tỷ lệ phủ vắc xin mũi 1 trên tổng số người đang có mặt tại địa phương. “Ví dụ, như P.4, trên số liệu thống kê có khoảng 19.000 người nhưng 2 ngày qua, phường đến từng nhà, kiểm đếm người trên 18 tuổi thì có chưa tới 11.000 người”, ông Khang nêu thực tế, và cho biết các phường khác cũng sẽ rà soát lại như vậy.
Tiêm lưu động vừa đảm bảo giãn cách, vừa đảm bảo bao phủ cho đối tượng nguy cơ. ẢNH: DUY TÍNH
|
Chưa kể, ở giai đoạn trước ngày 21.7, TP.HCM triển khai tiêm chủng theo từng ngành nghề, nhóm đối tượng ưu tiên nên sẽ có những người đã được tiêm trước nhưng chưa cập nhật vào danh sách tiêm chủng của quận. Q.Gò Vấp đang tập trung rà soát để xác định chính xác bao nhiêu người đang cư trú thực tế, bao nhiêu người được tiêm (cả những người tiêm ở nơi khác). “Khi lên danh sách tiêm mũi 1 rồi thì lên kế hoạch tiêm mũi 2 cho người dân”, ông Khang thông tin.
Lãnh đạo Q.Gò Vấp cho hay kế hoạch tiêm mũi 2 dựa vào thời điểm tiêm mũi 1, chủ yếu là AstraZeneca, hiện quận đã đề xuất thành phố phân bổ. Khi có vắc xin về, các phường sẽ chủ động mời người dân ra tiêm. Hiện các thông tin tiêm mũi 1 đã được đưa lên hệ thống, khi đến lịch tiêm mũi 2 thì thông báo để người dân biết và tiêm theo lịch của nhà sản xuất.
Chậm tiêm có giảm hiệu quả bảo vệ?
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, hiện có 5 loại vắc xin Covid-19 đang được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân theo đối tượng ưu tiên gồm: AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna và Sinopharm.
Nhà sản xuất các loại vắc xin này đều khuyến cáo cần tiêm đủ 2 mũi. Theo Bộ Y tế, khuyến cáo của nhà sản xuất cho thấy khoảng cách giữa 2 mũi tiêm của các loại vắc xin là khác nhau. Cụ thể: Vắc xin AstraZeneca: từ 8 - 12 tuần; vắc xin Sputnik V: 3 tuần; vắc xin Pfizer: 3 tuần; vắc xin của Sinopharm: 3 - 4 tuần và vắc xin Moderna 4 tuần.
Dù tiêm 1 mũi hay 2 mũi thì người dân cũng phải tuân thủ 5K ẢNH: ĐỘC LẬP
|
Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm Trương Hữu Khanh, sau khi tiêm mũi 1, tùy loại mà hiệu quả sẽ đạt từ 30-40%. Hiệu lực bảo vệ của mũi 1 sau 3 - 4 tháng sẽ giảm từ từ nên phải tiêm tiếp mũi 2. Nếu tiêm tiếp mũi 2 thì hiệu quả bảo vệ sẽ lên 70-80% tùy vắc xin. Khi đó nếu không may mắc Covid-19 thì sẽ giảm tỷ bệnh nặng, đồng nghĩa với việc giảm tỷ lệ tử vong.
“Nhưng trong thời gian chờ tiêm mũi 2 có thể có mắc bệnh nên phải tuân thủ 5K. Ngay cả tiêm đủ 2 mũi cũng phải thực hiện 5K”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Đã tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 nhưng mất giấy chứng nhận, chưa có tên trong hệ thống tiêm chủng, có được tiêm mũi 2?
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), cho hay bình thường sau khi tiêm mũi 1, hầu hết người dân sẽ nhận được giấy chứng nhận đã tiêm của cơ sở tiêm chủng và lần sau đi tiêm mũi 2 thì mang đi để được xác nhận tiêm mũi 2.
Việc người dân chưa có tên trong Cổng thông tin tiemchungcovid19.gov.vn, trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử; hoặc do tiến độ cập nhật thông tin chưa theo kịp với số trường hợp đã tiêm thực tế hoặc mất giấy chứng nhận vẫn được tiêm mũi 2 vì đã nằm trong danh sách kế hoạch tiêm của cơ quan, tổ chức, đơn vị gửi cho cơ sở tiêm vắc xin khi đến lịch tiêm mũi 2.
Tuy nhiên, ông Nam lưu ý, để tiêm mũi 2, người dân cũng cần đăng ký tiêm trên Cổng thông tin tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn, hoặc qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử để trên hệ thống ghi nhận thông tin đăng ký tiêm.
|
Sỹ Đông
Thanh niên
|