Thứ Ba, 10/08/2021 09:48

Hiệp hội ngân hàng 3 lần kiến nghị giảm phí SMS nhưng chưa xong

Hiệp hội ngân hàng than phiền rằng, các nhà mạng vừa lên kế hoạch giảm phí dịch vụ cho khách hàng khác nhưng tổ chức tín dụng lại không được hưởng lợi...

 Ba lần kiến nghị giảm phí SMS, các nhà mạng vẫn chưa thấu hiểu.

Ngày 9/8/2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VMBA) có văn bản số 276/HHNH-PLNV về việc giảm mức giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng

Theo công văn này, Hiệp hội Ngân hàng phân trần: thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 và Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông giảm giá cước để hỗ trợ khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông nhằm chia sẻ khó khăn bởi đại dịch Covid-19, trên tinh thần đó các doanh nghiệp viễn thông đã có nhiều chính sách giảm cước phí viễn thông cho khách hàng.

THU PHÍ CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG CAO BẤT THƯỜNG

Tuy nhiên, đến nay các tổ chức tín dụng là đối tượng khách hàng của các doanh nghiệp viễn thông vẫn không được xem xét giảm phí sử dụng, mặc dù các tổ chức tín dụng cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, còn phải chia sẻ khó khăn với khách hàng của mình như giảm các loại phí, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ....

Những năm gần đây, xu hướng và hành vi của khách hàng chuyển dịch sang sử dụng các kênh giao dịch số như Internet Banking và Mobile Banking đang rất mạnh. Đây là kênh giao dịch nhanh chóng, thuận tiện và đa dạng nên tần suất và số lượng giao dịch của khách hàng tăng trưởng rất nhanh, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, các khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số và giảm giao dịch tại quầy dẫn đến gánh nặng chi phí tin nhắn phải trả của các tổ chức tín dụng ngày càng cao.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, ngay từ đầu năm 2020, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có 3 văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông chia sẻ với các tổ chức tín dụng thông qua việc giảm phí cước viễn thông, song đến nay các tổ chức tín dụng vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp viễn thông về giá cước tin nhắn. 

Hiện tại các tổ chức tín dụng đang sử dụng dịch vụ tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của các doanh nghiệp viễn thông để thông báo tới khách hàng thông tin biến động số dư tài khoản (tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm), thông tin giao dịch chi tiêu thẻ, thông tin lịch trả tiền vay/sao kê, thông tin gửi mã OTP (One-Time-Password) cho các giao dịch tài chính khách hàng thực hiện trên các kênh điện tử như Internet Banking, Mobile Banking… phát sinh ngay khi khách hàng thực hiện giao dịch.

Trong khi đó, giá cước phí tin nhắn dịch vụ mà các doanh nghiệp viễn thông đang áp dụng hiện nay cho các tổ chức tín dụng cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường.

Đặc biệt kể từ khi bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng giao dịch qua các kênh điện tử tại các tổ chức tín dụng liên tục tăng cao và lượng tin nhắn tổ chức tín dụng gửi cho khách hàng qua dịch vụ SMS cũng tăng  tương ứng.  

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam dẫn chứng đối với khách hàng doanh nghiệp (bao gồm các tổ chức tín dụng), nhà mạng MobiFone và VinaPhone thu 820 đồng/1 tin nhắn giao dịch tài chính và 500 đồng/1 tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng; Viettel thu 500 đồng/1 tin nhắn (không phân biệt loại tin nhắn) và từ năm 2019, Viettel đã nâng mức giá cước lên 785 đồng đối với tin nhắn giao dịch tài chính.

Còn Vietnamobile, Beeline thu 280 - 400 đồng/1 tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/1 tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng, truyền thông không yêu cầu bảo mật, gửi tức thì. Riêng với khách hàng cá nhân, Viettel thu 100-300 đồng/SMS, Vinaphone thu 99-350 đồng/SMS, Mobifone thu 200– 350 đồng/SMS. 

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ước tính hiện nay, một tổ chức tín dụng quy mô nhỏ phát sinh khoảng 15 - 20 triệu tin nhắn/tháng, một tổ chức tín dụng quy mô lớn phát sinh khoảng 50 - 80 triệu tin nhắn/tháng. Với mức giá cước phí tin nhắn rất cao như nêu trên, các tổ chức tín dụng khi đã áp dụng miễn, giảm phí giao dịch thanh toán cho khách hàng đều phải bù lỗ khi phải trả chi phí dịch vụ tin nhắn viễn thông. Ước tính chi phí viễn thông cả hệ thống các tổ chức tín dụng phải trả cho các nhà mạng lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng.

Thực tế, trao đổi với chúng tôi, một Phó Tổng giám đốc của VietinBank cho biết mỗi năm ngân hàng này chi trả cho các nhà mạng phí SMS khoảng 200 tỷ đồng. Con số này ở BIDV là 400 tỷ đồng, Vietcombank ước 400 tỷ đồng, còn Agribank trên 300 tỷ đồng.

Tương tự, đại diện của Agribank cũng cho biết thêm ở Agribank có 2 kênh chuyển tiền nội bộ và liên ngân hàng. Tuy nhiên, kênh chuyển tiền liên ngân hàng có mức phí rất đắt đỏ, bình quân mỗi giao dịch 2.000 đồng. Năm 2020, ngân hàng chi 985 tỷ đồng để trả cho loại phí này, trong đó có phí SMS.

DỊCH VỤ CHƯA TƯƠNG XƯNG VỚI PHÍ PHẢI TRẢ

Liên quan tới dịch vụ tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp viễn thông cho rằng giá phí tin nhắn áp dụng cho hệ thống ngân hàng cao hơn so với giữa các cá nhân nhắn tin với nhau là do nhà mạng phải đảm bảo bảo mật và an toàn hơn cho các tin nhắn này.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, kẻ gian đã dựa vào lỗ hổng bảo mật của một số các nhà mạng gửi tin nhắn brandname tới khách hàng của nhiều ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Mặc dù phải trả phí rất cao nhưng dịch vụ mà các ngân hàng nhận về lại không tương xứng. Kẻ gian lại dễ dàng dựa vào lỗ hổng bảo mật của một số các nhà mạng gửi tin nhắn brandname tới khách hàng.

"Sự việc rủi ro này qua rất nhiều tháng đến nay nhưng các nhà mạng vẫn không thông báo rõ ràng về nguyên nhân sự việc cũng như chưa phối hợp với các tổ chức tín dụng và cơ quan chức năng để xử lý sự việc đến cùng, gây hoang mang cho rất nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ", văn bản của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, để triển khai thực hiện tốt hơn các chỉ đạo của Chính phủ, hệ thống ngân hàng luôn đồng hành với doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn thông qua các chương trình giảm lãi suất cho vay, miễn giảm lãi, cơ cấu lại nợ, miễn giảm các loại phí dịch vụ.

Để chia sẻ, giảm bớt gánh nặng chi phí cho ngân hàng khi thực hiện chính sách miễn, giảm phí, hạ, giảm lãi suất tiền vay cho khách hàng trong bối cảnh hiện nay, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện điều chỉnh giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp tục duy trì việc miễn, giảm phí cho khách hàng trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đào Vũ

VnEconomy

Các tin tức khác

>   NHNN sẽ giám sát để 'gói hỗ trợ' 20,300 tỷ đi vào cuộc sống (10/08/2021)

>   Cá nhân vay ngân hàng cũng cần được hỗ trợ (10/08/2021)

>   Nhân viên ngân hàng nào làm việc năng suất nhất trong nửa đầu năm 2021? (17/08/2021)

>   Nhân viên ngân hàng có thu nhập ra sao trong nửa đầu năm? (11/08/2021)

>   Truy tìm lãnh đạo 2 công ty bị tố chiếm đoạt 134 tỉ đồng của ngân hàng (09/08/2021)

>   Hai năm liên tiếp NCB được Global Banking & Finance Awards vinh danh “Môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam” (09/08/2021)

>   Xu hướng chuyển dịch trong dòng tiền gửi của ngân hàng (08/08/2021)

>   Đề xuất nới các điều kiện cơ cấu nợ ngân hàng để hỗ trợ DN (06/08/2021)

>   Một số ngân hàng tiếp tục giảm nhẹ lãi suất huy động (10/08/2021)

>   Giá USD phục hồi nhẹ (06/08/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật