Giảm giá cước tin nhắn giúp ngân hàng có thêm nguồn lực hỗ trợ cộng đồng
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, các công ty viễn thông nên tính toán để có mức giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng tương xứng với những hỗ trợ của ngành Ngân hàng trong thời gian qua...
Chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu
|
Hiện tại, các nhà mạng đã có kế hoạch giảm phí dịch vụ cho khách hàng. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng là đối tượng khách hàng của các doanh nghiệp viễn thông vẫn không được xem xét giảm phí sử dụng, mặc dù các tổ chức tín dụng cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời, còn phải chia sẻ khó khăn với khách hàng của mình như giảm các loại phí, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ.... Chúng tôi đã có buổi trao đổi với chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu liên quan đến vấn đề phí dịch vụ tin nhắn này.
Vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã gửi công văn lần thứ 4 đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các công ty viễn thông giảm cước tin nhắn SMS đối với các dịch vụ tài chính – ngân hàng. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Tôi cho rằng, việc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đại diện cho tiếng nói của các ngân hàng hội viên yêu cầu các công ty viễn thông giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng là cần thiết và chính đáng.
Bởi lẽ nếu các yêu cầu này được các công ty viễn thông đáp ứng, các ngân hàng sẽ có thêm nguồn lực để hỗ trợ và san sẻ gánh nặng với khách hàng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Có thể lý giải việc các công ty viễn thông vẫn "ngó lơ" đối với các yêu cầu giảm phí của các ngân hàng, đó là nếu thực hiện giảm giá cước dịch vụ tin nhắn ngân hàng thì sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của họ. Vì các ngân hàng đều là khách hàng lớn nên giảm giá cước tin nhắn sẽ khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp viễn thông sụt giảm mạnh.
Ngành ngân hàng đã nhiều lần miễn, giảm lãi suất; miễn, giảm phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp viễn thông, vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Ở chiều ngược lại, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng chịu tác động tiêu cực từ đại dịch nhưng đến nay các ngân hàng vẫn chưa được nhận những hỗ trợ tương xứng từ các đối tác, đặc biệt từ các doanh nghiệp viễn thông. Theo ông, nên làm gì để giữa ngân hàng và công ty viễn thông có thể có được sự hợp tác, cùng chia sẻ?
Với những nỗ lực đáng ghi nhận của ngành ngân hàng trong việc giảm lãi suất; miễn, giảm phí để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (trong đó có các công ty viễn thông) thời gian qua, tôi cho rằng, đã đến lúc các công ty viễn thông cần xem lại chính sách của mình để thực hiện giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng.
Việc các công ty viễn thông thực hiện giảm giá cước tin nhắn đối với dịch vụ ngân hàng sẽ thể hiện sự công bằng đối với những nỗ lực của ngân hàng trong việc giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 suốt từ đầu năm 2020 đến nay.
Thực tế cho thấy, trong năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay, các ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất, giảm phí rất mạnh, nên các công ty viễn thông cũng nên tính toán để có mức giảm giá cước tín nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng.
Việc giảm giá dịch vụ tin nhắn cho tổ chức tín dụng thời điểm này theo ông sẽ mang lại những ý nghĩa gì?
Theo tôi, việc giảm giá cước các dịch vụ viễn thông của các công ty viễn thông nên thực hiện công bằng cho tất cả các khách hàng, trong đó có các ngân hàng.
Khi đó, các ngân hàng sẽ có thêm nguồn lực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19 mang lại. Đặc biệt đối với các khách hàng doanh nghiệp là loại khách hàng sử dụng thường xuyên dịch vụ tin nhắn với ngân hàng của họ, thì việc giảm giá cước của các công ty viễn thông sẽ được ngân hàng chuyển tiếp cho khách hàng doanh nghiệp, một điều mà các doanh nghiệp rất mong muốn.
Để các ngân hàng có thêm nguồn lực và động lực cùng chung tay chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ông có đề xuất gì về giải pháp giảm giá cước tin nhắn cho các ngân hàng, thưa ông?
Như tôi đã nói ở trên, các công ty viễn thông nên có chính sách phù hợp để giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng. Tôi cho rằng, việc giảm giá cước này sẽ giúp ngân hàng giảm số lỗ đang phải bù đối với dịch vụ tin nhắn SMS, từ đó ngân hàng có thêm nguồn lực để hỗ trợ nhiều hơn cho khách hàng và người dân.
Bên cạnh đó, để việc giảm giá cước tin nhắn đạt hiệu quả cao, theo tôi, các cơ quan quản lý như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính... cũng cần có tiếng nói để các công ty viễn thông chủ động giảm giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng.
Đào Vũ
VnEconomy
|