Doanh nghiệp hết tiền chi ‘3 tại chỗ', hàng trăm nhà máy thủy sản dừng sản xuất
123 nhà máy chế biến thủy sản tại các tỉnh phía nam phải dừng hoạt động sản xuất khi phát hiện công nhân nhiễm Covid-19 và không kham nổi gánh nặng tài chính để duy trì “3 tại chỗ”.
Nhiều doanh nghiệp chế biến phải tạm dừng sản xuất vì không đủ khả năng chi phí cho "3 tại chỗ". Ảnh Thanh Niên
|
Ngày 22.8, Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT cho biết, ở các tỉnh phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19, đã có 123 nhà máy chế biến thủy sản phải đóng cửa, tạm dừng sản xuất.
Trong số đó, 19 nhà máy đã phát hiện có công nhân, người lao động nhiễm Covid-19, buộc phải dừng sản xuất, phong tỏa để xử lý ngăn chặn, dập dịch.
104 nhà máy còn lại buộc tạm dừng hoạt động, không thể duy trì sản xuất “3 tại chỗ” vì kinh phí tốn kém, vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Thực tế đến ngày 20.8, ở các tỉnh phía nam chỉ còn 326/449 (chiếm 65%) cơ sở chế biến duy trì được sản xuất. Nhưng ở các nhà máy này, doanh nghiệp phải chia công nhân thay nhau làm ca nên công suất trung bình chỉ đạt khoảng 30 - 40% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện tại, chỉ có Sóc Trăng, Cà Mau đã quan tâm tháo gỡ khó khăn tại các nhà máy chế biến thủy sản, hình thành các vùng xanh, cho phép công nhân ở nhà, đưa đón đến nhà máy làm việc nên công suất chế biến đang trên đà phục hồi. Trong đó, Cà Mau năng lực chế biến thủy sản đã tăng lên 80% so với khi chưa có dịch Covid-19.
Cũng theo thông tin từ Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT, 13 tỉnh khu vực đồng sằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất thủy sản của cả nước, sản xuất khoảng 84% lượng tôm và 100% cá tra.
Nhưng hiện tại, việc vận chuyển, tiêu thụ khó khăn nên cá tra thương phẩm, giá tôm đều xuống thấp nên không kích thích được người dân tái sản xuất. Riêng giá cá tra giống đang rất thấp, chỉ từ 21.000 - 23.000 đồng/kg, tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu cuối năm.
Phan Hậu
Thanh niên
|