Dầu giảm 4 phiên liên tiếp
Giá dầu giảm vào ngày thứ Ba (17/8), với cả 2 hợp đồng dầu đều ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp, chịu sức ép bởi bức tranh nhu cầu yếu ở châu Á và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh cho rằng thị trường không cần thêm dầu thô.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent lùi 11 xu (tương đương 0.2%) xuống 69.39 USD/thùng, sau khi tăng lên mức cao 69.77 USD/thùng vào đầu phiên.
Hợp đồng dầu WTI mất 38 xu (tương đương 0.6%) còn 66.91 USD/thùng, sau khi đạt mức 67.66 USD/thùng trước đó.
Về phía nhu cầu, hoạt động chế biến dầu thô hàng ngày ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 do các nhà máy lọc dầu độc lập cắt giảm sản lượng do hạn ngạch bị thắt chặt hơn, làm tồn kho tăng và lợi nhuận giảm.
Tăng trưởng doanh số bán lẻ và sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc cũng chậm lại và không đạt như kỳ vọng trong tháng 7, do đợt bùng phát mới dịch Covid-19 và lũ lụt làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.
Các quỹ đầu cơ đã bán xăng dầu vào tuần trước lần thứ 6 trong 8 tuần khi số ca nhiễm Covid-19 bùng phát trở lại ở Trung Quốc, châu Âu và Bắc Mỹ, qua đó làm giảm hy vọng phục hồi nhanh chóng ở các chuyến bay lộ trình dài.
Nhật Bản chuẩn bị gia hạn và mở rộng các lệnh hạn chế ở Tokyo và các khu vực khác, trong khi New Zealand bước vào đợt phong tỏa mới vào ngày thứ Ba sau khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở nước này trong 6 tháng.
Về phía nguồn cung, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ được dự báo tăng lên 8.1 triệu thùng/ngày trong tháng 9, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, theo dữ liệu từ Chính phủ Mỹ.
Tuần trước, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc giục OPEC+, một nhóm bao gồm OPEC và các nhà sản xuất khác như Nga, tăng sản lượng dầu để kiểm soát đà tăng giá xăng dầu.
Tuy nhiên, 4 nguồn tin nói với Reuters rằng OPEC+ tin rằng thị trường dầu không cần nhiều dầu hơn mức mà nhóm này dự kiến tung ra trong những tháng tới.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|