Đất công xen kẽ vẫn 'kẹt'
UBND TP.HCM mới có văn bản gửi Chính phủ và các bộ kiến nghị sớm gỡ “nút thắt” nhằm khai thông thị trường địa ốc.
Nhiều dự án không thể triển khai do vướng quy định về đất xen kẽ. Ảnh: Đình Sơn
|
Cụ thể, trên cơ sở rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương ban hành, UBND TP kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung 44 vấn đề liên quan đến văn bản pháp luật có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, không phù hợp với thực tiễn.
Trong đó UBND TP.HCM có nhắc đến việc Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Nghị định 148/2020/NĐ-CP nhưng đến nay chưa ban hành thông tư hướng dẫn khiến địa phương không thể triển khai được. Các nghị định này quy định: ưu tiên sử dụng các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý vào mục đích công cộng. Trường hợp không sử dụng được vào mục đích công cộng thì thực hiện việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất liền kề.
Như vậy, Nghị định 148/2020/NĐ-CP đã có quy định về vấn đề này nhưng trình tự, thủ tục chưa rõ ràng. Không những vậy, đến nay vẫn chưa có tiêu chí về các thửa đất nhỏ hẹp dù Nghị định đã có hiệu lực từ đầu tháng 2.2021. Điều này ảnh hưởng tới việc xem xét các hồ sơ chấp thuận chủ trương có phần đất này trong ranh dự án.
Ngay khi Nghị định này ra đời các doanh nghiệp đã rất vui mừng nhưng đến nay mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Ảnh: Đình Sơn
|
Thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hiện thành phố có khoảng 158 dự án nhà ở thương mại chậm tiến độ hoặc bị đình chỉ thi công do vướng các phần “đất công xen kẽ”, dù tỷ lệ đất công chỉ chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích của các dự án này.
Thế nhưng từ ngày Nghị định 148 có hiệu lực đến nay vẫn chưa có một dự án nào có đất xen kẽ nào được giải cứu. Đơn cử như trường hợp một dự án tại phường Phú Thuận, quận 7 có diện tích hơn 77.300 m2 dù chỉ bị vướng hơn 1.758 m2 đất công gồm đất kênh rạch, đất thu hồi và đất lưu không (chiếm 2,2% diện tích dự án) nằm rải rác trong 5 thửa đất của dự án, gây khó khăn cho việc giải quyết thủ tục pháp lý khiến dự án này này chưa thể đóng được tiền sử dụng đất, từ đó không được cấp sổ hồng để thực hiện các bước tiếp theo. Tương tự, rất nhiều dự án bất động sản của các chủ đầu tư như: Quốc Cường Gia Lai, Lê Thành, Hưng Thịnh, Him Lam, Đất Xanh… đều dính kiểu “đất công xen kẽ” khiến dự án vẫn bất động.
Trước vướng mắc trên, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành Thông tư cụ thể hướng dẫn về tiêu chí giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất do Nhà nước trực tiếp quản lý thuộc ranh dự án. Theo TP.HCM, hiện nay, hầu hết các dự án đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của luật Đầu tư đều có đất do Nhà nước trực tiếp quản lý xen kẹt trong ranh dự án (đất đường, rạch, bờ, đê…).
Đình Sơn
Thanh niên
|