Thứ Ba, 10/08/2021 10:50

Đô thị hóa vội vã, sẽ suy tàn nông thôn

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai năm 2010, đến 2021 cả nước có 64,6% số xã, 194 đơn vị cấp huyện (chiếm 29%); và 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế.

ĐTH vội vã đã càn quét những vùng nông thôn, không như tiêu chí gắn xây dựng NTM với ĐTH.

Vì thế, chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 hy vọng sẽ tạo ra thế cân bằng tương đối giữa đô thị và nông thôn, phát triển nông thôn trên nền tảng của công nghiệp hóa - hiện đại hóa và giữ nguồn lực ở lại nông thôn.

Hệ lụy đô thị hóa vội vã

Sau khi Việt Nam tiến hành đổi mới, tiến trình đô thị hóa (ĐTH) được thực hiện vào năm 1990. Từ đó đến nay, ĐTH được tiến hành trên quy mô rộng lớn với tốc độ khá nhanh. Đến năm 2020 cả nước có 865 điểm dân cư đô thị, tỷ lệ dân cư đô thị toàn quốc đạt 42%.

ĐTH mang lại cho đất nước diện mạo mới hoành tráng, hiện đại và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng cao hơn, chủ yếu do các thành phố lớn mang lại. Nhưng ở chiều ngược lại, do ĐTH vội vã, thiếu tính toán đã làm nhiều vùng nông nghiệp - nông thôn rơi vào thế khó phát triển.

ĐTH được hiểu là quá trình chuyển hóa “tam nông”, tức chuyển từ người nông dân sang thị dân, từ làng xã nông nghiệp sang thành phố, làm gia tăng số lượng thành phố trong một quốc gia, gia tăng dân số và diện tích ở một thành phố… Đó là ĐTH theo chiều rộng, thiên về quy mô và tổ chức vật chất.

Song nếu chỉ hiểu và thực hiện như thế sẽ đưa đến những hệ lụy rất nguy hiểm. Đó là tác động xấu đến an ninh lương thực quốc gia khi diện tích đất nông nghiệp giảm dần từng năm. Điều này đồng nghĩa lúa và các nông sản bị giảm sút sẽ làm mất đi lợi thế cạnh tranh và ưu thế so sánh với các nước.

Hệ lụy tiếp theo là cội nguồn văn hóa Việt Nam từ nông nghiệp. Chính nông nghiệp, nông thôn là nơi nuôi dưỡng, bảo vệ giá trị, bản sắc văn hóa của dân tộc. Do vậy, khi cái nôi sinh ra nó bị thu hẹp, biến mất, cái “hồn” đó cũng khó tồn tại. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp đã trở thành thói quen, tập tục và tâm lý ngàn đời đối với đất nước mà đại đa số người dân làm nông nghiệp.

Vì thế, sự chuyển đổi từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp không phải là tiến trình dễ dàng, sẽ có rất nhiều người không thích nghi được. Và khi xã hội không dung nạp hết lao động nông nghiệp dôi dư sau khi xóa tam nông, sẽ làm nảy sinh nhiều hệ quả xấu về trật tự an ninh, ổn định chính trị. Ngoài ra, ĐTH vội vã sẽ làm nông thôn bị suy tàn, không còn cơ hội phát triển do nguồn lực chính là con người, đất đai bị thu hẹp đáng kể.

Thực tế, việc xuất hiện hàng trăm khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX), xây dựng mới hàng ngàn khu dân cư, khu đô thị, khu dịch vụ và hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thời gian qua làm đất nông nghiệp bị mất trung bình mỗi năm 70.000-80.000ha, hầu hết thuộc loại “bờ xôi, ruộng mật”.

Nếu kể cả đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sang cho các sân golf, khu nghỉ mát, trang trại tư nhân, diện tích còn lớn hơn rất nhiều. Từ năm 1990, dòng nhập cư từ các vùng nông thôn về Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và các vùng có KCN diễn ra mạnh mẽ. Theo đó, gần 1,3 triệu người rời bỏ ĐBSCL, hàng triệu người từ miền Trung đến TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, khiến nhiều vùng nông thôn không còn lực lượng sản xuất, làng xóm hiu quạnh, kéo theo những hệ lụy về văn hóa- xã hội.

Gắn với xây dựng NTM

Những hệ lụy trên đòi hỏi chúng ta phải tư duy lại về ĐTH một cách cẩn trọng và thấu đáo hơn. ĐTH không chỉ xây dựng mới các thành phố mà còn là quá trình chuyển những giá trị ưu việt và ảnh hưởng tích cực của đô thị tới những vùng nông thôn. Có nghĩa, đẩy mạnh ĐTH cùng với việc những vùng “tam nông” vẫn được bảo tồn, nhưng có sự thay đổi về chất nhờ có văn minh đô thị chuyển về.

Lúc này người nông dân vẫn làm nông nghiệp, nhưng là nông nghiệp mới hiện đại. Các thành tựu mới của khoa học kỹ thuật trong sinh học, tin học, cơ khí, điện khí hóa, tự động hóa được đưa vào sản xuất làm tăng năng xuất lao động, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị đất. Nhờ đó số người không làm công việc thuần nông có thể tham gia các hoạt động kinh tế khác theo hướng “ly nông, bất ly hương”.

Gắn xây dựng NTM với ĐTH bền vững còn giúp nông dân được thụ hưởng các dịch vụ của đô thị như nước sạch, điện, y tế, giáo dục, truyền thông, bảo hiểm y tế. Môi trường sống nông thôn có đầy đủ hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật tương tự như đô thị, và còn hơn thế nữa họ sống trong môi trường tự nhiên trong lành được bảo tồn gần như nguyên vẹn, trong môi trường xã hội thân thiện, tình nghĩa cộng đồng. Một đời sống như thế có chất lượng cao hơn cả đô thị chen chúc, khói bụi, đắt đỏ và ngột ngạt. Chương trình NTM năm 2021-2025 và tầm nhìn 2050 định hướng tới phần còn khiếm khuyết này của nông thôn.

Dịch Covid giúp chúng ta ngộ ra giá trị của nông nghiệp, nông thôn như một nền tảng vững chắc không chỉ cho quốc gia, còn cho cả nhân loại. Khi Covid tràn tới, những nước chỉ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch đều rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương nhất. Trong khi đó, những nước còn nông nghiệp dường như tổn thương ít hơn nên lấy lại cân bằng nhanh hơn.

Chính vì thế, nông nghiệp được coi là “bệ đỡ”, “nền tảng”… giúp quốc gia chống chịu được mọi biến động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế. Thí dụ, dù nền kinh tế bị tổn hại nhưng tăng trưởng của nước ta năm 2020 vẫn đạt 2,9%, thuộc nhóm có nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới, trong đó nông nghiệp là ngành đóng góp quan trọng nhất, khi con số xuất khẩu đạt xấp xỉ 45 tỷ USD.

Những ngày qua, khi TPHCM thực hiện Chỉ thị 16, đã xuất hiện cuộc đại hồi hương của hàng trăm ngàn người trở về quê. Nhìn những gương mặt thất thần của dòng người chạy xe máy từ TPHCM về Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa… chúng ta thật đau lòng và mong muốn sau đại dịch một phần lớn trong số họ không phải quay lại TPHCM nữa mà sẽ kiếm được công ăn việc làm nơi quê nhà.

Muốn vậy, các tỉnh cần có thêm KCN mới, đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp- nông thôn để tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập; phát triển các thôn, bản, làng, xã thành những miền quê trù phú, đáng sống, giữ được thanh niên ở lại nông thôn.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 được kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 15 thông qua, là khởi đầu cho giai đoạn mới, với nhận thức nông nghiệp thịnh vượng là “kế sâu rễ bền gốc” của quốc gia như cha ông ta từng nhắc nhở.

PGS. TS Nguyễn Minh Hòa

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Các tin tức khác

>   Dự án giao thông ì ạch chờ... đội vốn (10/08/2021)

>   Ì ạch 3 năm, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đội vốn gần 50% (09/08/2021)

>   Chủ đầu tư dự án Phú Gia Compound khởi kiện UBND TP Đà Nẵng (07/08/2021)

>   Thành lập tổ công tác xây dựng thí điểm tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư (07/08/2021)

>   TP.HCM: Đề xuất lập 10 đồ án thiết kế đô thị quanh tuyến metro số 2 (06/08/2021)

>   HoREA: Nghị định 69 sẽ “xây mới” hàng nghìn chung cư cũ (06/08/2021)

>   Gần 2.500 tỉ đồng cho 1 km đường Vành đai 3 tại TP.HCM (04/08/2021)

>   Chốt phương án nối thông cao tốc Bắc-Nam gần 120.000 tỷ đồng (04/08/2021)

>   Tuyến buýt nhanh BRT ngàn tỷ: "Ném tiền qua cửa sổ" đầu tư để chạy bằng... buýt thường (03/08/2021)

>   Đẩy nhanh tiến độ thi công 14 dự án giao thông cấp bách (29/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật