Chuyên gia VinaCapital: Những dự báo tăng trưởng GDP hiện tại đang lạc quan hơn thực tế
Bài viết của VinaCapital sẽ giúp nhà đầu tư hình dung được bối cảnh thực tế TPHCM thắt chặt giãn cách xã hội trong 2 tuần và từ đó có thể nhìn thẳng vào mức độ tác động của đợt bùng phát dịch bệnh này đến nền kinh tế Việt Nam sắp tới.
Kể từ 0h ngày 23/8/2021, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng triệt để hơn tại thành phố Hồ Chí Minh, theo đó, người dân thành phố được yêu cầu “ai ở đâu, ở yên đó”, ít nhất cho đến hết ngày 6/9/2021.
Khóa học Online
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT ỨNG DỤNG
Thời điểm Mua -Bán cổ phiếu
💡 Khai giảng: 10/9/2021
💡 Ưu đãi lên đến: 50%++
Hotline: 0908 16 98 98
>> Đăng ký ngay
|
Do số ca tử vong do Covid-19 ở TP.HCM đã không ngừng tăng lên, đồng thời hơn 80% số ca nhiễm gần đây của Việt Nam được ghi nhận tại khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận kể từ cuối tháng 7/2021, việc thực hiện các biện pháp giãn cách quyết liệt hơn là thực sự cần thiết. Thành phố sẽ có thể từng bước tái mở cửa khi đáp ứng được các tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 với các nhóm chỉ số cụ thể và khách quan mà Bộ Y tế vừa ban hành quyết định kèm hướng dẫn gần đây.
Tăng trưởng GDP chậm hơn trong năm 2021
Theo Chuyên gia Kinh tế trưởng Micheal Kolakari của VinaCapital, trong tình hình hiện nay, các công ty FDI chủ yếu là các nhà sản xuất hàng điện tử, là những đơn vị có khả năng chi trả chỗ ở cho nhân viên tại các khách sạn và/hoặc thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 khác. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như hàng may mặc, giày dép, đồ nội thất lại thấp hơn nhiều so với các công ty sản xuất điện tử tiêu dùng nên họ đang gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, việc xuất khẩu các sản phẩm này cũng đã giảm mạnh trong tháng 8. Sự sụt giảm này sẽ tác động đến mức tăng trưởng GDP của Việt Nam, cũng giống như sự suy giảm trong di chuyển cá nhân ở TP.HCM xuống mức thấp hơn nhiều so với đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên vào tháng 4 năm 2020 đã ảnh hưởng đáng kể đến tiêu dùng trong nước.
Trước tác động kể trên của đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư, các dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam đã được giảm từ khoảng 6% cách đây vài tuần xuống còn khoảng 4.5% hiện tại (Ngân hàng Thế giới World Bank cũng đã hạ dự báo xuống 4.8% trong báo cáo mới nhất được công bố trong tuần vừa rồi), tuy nhiên VinaCapital cho rằng đó vẫn là những dự báo lạc quan hơn mức thực tế.
VinaCapital cũng cho rằng kỳ vọng tăng trưởng EPS 38% trong năm 2021 là khó khả thi. Tuy nhiên, lợi nhuận sẽ tăng mạnh trong năm tới, vì vậy các nhà đầu tư không nên quá tin tưởng vào chiến lược “chọn đúng thời điểm thị trường” và bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn này hay cố gắng tính toán thời điểm quay trở lại thị trường.
Mục tiêu kiểm soát Covid tại TP.HCM
Theo chuyên gia từ VinaCapital, Chính phủ đặt mục tiêu kiểm soát được đợt bùng phát Covid-19 hiện tại ở TP.HCM trước ngày 15/09/2021, có nghĩa là:
1) Giảm 20% số ca tử vong do Covid-19 hàng ngày,
2) Giảm 20% số bệnh nhân Covid-19 nội viện chuyển biến nguy kịch, và
3) Số ca nhiễm mới cần nhập viện hàng ngày ít hơn số bệnh nhân được xuất viện trong ngày.
Chính phủ hiện đang yêu cầu triển khai xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng và đặt mục tiêu 70% dân số của TP.HCM từ 18 tuổi trở lên được tiêm liều vắc-xin đầu tiên trước ngày 15 tháng 9 (so với mức dưới 20% dân số đã tiêm ít nhất một mũi vào cuối tháng 7). Chính phủ cũng ưu tiên tiêm chủng cho người dân ở khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận, do tầm quan trọng về kinh tế của khu vực này (TP.HCM, cùng với các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai và Long An hiện đóng góp hơn một phần ba GDP cả nước). Một ghi nhận khác rằng, tỷ lệ dân số Việt Nam từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vắc-xin Covid-19 đã tăng từ dưới 5% vào cuối tháng 7 lên hơn 15% tính đến thời điểm hiện tại.
Từ góc nhìn thực tế, VinaCapital kết luận rằng mức độ lây lan nhanh của Covid-19 do biến thể Delta đã dẫn đến việc TP.HCM phải thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội, tuy nhiên chiến lược phân vùng dân cư theo nhóm nguy cơ của Chính phủ kèm các tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 cụ thể sẽ giúp việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch được dễ dàng hơn khi đạt được các mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng nhất định như giảm số ca mắc và tỷ lệ tử vong hàng ngày, tăng tỷ lệ dân số được tiêm chủng để có thể triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế ngay sau đó.
Khang Di
FILI
|