Thứ Năm, 15/07/2021 18:08

Vận hành chuỗi cung ứng nhìn từ kệ hàng trống và sự căng kéo của các siêu thị

Trong những ngày qua, tình trạng khan hiếm nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị đang khiến cho nhiều người thất vọng. Tuy nhiên ở góc nhìn khách quan hơn, các siêu thị dù nỗ lực đến mấy cũng ở trong một tình thế rất khó khi nhân lực căng kéo mà lượng cung ứng tăng gấp nhiều lần ngày thường trên mọi nền tảng.

Trung tâm phân phối thực phẩm tươi sống của Saigon Co.op hoạt động gấp 4 lần công suất trong những ngày qua. Ảnh minh họa: DNCC

Trên khắp các diễn đàn, trang cá nhân trên mạng xã hội luôn xuất hiện những thông tin than thở về tình trạng thiếu hàng ở siêu thị kèm theo những hình ảnh về các kệ hàng trống không. Tuy nhiên sức mua lớn, nhân sự bán hàng giảm, vận chuyển hàng nghẽn ở các địa phương vô tình đẩy hệ thống siêu thị vào thế khó để duy trì việc cung ứng liền mạch hàng hóa.

Công suất tăng lên, nhân sự giảm xuống

Trên fanpage truyền thông nội bộ của Saigon Co.op mới đây đã đăng tải những chia sẻ của cán bộ nhân viên Trung tâm phân phối thực phẩm tươi sống Bình Dương về những ngày không ngủ để đưa hàng về lấp đầy các siêu thị TPHCM.

Tại đây, ông Võ Trần Ngọc, Giám đốc trung tâm này, cho rằng so với thời điểm trước dịch Covid-19 lượng hàng tập kết tại trung tâm hiện nay đã tăng 400%, trong đó ưu tiên cho nhóm hàng thủy hải sản, thịt, rau củ quả. Hiện mỗi ngày có đến 600 xe tải từ 2-5 tấn chạy suốt lấy hàng từ các tỉnh.

“Suốt tuần qua anh em mỗi người chỉ ngủ được vài tiếng rồi lại ngồi dậy làm việc, có người làm suốt 18 tiếng đồng hồ đến khi kiệt sức mới chịu đi nghỉ, khỏe được một chút thì lại lao vào công việc. Nhân sự căng kéo nên mọi người đang phải nỗ lực gấp nhiều lần để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa xuyên suốt”, ông Ngọc chia sẻ.

Cũng áp lực không kém các trung tâm phân phối, ở các siêu thị lượng khách hàng mua sắm trực tiếp lẫn đơn đặt hàng online tăng lên đáng kể khiến việc điều phối trở nên khó khăn hơn. Các kệ hàng vơi đi, nhân sự cũng vơi đi vì tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội, trong khi đó khách hàng lẫn đơn hàng vẫn tăng lên gấp nhiều lần.

Đại diện Saigon Co.op cho biết các đơn hàng online qua website, app tăng mạnh, siêu thị giao hàng thành công khoảng hơn 70% lượng đơn hàng và đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ hơn nữa.

“Do không phải là đơn vị chuyên doanh online và do sức mua đột biến, chúng tôi mong người dân thông cảm về những sự bất tiện, chậm trễ. Hiện số nhân sự của Saigon Co.op ở TPHCM chưa đến 10.000 người nhưng đang phục vụ cho khoảng 3-5 triệu người dân thành phố. Ngoài phục vụ tại siêu thị, bán hàng online, hệ thống siêu thị còn chịu trách nhiệm cung cấp hơn 10.000 suất ăn và nhu yếu phẩm cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến”, vị này cho biết.

Trong khi đó, đơn hàng khách đặt qua app của chuỗi siêu thị Lotte Mart đã kín trong năm ngày tiếp theo. Chuỗi siêu thị này phải xử lý đơn hàng “cuốn chiếu”, khi nào xử lý xong các đơn hàng hiện hữu, mới mở app để tiếp nhận các đơn hàng tiếp theo.

“Ví dụ mỗi ngày, năng lực tiếp nhận của chuỗi là 1.000 đơn hàng nhưng app đã nhận đến 5.000 đơn đặt hàng thì app phải tạm ngưng và các đơn hàng được xử lý theo trình tự trước, sau. Siêu thị đã tăng cường lực lượng giao hàng, xe bảy chỗ để giao được nhiều đơn hàng hơn nhưng lượng đơn tăng lên quá nhanh”, đại diện Lotte Mart cho biết.

Ghi nhận tại MM Mega Market, hiện tại, toàn bộ đơn đặt hàng online của hệ thống siêu thị này ở TPHCM đều quá tải. Nhiều trường hợp không thể giao hàng trong ngày nên bộ phận chăm sóc khách hàng gọi điện thông báo cho khách ngày giao cụ thể, khách đồng ý thì nhân viên mới xử lý đơn hàng. Mỗi ngày, đơn vị này nhận một lượng đơn hàng online nhất định và khi đạt đến ngưỡng khả năng cung ứng thì siêu thị tạm ngưng nhận đơn hàng.

"Nhân sự của chúng tôi hiện không đủ để phục vụ. Do một số vẫn đang cách ly, chỉ 1/3 nhân viên còn làm việc tại các siêu thị. Khối văn phòng có chi viện cho tuyến đầu siêu thị nhưng vẫn không thể giải quyết xuể lượng đơn như vậy", vị đại diện này giãi bày.

Nhu cầu mua sắm của người dân đôi lúc tăng lên đột biến, khiến việc điều phối nhân sự của các siêu thị không thể trơn tru và liền mạch. Nhiều siêu thị sử dụng nhân sự tăng cường của nhiều bộ phận để đưa ra tuyến đầu.

Trong bối cảnh này, Satra đang huy động tất cả nhân viên tại chỗ và cả khối văn phòng để hỗ trợ "đi chợ giùm khách", sắp xếp quầy kệ, hỗ trợ khai báo y tế... Còn Saigon Co.op cũng huy động một bộ phận nhân viên từ Co.op Smile, Cheers... sang xử lý đơn hàng cho Co.opmart, Co.opFood, cũng như đưa một số nhân sự khối văn phòng xuống hỗ trợ Trung tâm phân phối thực phẩm Bình Dương. Trong khi đó, Bách Hóa Xanh tận dụng nhân viên từ các cửa hàng Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động.

Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo Vincommerce cho biết, doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn đến nguồn lực lao động khi tỷ lệ nghỉ việc của tập đoàn trong năm nay dự kiến lên đến 100% (nghỉ quay vòng, chủ yếu tập trung ở khối bán lẻ), cao nhất từ trước tới nay. Có thời điểm, cá biệt có siêu thị chỉ còn 10-12 nhân viên bán hàng trên tổng số 100 nhân viên do phải thực hiện cách ly tại khu vực phong tỏa. Chủ chuỗi VinMart và VinMart+ đã phải điều động nhân viên từ vùng khác về để hỗ trợ cho vùng dịch, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn khi dịch lây lan nhanh.

Hàng đủ và cần thời gian để ổn định

Song song với việc bán hàng thì việc tiếp ứng hàng cần phải được duy trì đầy đủ, tuy vậy nhiều yếu tố khách quan về vận chuyển đang đẩy các siêu thị vào thế khó. Đó là lý do khiến nhiều thời điểm kệ hàng thực phẩm trống không được khách hàng ghi lại.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn TPHCM, tất cả đều gặp khó khăn không nhỏ trong vấn đề lưu thông, vận chuyển khi phát sinh thêm thời gian đáp ứng yêu cầu kiểm soát khi qua một số tỉnh, thành phố. Nhất là trong những ngày đầu TPHCM thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội.

Nhân viên MM Mega Market phân loại đơn hàng online cho khách hàng. Ảnh minih họa: DNCC

Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc vận hành VinMart miền Nam, thừa nhận khâu chuyển hàng từ nguồn cung ở các tỉnh về TPHCM cũng như từ kho tổng đến các siêu thị là khó khăn lớn nhất hiện nay. Giấy chứng nhận xét nghiệm của tài xế có thời hạn quá ngắn, quy trình xét nghiệm mất thời gian là nguyên nhân gây khó khăn chính cho lưu thông hàng hoá. Một số nhà cung cấp ở các tỉnh xa vào TPHCM cũng không chuẩn bị kịp các thủ tục xét nghiệm nên bị giữ lại các chốt kiểm dịch.

Hay như đội ngũ vận chuyển của nhiều đơn vị như Bách Hóa Xanh,  MM Mega Market, Satrafood cũng gặp phải vấn đề tương tự trong những ngày đầu vận hành theo Chỉ thị 16. Hầu hết thông tin việc các đơn vị chuyển đang gặp một số khó khăn nhất định, như tài xế phải chờ xét nghiệm hoặc tài xế đang trong khu vực phong tỏa dẫn đến không đủ tài xế để giao hàng…

Trước thực trạng trên, chính quyền TPHCM đã chủ động phối hợp với các địa phương khu vực phía Nam thống nhất cơ chế chính sách vận hành đồng bộ chuỗi cung ứng hàng hóa trong khu vực. Đồng thời, thành phố thúc đẩy liên kết ngành, địa phương hiệu quả hơn để tháo gỡ điểm nghẽn trong lưu thông hàng hóa, nhất là phương tiện vận chuyển lương thực, thực phẩm được di chuyển xuyên suốt qua các địa phương trên cơ sở chỉ đạo và hướng dẫn của các bộ, ngành.

Trước tình hình này, Sở Công Thương đang tích cực vận động các nguồn lực xã hội phối hợp mở thêm kênh cung cấp hàng hoá cho người dân, đặc biệt là người dân tại các khu vực đang bị phong toả, cách ly, không thể đi ra ngoài mua sắm.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, thực tế thời gian qua các hệ thống phân phối bị thiếu hụt từ 20-25% nhân sự do nhiều người lao động là F0, F1, F2… nhưng vẫn nỗ lực đáp ứng nhiệm vụ cung cấp hàng tiêu dùng cho người dân thành phố và không tránh khỏi những thời điểm quá tải, không đáp ứng được nhu cầu.

"Trong giai đoạn khó khăn chung vì dịch bệnh, các nhu cầu cá nhân gặp nhiều bất tiện nhưng rất cần người tiêu dùng thông cảm, chia sẻ. Hàng hóa cung ứng đủ và đang được phân phối ngày một ổn định", ông Phương bày tỏ.

V.Dũng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Khẩn: Ưu tiên xét nghiệm Covid-19 cho tài xế chở hàng hóa tại TP.HCM (15/07/2021)

>   TP.HCM: 921.400 liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca về đến Tân Sơn Nhất (15/07/2021)

>   Cho thí điểm bán cá thịt, rau củ theo combo đồng giá tại chợ đang bị đóng (15/07/2021)

>   Sáng 15/7, có 805 ca mắc mới COVID-19 (15/07/2021)

>   Phó Thủ tướng: TPHCM cần phân tích xu hướng các ổ dịch và ca mắc mới (14/07/2021)

>   Những doanh nghiệp nào ở TP.HCM vẫn được hoạt động từ ngày 15.7? (14/07/2021)

>   Shipper tất bật giao hàng đến nửa đêm (14/07/2021)

>   Tối 14/7, Việt Nam ghi nhận 829 ca mắc mới COVID-19 (14/07/2021)

>   Pfizer cam kết cung ứng bổ sung 20 triệu liều vaccine Covid-19 cho trẻ em Việt Nam từ 12-18 tuổi (14/07/2021)

>   Công nhân lưu trú tại công ty được hỗ trợ thêm từ 1 - 3 triệu đồng (14/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật