Thứ Tư, 14/07/2021 16:05

Công nhân lưu trú tại công ty được hỗ trợ thêm từ 1 - 3 triệu đồng

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để không 'đứt gãy' chuỗi sản xuất, nhiều công ty tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương… tìm mọi cách bố trí cho công nhân lưu trú tại công ty, vừa cách ly vừa sản xuất an toàn.

Công nhân lưu trú tại công ty được hỗ trợ thêm từ 1 - 3 triệu đồng
Công nhân Công ty Foster được bố trí chỗ ngủ nghỉ trong khu vực có máy lạnh. Ảnh: Đỗ Trường

Tại Đồng Nai, ngay từ giữa tháng 6.2021, nhận thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao nên Đồng Nai đã vận động hàng ngàn công nhân làm việc tại Đồng Nai nhưng sống ở TP.HCM và Bình Dương tạm thời lưu trú lại Đồng Nai. Doanh nghiệp (DN) nào có điều kiện thì bố trí cho người lao động ngoại tỉnh lưu trú tại công ty. Trường hợp không đủ điều kiện tổ chức cho công nhân lưu trú tại công ty thì yêu cầu người lao động thuê trọ bên ngoài để ở.

Thực hiện lời kêu gọi của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, ngay thời điểm giữa tháng 6.2021 đã có 3 công ty tổ chức cho công nhân lưu trú tại chỗ, gồm: Công ty TNHH Sơn Ocean (KCN Long Thành); Công ty TNHH Dược phẩm Shinpoong Daewoo (KCN Biên Hòa 2) và Công ty cổ phần GreenFeed chi nhánh Đồng Nai (KCN Sông Mây, H.Trảng Bom).

Nhiều công ty khác chưa đủ điều kiện tổ chức lưu trú tại chỗ thì vận động công nhân thuê trọ gần công ty và hỗ trợ một phần chi phí. Cụ thể, Công ty Changshin VN với hơn 40.000 công nhân (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) có rất nhiều công nhân nhà ở Bình Dương đã chấp nhận thuê trọ lại Đồng Nai để làm việc.

Công ty Toget Việt Nam (H.Trảng Bom, Đồng Nai) tổ chức cho công nhân lưu trú sau khi Đồng Nai áp dụng Chỉ thị 16. Ảnh: CTV

Sau khi Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên địa bàn toàn tỉnh, Công ty CP Toget Việt Nam (xã Tây Hòa, H.Trảng Bom) đã tổ chức cho công nhân lưu trú tại công ty. Theo đó, công ty đã chuẩn bị nơi ăn ở, nệm và hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng/người. Cũng theo thông báo công ty đưa ra, khối sản xuất vì tính chất đặc thù nên yêu cầu phải ở lại công ty. Còn khối văn phòng có thể làm việc tại nhà, nhận lương 100%.

Tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Công ty Taekwang Vina với hơn 30.000 công nhân (đóng tại KCN Biên Hòa 2) cũng tổ chức cho nhiều công nhân lưu trú tại công ty. Trước đó, tại KCN Long Thành, Công ty TNHH Sơn Ocean bố trí cho hơn 60% công nhân lưu trú trong những thùng container máy lạnh được công ty thuê bên ngoài, diện tích mỗi container khoảng 30m2. Các container đều được lắp máy lạnh, bố trí ô thông gió, cửa sổ, đèn...

Cùng ngày, trả lời chúng tôi, ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng Ban quản lý các KCN Đồng Nai, cho biết hiện có hơn 10 công ty trong các KCN Đồng Nai đề nghị tổ chức lưu trú cho công nhân ở lại. Ông Cường dự đoán thời gian tới số lượng sẽ tăng lên nếu tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp.

Vận dụng “4 tại chỗ” để chống dịch

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết hiện nay đã có hiều DN bố trí chỗ ăn, nghỉ tại nơi làm việc cho người lao động để vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa phục vụ công tác phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ). Nhờ chủ động tốt các phương án nên tính đến thời điểm này chưa có trường hợp lây nhiễm dịch Covid-19 trong các KCN ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Toàn tỉnh này hiện có 13 KCN đang hoạt động với 64.418 người lao động (trong đó có 1.590 lao động là người nước ngoài) làm việc tại 370 DN. Số lao động ngoài tỉnh là 33.565 người, trong đó có 1.560 lao động từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai thường xuyên đi về mỗi ngày. Ban Quản lý các KCN tỉnh đã yêu cầu các DN ngưng tổ chức xe đưa đón chuyên gia, người lao động hằng ngày ra ngoài tỉnh. Trong số này có 80% lao động được các DN tạm thời bố trí ở nhà làm việc online hoặc thuê khách sạn, phòng trọ tạm trú gần khu vực nhà máy.

Tại cuộc họp với các DN, ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị các DN tính toán, sắp xếp cho công nhân, người lao động ăn, ở tại chỗ. Các DN thực hiện các biện pháp giãn cách tại nơi làm việc, tổ chức cho người lao động vào ca, tan ca lệch giờ để hạn chế tập trung đông người. DN có sử dụng lao động người nước ngoài cần giám sát, kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh đã được bảo lãnh nhập cảnh, theo dõi sức khỏe sau khi hoàn thành cách ly, quản lý và sử dụng người lao động nước ngoài đúng quy định.

Khẩu phần ăn của công nhân ở lại trong Công ty Foster (Bình Dương) tăng hơn so với bình thường. Ảnh: Đỗ Trường

Trước đó, từ ngày 10.7, Công đoàn Ban quản lý các KCN tỉnh đề nghị các công đoàn cơ sở khẩn trương phối hợp với DN rà soát, sắp xếp phương án tổ chức cho người lao động tạm thời lưu trú tại DN theo phương châm “4 tại chỗ”. Chuẩn bị sẵn sàng kịch bản phòng, chống dịch trong mọi tình huống để đạt được kết quả cao nhất, không để bị động, bất ngờ nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các DN có nhu cầu xét nghiệm nhanh Covid-19 cho người lao động cần nhanh chóng lập danh sách gửi về Ban Quản lý các KCN trước ngày 15.7 để tổng hợp chuyển Sở Y tế bố trí nhân lực, phương tiện tổ chức thực hiện. Công đoàn cơ sở tăng cường động viên người lao động bình tĩnh, không dao động, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. Nhắc nhở người lao động tại đơn vị không ra khỏi nơi làm việc, nơi ở, hạn chế tụ tập, đi lại khi không cần thiết, thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn…

Tại Bình Dương, bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết có gần 70 DN đã bố trí cho công nhân ở lại công ty để vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch Covid-19. Theo bà Loan, các DN bố trí cho công nhân ở lại trong công ty đã có trên 25.000 công đoàn viên và 9.980 công nhân lao động đăng ký và được bố trí chỗ ăn ở trong công ty. Các công nhân ở lại công ty được chăm lo cơm 3 bữa/ngày và hỗ trợ trung bình từ 1-3 triệu đồng/tháng.

Vật phẩm, nhu yếu phẩm hỗ trợ công nhân ở lại đã được chuyển đến Công ty Ampacs International, Bình Dương. Ảnh: Đỗ Trường

Ghi nhận của PV tại một số công ty cho thấy có công ty hỗ trợ cho công nhân ở mức khá cao với trên 4,5 triệu đồng/tháng. Ông Trần Ngọc Lương, Giám đốc Công ty TNHH cung ứng lao động Đức Lương (Bình Dương) cho biết nhiều công ty (nơi công ty Đức Lương cung ứng lao động) ngoài việc chăm lo chỗ ăn ở, hỗ trợ 150.000 đồng/ngày cho công nhân, đơn vị sử dụng lao động còn tổ chức xét nghiệm tầm soát Covid-19 miễn phí hàng tuần và đăng ký tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho công nhân. Tại công ty TNHH Điện tử Foster (KCN VN-Singapore 2, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), công nhân ở lại được bố trí chỗ ăn ở, sinh hoạt trong khu vực có máy lạnh. Ông Phùng Thiết Quyên, Giám đốc Hành chính Công ty Foster cho biết chế độ ăn 3 bữa của công nhân lưu trú tại công ty được tăng khẩu phần, chất lượng từ 1-1,5 lần so với bữa ăn bình thường. Ngoài số tiền hỗ trợ cho mỗi công nhân là 3 triệu đồng/tháng, Công ty Foster còn tăng cường thêm sữa tươi, nước uống hằng ngày cho công nhân.

Đỗ Trường

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Gần 9 triệu liều vaccine COVID-19 về Việt Nam trong tháng 7 (14/07/2021)

>   Có nên tiêm 2 loại vaccine phòng COVID-19? (14/07/2021)

>   Trưa 14/7 ghi nhận 1,196 ca mắc mới, riêng TPHCM là 971 ca (14/07/2021)

>   TP.HCM bác tin đóng cửa toàn thành phố (14/07/2021)

>   Chuyên gia kinh tế: 'TP.HCM nên giãn cách triệt để hơn' (14/07/2021)

>   Việt Nam đã đặt mua và được cam kết 105 triệu liều vaccine (14/07/2021)

>   Sáng 14/7, Việt Nam thêm 909 ca mắc COVID-19 (14/07/2021)

>   Cách ly F0 không triệu chứng tại nhà: Thận trọng nhưng cần thiết (14/07/2021)

>   TP.HCM lên 3 kịch bản sau 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (13/07/2021)

>   2 triệu liều vaccine Moderna được Bộ Y tế phân bổ như thế nào? (13/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật