Thứ Ba, 13/07/2021 21:26

TP.HCM lên 3 kịch bản sau 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

TP.HCM xây dựng 3 kịch bản phải đối diện sau 15 ngày giãn cách xã hội, khả quan nhất là dịch bệnh được kiểm soát và thành phố triển khai Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19.

TP.HCM lên 3 kịch bản sau 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Đường phố TP.HCM vắng vẻ những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Độc Lập

Chiều 13.7, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố những ngày qua. Đây là buổi họp báo đầu tiên của ông Phan Văn Mãi trên cương vị Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM.

Tại buổi họp báo, PV Thanh Niên đặt câu hỏi: Sau 5 ngày triển khai Chỉ thị 16, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố có những tín hiệu tích cực; người dân thành phố đồng tình và kỳ vọng thành phố sẽ kiểm soát được dịch bệnh trong 15 ngày, vậy với những thuận lợi như trên, TP.HCM dự định sẽ có những kịch bản nào sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16? Những khuyến cáo cơ bản, trọng tâm nào cần thiết với người dân ?.

Trao đổi với báo chí, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi thay mặt lãnh đạo TP.HCM cảm ơn các cơ quan báo chí, phóng viên đã xông pha cùng với lực lượng tuyến đầu đưa tin kịp thời về dịch bệnh và những nỗ lực của thành phố để người dân cả nước hiểu hơn và yên tâm hơn. Thông qua các góp ý của báo chí, lãnh đạo TP.HCM có nhiều điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình.

Toàn cảnh buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: HMC

Ông Mãi cũng chia sẻ sau 5 ngày thực hiện giãn cách xã hội, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch TP.HCM cảm ơn người dân đã hiểu, đồng tình và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch; đồng thời nhấn mạnh đây là yếu tố quan trọng, quyết định đến thành công của đợt giãn cách, nếu không nghiêm và không đồng bộ thì kết quả không cao.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy cũng cảm ơn sự quan tâm, động viên, chia sẻ, giúp đỡ của bàn con và lãnh đạo các tỉnh thành những ngày qua, những món quà chứa đựng đầy nghĩa tình từ trái bầu, trái bí đến vật dụng phòng chống dịch. Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cũng tham gia đóng góp nhiều ý kiến khoa khọc, thuyết phục để Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, có những tiếp thu, điều chỉnh để đạt kết quả tốt.

3 tuyến chống dịch

Về các biện pháp phòng chống dịch trong những ngày qua, ông Mãi cho biết đang tập trung 3 tuyến: tầm soát F0 có trọng tâm, trọng điểm với nỗ lực tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất có thể; tuyến 2 là cách ly, thu dung, điều trị F0, tập trung nguồn lực điều trị bệnh nhân nặng; và tuyến 3 là tập trung cho vắc xin. TP.HCM cũng ứng dụng công nghệ vào công tác chống dịch đảm bảo khoa học, chính xác.

Giải đáp câu hỏi liệu TP.HCM đã đạt đỉnh dịch chưa?, ông Mãi nhìn nhận số liệu 5 ngày là quá sớm để dự đoán đỉnh dịch, đồng thời cho biết cần thêm 2-3 ngày nữa để xây dựng chuỗi dữ liệu ổn định thì mới đưa ra dự đoán ban đầu.

Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM cũng đưa ra 3 tình huống có thể xảy ra sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16.

Tình huống thứ nhất, TP.HCM ngăn chặn và kiểm soát được dịch Covid-19 và xem xét việc thực hiện Chỉ thị 16 như thế nào. Lúc đó có thể là Chỉ thị 16 “trừ”, Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19 tùy theo diễn biến dịch.

Chốt kiểm soát ở Q.Gò Vấp đông đúc trong buổi sáng hôm qua, ngày 12.7. Ảnh: Độc Lập

Tình huống thứ 2 là TP.HCM chưa kiểm soát được và dịch vẫn gia tăng, khi đó phải tiếp tục Chỉ thị 16, thậm chí là tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 “cộng” ở một số địa bàn.

Tình huống thứ 3 là xấu nhất mà không ai mong muốn đó là dịch gia tăng mạnh mẽ và mất kiểm soát. Đối mặt với tình huống này, TP.HCM phải tính toán phong tỏa kèm biện pháp mạnh hơn để ứng phó hoặc sẽ có một cách tiếp cận khác.

“Việc này TP.HCM đang nghiên cứu và đề xuất với Bộ Y tế và Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống dịch Covid-19 để có đề xuất cho phù hợp với tình hình. Việc quyết định nhất là thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 trong những ngày còn lại. Từng người dân, cộng đồng dân cư, cơ quan, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các biện pháp nghiêm ngặt nhất”, ông Mãi nhận định.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, lực lượng trực tiếp phải làm hết chức trách, nhiệm vụ của mình để đạt hiệu quả cao nhất. Sự cộng hưởng của 2 yếu tố trên sẽ giúp TP.HCM đạt kết quả cao nhất là tình huống 1. Ngược lại, nếu không nghiêm, không đồng bộ thì phải thực hiện tình huống 2 hoặc đối diện với kết quả xấu hơn là tình huống 3.

Ông Mãi đề nghị các ngành chức năng tiếp tục phát huy sự tích cực, chủ động trong thời gian cùng với sự chung sức, đồng lòng của người dân để đạt hiệu quả cao nhất.

Phải an toàn thì mới sản xuất

Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM cũng chia sẻ thêm về những chuệch choạc, bất cập mà các đơn vị phải đối mặt, xuất phát từ dịch bệnh Covid-19 đợt này phức tạp, có những việc ngoài sự chuẩn bị, nhiều vấn đề phát sinh. Khi phát hiện những bất cập đó, TP.HCM đã có nhiều bổ sung, vừa làm vừa điều chỉnh.

Ông Phan Văn Mãi cũng mong muốn tiếp tục nhận được góp ý, chia sẻ của các cơ quan báo chí để thành phố điều chỉnh kịp thời.

TP.HCM đặt mục tiêu phòng chống dịch lên hàng đầu, chỉ các doanh nghiệp đảm bảo an toàn thì mới được sản xuất. Ảnh: Sỹ Đông

Liên quan đến vấn đề sản xuất an toàn, ông Mãi thông tin trong thời gian, TP.HCM tập trung cho mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Nhưng đến thời điểm này thì TP.HCM xác định phòng chống dịch là ưu tiên số một, đảm bảo sức khỏe và an toàn tính mạng người dân được đặt lên trên hết và trước hết. Do đó, nơi nào an toàn thì mới tổ chức sản xuất, nếu chưa an toàn thì củng cố các điều kiện, khi nào an toàn thì mới sản xuất.

Hôm nay, UBND TP.HCM đã có văn bản thông báo đến các cơ sở sản xuất, đề nghị rà soát các tiêu chí an toàn phòng chống dịch để triển khai sản xuất. TP.HCM đề nghị các doanh nghiệp thực hiện theo 2 phương thức. Thứ nhất là 3 tại chỗ, gồm: ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và sản xuất tại chỗ. Phương thức 2 là “2 điểm một con đường”, doanh nghiệp bố trí chỗ ăn uống, nghỉ ngơi bên ngoài nhà xưởng và tổ chức xe đưa đón tập trung, đảm bảo an toàn.

Từ ngày 9.7, TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng trong vòng 15 ngày để ngăn chặn, kiểm sóat dịch bệnh Covid-19, sớm đưa cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường.

Sỹ Đông

Thanh niên

Các tin tức khác

>   2 triệu liều vaccine Moderna được Bộ Y tế phân bổ như thế nào? (13/07/2021)

>   TP.HCM ‘hỏa tốc’ thí điểm cho mỗi chợ 2-10 tiểu thương bán rau củ lại (13/07/2021)

>   TP.HCM xử phạt gần 5 tỉ đồng đối với 3 loại vi phạm phòng chống dịch Covid-19 (13/07/2021)

>   Tối 13/7, thêm 852 ca mắc mới COVID-19 (13/07/2021)

>   Bộ Y tế đồng ý chủ trương cho TP.HCM thí điểm cách ly F0 tại nhà (13/07/2021)

>   Đồng Nai hạn chế mỗi khách hàng chỉ được mua tối đa 2 vỉ trứng/ngày (13/07/2021)

>   Hơn 700 ca nhiễm Covid-19 'xâm nhập' Khu Công nghệ cao TP.HCM (13/07/2021)

>   Phân bổ vắc xin Pfizer: TP.HCM được tiếp nhận nhiều nhất (13/07/2021)

>   Trưa 13/7 Việt Nam ghi nhận thêm 983 ca mắc mới, TPHCM nhiều nhất với 886 ca (13/07/2021)

>   Dừng hơn 300 chốt giám sát, TP.HCM chuyển sang tuần tra lưu động (13/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật