Hơn 700 ca nhiễm Covid-19 'xâm nhập' Khu Công nghệ cao TP.HCM
Tính đến sáng 13.7 đã có hơn 700 ca nhiễm Covid-19 xâm nhập vào các doanh nghiệp bên trong Khu Công nghệ cao TP.HCM, nhiều nhất là Công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam (hiện đã dừng hoạt động).
Công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam đã dừng hoạt động sau khi ghi nhận hàng trăm ca nhiễm Covid-19. Ảnh: Nguyên Vũ
|
Ngày 13.7, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM gửi văn bản đề nghị các doanh nghiệp hoạt động bên trong Khu Công nghệ cao TP.HCM gửi phương án vừa cách ly, vừa tổ chức sản xuất để thẩm định.
Động thái này của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM đưa ra sau khi ghi nhận hàng trăm ca nhiễm Covid-19 xâm nhập vào các doanh nghiệp.
Tính đến sáng 13.7, ngành y tế đã ghi nhận hơn 700 ca nhiễm trong Khu Công nghệ cao TP.HCM. Trong đó, số ca nhiều nhất tập trung ở Công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam với 573 ca nhiễm. Doanh nghiệp vốn đầu tư từ Nhật Bản này đã dừng hoạt động từ chiều 3.7 để xây dựng phương án sản xuất trong tình hình dịch bệnh. Hiện doanh nghiệp gặp khó khăn khi nhiều công nhân làm việc ở công ty cư trú trong khu vực phong tỏa tại P.Tân Phú (TP.Thủ Đức).
Các doanh nghiệp có số ca nhiễm nhiều còn có Công ty TNHH Jabil Việt Nam (68 ca), Công ty TNHH Điện tử Samsung (SEHC - 42 ca), Công ty TNHH Nidec Việt Nam (19 ca), Công ty TNHH MTV Deayoung Electronics Vina (5 ca)… và một số công ty khác có 1 - 2 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Một lãnh đạo Ban Quản lý Khu công nghệ cao cho biết đến chiều nay, số ca nhiễm và nghi nhiễm đã tăng lên.
Người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao TP.HCM được tiêm vắc xin hồi tháng 6.2021. Ảnh: Độc Lập
|
Hiện các doanh nghiệp có ca nhiễm đã dừng hoạt động phân xưởng ghi nhận nơi người lao động dương tính vi rút SARS-CoV-2, ngành y tế tiếp tục điều tra, truy vết F1 liên quan để tổ chức cách ly y tế theo quy định.
Bà Lê Bích Loan, Phó trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết đến chiều 13.7, có hơn 20 doanh nghiệp đã gửi phương án “vừa sản xuất, vừa cách ly tại chỗ”. Ban Quản lý Khu công nghệ cao sẽ phối hợp với ngành y tế và chính quyền địa phương thẩm định phương án, chỉ doanh nghiệp nào đủ điều kiện mới được hoạt động.
“Mục tiêu cao nhất vào thời điểm này là phòng chống dịch Covid-19. Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM mong các doanh nghiệp chia sẻ, đồng hành để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, bà Loan đề nghị.
Trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 4, các ca nhiễm đã xâm nhập vào nhiều công ty trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và Công viên Phần mềm Quang Trung. Ngày 11.7, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM yêu cầu 29 doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) dừng hoạt động. Sở Y tế cho biết tính đến chiều qua (12.7), có 275 ca nhiễm và nghi nhiễm trong Khu chế xuất Tân Thuận.
Sỹ Đông
Thanh niên
|