Thứ Tư, 14/07/2021 09:00

Room tín dụng – Vì sao vẫn giữ?

Một số ý kiến gần đây đề xuất nên bãi bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng giao cho các ngân hàng từng năm, thay vào đó để các tổ chức này chủ động trong hoạt động phát triển kinh doanh và tăng trưởng dư nợ. Tuy nhiên, vì sao nhà điều hành vẫn muốn giữ cơ chế này trong bối cảnh hiện nay?

Room tín dụng

Sau khi tăng trưởng khá tốt trong 4 tháng đầu năm 2021 với mức tăng 4.14%, tăng trưởng tín dụng toàn ngành có dấu hiệu tăng chậm lại trong 2 tháng sau đó. Tính đến ngày 21/6, dư nợ tín dụng chỉ tăng 5.47% so với đầu năm, tức chỉ tăng thêm 1.33% trong tháng 5 và tháng 6. Xét theo số tuyệt đối, chỉ trong 4 tháng đầu năm dư nợ đã tăng thêm hơn 380,000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng tăng thêm 95,000 tỷ đồng, trong khi 2 tháng cuối quý 2 chỉ tăng thêm được 122,000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng tăng thêm 61,000 tỷ đồng.

Khóa học Online

PHÂN TÍCH NGÀNH VÀ DÒNG TIỀN THỊ TRƯỜNG

 💡 Khai giảng: 19/07/2021

 💡 Ưu đãi lên đến: 50%++          

Hotline: 0908 16 98 98

>> Đăng ký ngay

Ngoài ảnh hưởng bởi dịch bệnh bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 và ngày càng lan rộng mạnh mẽ làm suy giảm nhu cầu vay vốn, một lý do khác được đưa ra là do nhiều ngân hàng đã chạm mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay nên buộc phải cho vay chậm lại, cho đến khi nào được nới thêm hạn mức tăng trưởng mới. Thông thường phải đến hết quý 2 và đầu quý 3 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới xem xét nới room tín dụng cho các ngân hàng đảm bảo điều kiện đặt ra.

Thực tế số liệu công bố sơ bộ tại một vài ngân hàng cũng cho thấy dù tăng trưởng tín dụng toàn ngành khá khiêm tốn, nhưng kết quả phát triển dư nợ cho vay của những nhà băng rất tích cực. Như Vietcombank 6 tháng tăng trưởng tín dụng đạt 9.8%, trong khi mục tiêu cả năm được giao chỉ 10.5%. MBBank cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng đến 10.5% trong 6 tháng đầu năm.

Tại Techcombank, tín dụng 6 tháng đầu năm cũng đã tăng khoảng 10-11%, VPBank đã đạt 12%,  gần như hết room được giao trong nửa đầu năm và đang chờ NHNN phê duyệt room mới. Hay như một số ngân hàng khác cho biết đã tiệm cận room tín dụng được giao từ tháng 4/2021 như: ACB, HDBank, SeABank…

Việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đang thu hút sự chú ý trong những ngày gần đây, như MBBank và ACB đều đã đề xuất xin nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 15%, một số ngân hàng trong nhóm lớn sẽ được nới room từ 10 – 12%, thậm chí các ngân hàng tư nhân có thể được nới room lên đến 20 – 25%.

Trước tình hình này, một số ý kiến gần đây đề xuất nên bãi bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng giao cho các ngân hàng từng năm, thay vào đó để các tổ chức này chủ động trong hoạt động phát triển kinh doanh và tăng trưởng dư nợ. NHNN chỉ nên kiểm soát và quản lý thông qua hệ số an toàn vốn (CAR) và các chỉ tiêu giới hạn cấp tín dụng khác, vì nếu ngân hàng tăng trưởng tín dụng quá nóng, hệ số CAR sẽ suy giảm và ngân hàng đó buộc sẽ phải chủ động giảm tốc độ tăng trưởng dư nợ lại.

Ngoài ra, cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm của NHNN cho các NHTM cũng được cho là một công cụ mang tính hành chính, có thể làm triệt tiêu động lực kinh doanh của các ngân hàng. Thay vào đó, các đề xuất cho rằng NHNN không cần dùng room tín dụng mà có thể dùng công cụ khác để kiểm soát lạm phát như lượng tiền cung ứng (M2), dự trữ bắt buộc. Còn để kiểm soát tăng trưởng tín dụng cũng như thanh khoản của các ngân hàng, NHNN có thể dùng các công cụ như tỷ lệ về khả năng chi trả, tỷ lệ dư nợ cho vay/tổng tiền gửi (LDR)…

Vì sao vẫn cần giữ?

Cần nhắc lại rằng room tăng trưởng tín dụng phân bổ hàng năm cho các ngân hàng bắt đầu được triển khai cách đây 10 năm, thời điểm mà ngành ngân hàng bắt đầu phải tái cấu trúc mạnh mẽ, phân nhóm các ngân hàng để xác định các ngân hàng yếu kém, mở đường cho hàng loạt thương vụ hợp nhất và sáp nhập sau đó. Ngoài ra, việc phân nhóm các ngân hàng thời điểm đó cũng trở thành cơ sở cho NHNN phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm, dựa trên tình hình sức khỏe, chất lượng tài sản, quy mô hoạt động của từng nhà băng.

Tính cho đến thời điểm hiện tại, ngành ngân hàng vẫn đang trong quá trình tiếp tục tái cấu trúc, bảng cân đối tài sản, thực trạng các ngân hàng vẫn có sự khác biệt lớn, trong đó vẫn còn những ngân hàng đang phải nỗ lực để phục hồi trở lại. Do đó, để đảm bảo an toàn trong hoạt động của toàn ngành nói chung và các ngân hàng này nói riêng, việc phân bổ hạn mức tín dụng có lẽ cần phải tiếp tục được duy trì.

Chính sách phân bổ room tín dụng hàng năm cũng có thể giúp đảm bảo ổn định lãi suất, tránh trường hợp các ngân hàng có hệ số CAR cao sẽ mặc sức tăng trưởng tín dụng, kéo theo nhu cầu vốn kinh doanh lên cao và có thể tăng lãi suất huy động để hút vốn từ các ngân hàng khác sang, kéo theo cuộc đua lãi suất tiền gửi ở các nhà băng khác.

Ngoài ra, nếu cho tăng trưởng tín dụng tùy nghi, mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành sẽ khó kiểm soát hơn. Cụ thể với mục tiêu tăng trưởng hàng năm đặt ra ở mức 12-13%, nhưng nếu cho các ngân hàng chủ động tăng trưởng, một vài ngân hàng lớn có lợi thế sẽ đẩy mạnh tăng nhanh ngay từ đầu năm. Kết quả tăng trưởng quá nhanh của các tổ chức này có thể đẩy kết quả toàn ngành gần chạm mục tiêu, hệ quả là nhà điều hành buộc phải tìm cách kiềm chế, khi đó những ngân hàng tăng chậm hoặc chưa kịp tăng sẽ mất cơ hội.

Rõ ràng với sức khỏe của các nhà băng đang khác biệt quá lớn, trong khi hoạt động tín dụng không chỉ phụ thuộc lớn vào tình hình tài chính, mà còn là thương hiệu, uy tín của mỗi ngân hàng, theo đó những ngân hàng lớn cũng thường có chi phí vốn tốt hơn nên lãi suất cho vay cũng cạnh tranh hơn nhiều, dễ thu hút, lôi kéo khách hàng, vì vậy sẽ dễ dẫn đến khách hàng tín dụng sẽ chỉ tập trung vào một số ít ngân hàng này và các ngân hàng này cũng mặc sức cho vay, bỏ qua các yếu tố rủi ro trước mắt. Nếu như không phân bổ room tín dụng cho từng ngân hàng, chênh lệch về quy mô hoạt động tất yếu sẽ ngày càng giãn rộng ra, khiến hoạt động của các tổ chức tín dụng ngày càng phân hóa và rủi ro sẽ mang tính tập trung hơn.

Đáng lưu ý là chính sách phân bổ room tín dụng hàng năm cũng có thể giúp đảm bảo ổn định lãi suất, tránh trường hợp các ngân hàng có hệ số CAR cao sẽ mặc sức tăng trưởng tín dụng, kéo theo nhu cầu vốn kinh doanh lên cao và có thể tăng lãi suất huy động để hút vốn từ các ngân hàng khác sang, kéo theo cuộc đua lãi suất tiền gửi ở các nhà băng khác, khi mà vốn huy động của các ngân hàng hiện nay vẫn phụ thuộc vào tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn.

Thực tế NHNN gần đây cũng cho rằng có thể xem xét bỏ cơ chế trần tín dụng như hiện nay với điều kiện vốn trung, dài hạn chủ yếu huy động qua thị trường vốn chứ không phải qua thị trường tiền tệ và các ngân hàng không phải huy động vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn như hiện nay. Thực tế cũng cho thấy công cụ này vẫn đang phát huy hiệu quả trong nhiều năm gần đây khi giúp ngăn chặn từ gốc các cuộc đua lãi suất, đồng thời giúp nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng tập trung vào sản xuất - kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng.

Cuối cùng, với cơ chế phân bổ room tín dụng hiện nay cũng cho nhà điều hành có thêm lựa chọn, chế tài để định hướng hoạt động của các ngân hàng. Cụ thể khi một ngân hàng vi phạm một vấn đề nào đó có thể bị cắt, giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay hoặc cho năm sau, đến khi nào khắc phục được mới thôi. Hoặc nhà điều hành có thể dùng cơ chế nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng như là một hình thức khuyến khích cho những ngân hàng đẩy mạnh cho vay vào những ngành mà Chính phủ khuyến khích hoặc giảm lãi suất theo định hướng. Như trong một cuộc họp mới đây, khi được yêu cầu giảm lãi suất ngay trong tháng 7 này, nhiều ngân hàng đổi lại đã đề nghị sớm được cấp thêm room tín dụng cho năm nay.

Nhung Võ

FILI


 
Các tin tức khác

>   Ngân hàng cảnh báo khẩn về tình trạng lừa đảo thanh toán, mất tiền trong tài khoản (13/07/2021)

>   LienVietPostBank chốt quyền cổ tức năm 2020, tỷ lệ 12% (13/07/2021)

>   Giảm lãi suất vay cho khách hàng hiện hữu, ngân hàng mong sớm được nới room tín dụng (13/07/2021)

>   Doanh nghiệp trụ vững thì ngân hàng mới có đối tác sau này (13/07/2021)

>   Các ngân hàng đối mặt với rủi ro lãi suất như thế nào? (16/07/2021)

>   Quy định mới về nghiệp vụ thị trường mở (12/07/2021)

>   Vì sao cổ phiếu ngân hàng giảm điểm? (12/07/2021)

>   Sacombank xác định 18 khách hàng đầu tiên trúng thưởng chương trình "Khai hè rực rỡ - Mở màn triệu deal"  (12/07/2021)

>   ABBank: Lãi trước thuế nửa đầu năm đạt 1,164 tỷ đồng, tăng 85% so cùng kỳ (12/07/2021)

>   Các ngân hàng TP.HCM có tốc độ cho vay cao gần gấp đôi huy động (12/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật