Người dân cần làm gì khi TP.HCM siết chặt Chỉ thị 16
Trong một tuần then chốt tiếp theo, UBND TP.HCM yêu cầu người dân bảo đảm nghiêm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình.
TP.HCM vừa trải qua 15 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 với số ca mắc vượt 50.000.
Trong bối cảnh dịch tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca nặng, tử vong ngày càng tăng, nguồn nhân lực, cơ sở, vật tư thiết bị chống dịch quá tải... TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8.
Gia đình có F0, F1 cách ly tại nhà tuyệt đối không ra ngoài
Trong một tuần then chốt tiếp theo, UBND TP yêu cầu người dân thực hiện nghiêm yêu cầu, quy định cách ly, phong tỏa theo phương châm “nhà cách ly với nhà, người cách ly với người”.
Tại khu phong tỏa, người dân được yêu cầu tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh, chỉ được ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế, mua thực phẩm thiết yếu (2 lần/tuần và sử dụng phiếu đi chợ hoặc siêu thị do chính quyền địa phương cấp).
Đối với các địa bàn có siêu thị hoặc chợ trong khu vực phong tỏa, lực lượng chức năng sẽ phát phiếu mua hàng để người dân sử dụng. Phiếu này có phần điền thông tin cá nhân từng hộ và có hiệu lực trong tuần.
Tại khu phong tỏa, người dân được yêu cầu tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh. Ảnh: Phạm Ngôn.
|
Đối với khu vực có nguy cơ rất cao, người dân không ra ngoài, chính quyền sẽ mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà. Còn trong khu cách ly, người cách ly không được ra khỏi phòng, không tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường hợp cấp cứu y tế).
Các gia đình có F0, F1 cách ly tại nhà tuyệt đối không ra khỏi nhà và thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế. Trường hợp có nhu cầu bổ sung lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ được chính quyền hỗ trợ, cung cấp tận nơi.
Các khu nhà trong hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao cần thực hiện triệt để yêu cầu giãn cách cá nhân với cá nhân.
UBND TP đặt mục tiêu 2 tuần tiếp tiên quyết không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa. Thành phố chủ trương khoanh vùng khu phong tỏa đáp ứng các tiêu chí dịch tễ; theo dõi số ca F0 phát sinh tại từng khu phong tỏa, kịp thời có giải pháp khắc phục, đánh giá tình hình định kỳ để gỡ phong tỏa từng phần.
Thành phố yêu cầu các địa phương thắt chặt tuần tra trong khu phong tỏa với sự tham gia của lực lượng công an, quân đội... Người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm xử lý nếu để xảy ra tình trạng tụ tập hoặc tiếp diễn tụ tập, vi phạm giãn cách dẫn đến lây nhiễm.
7 ngày quyết định
Tận dụng thời gian cách ly này, thành phố tập trung tổ chức xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm để mở rộng "vùng xanh", thu hẹp vùng có dịch.
Ngành y tế đang phát huy thế mạnh xét nghiệm kháng nguyên, đẩy mạnh việc tiếp cận thông tin tại từng khu phố, ấp và đáp ứng kịp thời xét nghiệm tại nhà cho người có triệu chứng, người có yếu tố dịch tễ (kể cả trong khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ hay khu vực cộng đồng ít nguy cơ…).
Kết hợp việc xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và cách ly tại nhà đối với người chờ kết quả khẳng định của xét nghiệm RT-PCR, các địa phương tranh thủ hoàn thiện dữ liệu để phân tích, dự báo và đề ra các giải pháp phù hợp tiếp theo.
TP.HCM đặt mục tiêu "mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ" trong thời gian giãn cách tiếp theo Ảnh: Quỳnh Danh.
|
Đối với trường hợp F1 và F0 không có triệu chứng, ngành chức năng địa phương phải lên phương án, phân công cán bộ phụ trách, ứng dụng công nghệ thông tin để có sự quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát phù hợp.
Chính quyền địa phương chủ động khắc phục vướng mắc hiện nay trong việc phối hợp điều chuyển F0, F1 đi cách ly và điều trị; đưa ra hướng dẫn rõ công tác vận chuyển, phối hợp giữa các khu cách ly và bệnh viện điều trị khi “F1 chuyển thành F0” và “F0 không triệu chứng thành F0 có triệu chứng nặng”.
Những ngày tới, thành phố lưu ý nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm cấp cứu 115 trong điều phối và vận chuyển bệnh nhân kịp thời, giảm tử vong. Các địa phương phối hợp Bộ Y tế để kịp thời điều động đội ngũ nhân lực và trang thiết bị tốt nhất cho các bệnh viện tầng 5, tăng cường máy thở chức năng cao cho bệnh viện này để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng, thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại thành phố.
Ngoài ra, chính quyền và các cơ quan liên quan phối hợp, chăm lo cho người lao động bị cách ly; theo dõi, nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp và kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố.
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 đến ngày 1/8. Sau 14 ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16, số ca nhiễm mỗi ngày tại TP.HCM vẫn liên tục tăng. Từ 9/7 đến 6h ngày 23/7, TP.HCM ghi nhận 40.255 ca nhiễm, trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca.
Thành phố đang điều trị 36.569 trường hợp dương tính mới, gồm 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân được can thiệp ECMO. Ngoài ra, ngành y tế TP cũng ghi nhận 441 trường hợp tử vong và 2.046 bệnh nhân xuất viện trong ngày 22/7.
Trong đợt bùng phát thứ tư (từ ngày 27/4 đến tối 23/7), TP.HCM có hơn 50.000 ca mắc Covid-19.
|
Thư Trần - Thu Hằng
ZING
|