[NÓNG] TP.HCM tăng cường biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 1.8
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết sau nửa tháng giãn cách xã hội, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp nên sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1.8.
TP.HCM tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 1.8
|
Chiều 23.7, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức sơ kết 15 ngày thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng.
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết dù đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch Covid-19, số ca bệnh trên địa bàn vẫn tăng cao, số bệnh nhân phát hiện qua tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện chưa thuyên giảm.
Do đó, căn cứ Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM, UBND TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1.8 với các giải pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch.
Trong đó, tạm dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách.
Ngân hàng, chứng khoán bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết, riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách.
TP.HCM cũng siết chặt hoạt động của doanh nghiệp, chỉ những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.
Các doanh nghiệp sản xuất khác chỉ được phép hoạt động với điều kiện phải bảo đảm an toàn. Cơ quan nhà nước tổ chức làm việc luân phiên cách ngày hoặc buổi trong ngày tại cơ quan.
TP.HCM tiếp tục vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn; tiếp tục vận động các nguồn lực, kịp thời chăm lo cho người dân, nhất là các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
Người dân đồng tình, ủng hộ
Theo báo cáo tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết thành phố thường xuyên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các lãnh đạo Trung ương, sự hỗ trợ kịp thời của các bộ ngành, các địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Qua 15 ngày triển khai thực hiện, Thành phố đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân, thông qua nhiều kênh thông tin phản ánh đã cho thấy hầu hết người dân đã và đang hoàn toàn ủng hộ với những quyết sách và phương thức chống dịch mà các ngành, các cấp đang triển khai.
Các lực lượng chức năng của thành phố đều tham gia vào công tác phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng ngành, có phân công, phân nhiệm rõ ràng để theo dõi đánh giá kết quả thực hiện. Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo và các nhân sĩ, trí thức, doanh nghiệp… đều có nhiều đóng góp, chung tay cùng thành phố nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.
Về phía các quận huyện và TP.Thủ Đức cũng có sự chuẩn bị và nhanh chóng triển khai theo chỉ đạo của thành phố, trong đó có một số đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương như: Q.8, Q.11, H.Hóc Môn, TP.Thủ Đức…
Việc thời thực hiện các biện pháp cách ly xã hội toàn thành phố cùng với việc thúc đẩy công tác xét nghiệm tầm soát diện rộng đã giúp phát hiện được nhiều ca dương tính, đồng thời xác định khoanh vùng, phong tỏa nhiều khu vực, hạn chế lây lan diện rộng.
TP.HCM cũng kịp thời các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Nghị quyết số 09 của HĐND TP.HCM. Công tác chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho người dân trong khu cách ly, khu phong tỏa, bệnh viện dã chiến thu dung điều trị từng bước được cải thiện thông qua nhiều hình thức (phát báo miễn phí, kết nối mạng Wifi, tặng nhu yếu phẩm, thuốc tăng sức đề kháng,…).
Thành phố đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để cung ứng hàng hóa cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn đã có sự ổn định, hàng hóa luôn được đảm bảo đầy đủ trên các quầy kệ tại các hệ thống phân phối với giá bán ổn định, được niêm yết công khai.
Công tác truyền thông về phòng, chống dịch Covid-19 được quan tâm và thực hiện hiệu quả. Công tác đưa tin có nhiều sáng tạo trong việc tuyên truyền trên báo chí và mạng xã hội để người dân nắm và thực hiện (Infographic, Zalo, Viber, Fanpage…); kịp thời phản bác các thông tin sai sự thật; xử phạt các trường hợp đưa thông tin xuyên tạc, kích động, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Phó chủ tịch Dương Anh Đức nhìn nhận dù đã có nhiều cố gắng kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn nhưng số ca nhiễm vẫn còn tăng cao; đa số là tại các khu phong tỏa, cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, bộc lộ một số hạn chế. Việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nơi có lúc chưa hiệu quả, thống nhất, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn.
Mặt khác, chuỗi cung ứng bị khó khăn dẫn đến chi phí vận chuyển hàng từ các tỉnh về thành phố tăng, đồng thời việc ngưng hoạt động ba chợ đầu mối dẫn đến kênh tiếp cận hàng của các tiểu thương khó khăn nên giá cả biến động tăng mạnh tại một số điểm bán.
Ông Đức nhìn nhận việc thực hiện của các doanh nghiệp đối với mô hình vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ hoặc thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm” còn gặp một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, hầu hết các doanh nghiệp đều đáp ứng được các yêu cầu theo quy định.
Tuy nhiên, khi tổ chức vừa sản xuất vừa cách ly, một số lao động ban đầu đồng thuận nhưng sau đó lại không muốn tham gia; có tình trạng một số trường hợp chủ doanh nghiệp không thực hiện cùng ăn, cùng ở với công nhân mà vẫn đi về hàng ngày; điều này được xác định là mối nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đối với việc hỗ trợ cho các đối tượng còn hạn chế do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế việc đi lại, nhiều khu vực bị cách ly, phong tỏa, các quận, huyện phải tăng cường nhân lực để vừa đảm bảo nhiệm vụ phòng, chống dịch vừa đảm bảo công việc chuyên môn nên tiến độ chi hỗ trợ thời gian đầu gặp nhiều khó khăn.
Nhiều chủ sử dụng lao động phải tạm thời đóng cửa, ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội nên việc lập danh sách đề nghị hỗ trợ lao động tự do còn chậm.
Sỹ Đông
Thanh niên
|