Một văn bản, nhiều hậu quả, nhiều dấu hỏi!
Công văn số 5944/BYT-YDCT của Bộ Y tế chỉ sau hai ngày ra đời đã bị chính Bộ này thu hồi bằng văn bản số 5967/BYT-YDCT ra ngày 26/7/2021. Việc thu hồi văn bản trên là đúng.
* Bộ Y tế thu hồi công văn về 12 loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19
Ảnh sưu tầm
|
Tuy nhiên, thật đáng tiếc dù đơn giản nhưng văn bản trên đã tạo cơn sốc lòng tin của người dân vào cơ quan được giao trọng trách chăm sóc cho sức khỏe người dân...
Sáng ngày 26-7-2021, Bộ Y tế đã có văn bản số 5967/ BYT-YDCT thông báo việc thu hồi công văn bản số 5944/BYT-YDCT ra ngày 24-7-2021. Cả hai văn bản trên đều do chính Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký. Và trong văn bản thu hồi, Bộ Y tế ghi: "do có một số nội dung chưa phù hợp nên Bộ Y tế thu hồi công văn này".
PHỤ LỤC KÈM THEO KHÔNG CHỮ KÝ
Công văn số 5944/BYT-YDCT đã được gửi đến các sở y tế tỉnh thành, bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền cả nước.
Nội dung của công văn là những hướng dẫn hành chính đối với các cơ sở y học cổ truyền tham gia chống dịch Covid-19 cho ba đối tượng là: các sở y tế tỉnh, thành; bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền.
12 loại thuốc cổ truyền hỗ trợ điều trị Covid-19 vừa được Bộ Y tế công bố: Người dân không nên tự ý tìm mua.
|
Nhưng điều đáng chú ý nhất lại nằm ở phần phụ lục kèm theo công văn số 5944/BYT-YDCT. Phụ lục ghi rõ danh mục 26 sản phẩm y học cổ truyền thuộc 4 nhóm: sản phẩm sát khuẩn, thuốc xịt họng, sản phẩm phòng và hỗ trợ điều trị, sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe… Và còn ghi rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất, cách sử dụng kèm theo.
Nếu đối chiếu phụ lục này với nội dung mục 1 khoản b, mà Bộ Y tế dành cho cấp sở thì ý nghĩa của công văn này lại mang một màu sắc khác. Mục 1 khoản b: “Căn cứ vào thuốc cổ truyền, các sản phẩm chế biến, bào chế từ dược liệu ban hành kèm công văn này để tham khảo lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Từ đó, hỗ trợ cho các người bệnh nhiễm vi rút SARS-CoV-2, đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1) phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương” .
Một điều đáng chú ý nữa là văn bản phụ lục lại không có chữ ký của Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và cũng không đóng dấu đúng quy định như văn bản chính.
HẬU QUẢ AI PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM?
Việc ra công văn số 5944/BYT-YDCT và tiếp theo là văn bản số 5967/BYT-YDCT thu hồi văn bản trên đã tạo nên một cú sốc lòng tin của người dân vào Bộ y tế. Ngay sau khi văn bản số 5944/BYT-YDCT ra đời trên các trang mạng xã hội đã nổi lên những lời mời chào 12 loại sản phẩm ghi rõ trong phần phụ lục.
Nhiều mặt hàng trong số này đã được rao bán với giá cao hơn, bán chạy hơn rất nhiều dù không biết người mua có nhu cầu thật sự hay không. Ví dụ điển hình là Viên nang cứng Kovir lập tức thông báo tăng giá từ 200 nghìn lên đến 1 triệu đồng hộp.
Nhiều câu hỏi đã đặt ra từ các dược sĩ, bác sĩ và người dân về thực chất các sản phẩm này đã được ứng dụng thử nghiệm để hỗ trợ điều trị người mắc Covid-19 thể nhẹ như thế nào; Nhiều sản phẩm cùng tính chất như vậy nhưng của các nhà sản xuất khác sao không thấy nhắc tới; hoặc Bộ y tế đã đánh giá như thế nào? Ai đánh giá, có đảm bảo tính khoa học và khách quan hay không?
Những câu hỏi cụ thể khác như: Hoạt huyết Nhất Nhất lâu nay được quảng cáo trên TV cho những căn bệnh về não, hoạt huyết …sao lại nằm trong nhóm chống Covid-19, thật khó lý giải.
Hoặc trong danh mục mà phụ lục có cả thực phẩm chức năng, vậy cơ chế, tác dụng với bệnh nhân COVID-19 của loại này đã được Bộ y tế làm rõ chưa?
Trả lời báo chí ngày 25-7-2021, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược học cổ truyền, Bộ Y tế, phân trần: Danh sách sản phẩm kể trên nhằm "tham mưu cho ban chỉ đạo phòng chống dịch sản phẩm sử dụng cho người không có triệu chứng hoặc F1, sản phẩm trong danh sách tập hợp các thuốc được tài trợ".
"Là thuốc đông y, sử dụng không có hại gì nhưng mọi người không hiểu, cứ đưa lên như thế", ông Thịnh trách cứ.
Không hiểu vị quan chức này trách ai? Để cho người dân không hiểu và đưa lên như thế là trách nhiệm của ai? Tại sao, phụ lục kèm theo lại không có chữ ký và đóng dấu?
Tạo được niềm tin đã khó nhưng giữ được niềm tin càng khó hơn. Vì thế, việc thu hồi văn bản trên của Bộ y tế là chính xác nhưng hậu quả để lại như thế nào và ai phải chịu trách nhiệm thì Bộ Y tế cần phải giải thích làm rõ.
Lý Hà
VnEconomy
|