Lợi nhuận và đạo đức kinh doanh
Sau Sóc Trăng, hôm qua một số cửa hàng Bách Hóa Xanh ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk tiếp tục bị phát hiện bán giá cao hơn giá niêm yết, tăng giá giữa mùa dịch.
* Lập biên bản một cửa hàng Bách Hóa Xanh ở Sóc Trăng
* Một cửa hàng Bách Hóa Xanh ở Buôn Ma Thuột bị lập biên bản
* Làn sóng tẩy chay Bách hóa Xanh giữa tâm dịch
Trước đó, một số người tiêu dùng tại TP.HCM cũng phản ánh, chuỗi cửa hàng này đẩy giá gấp 3 - 4 lần.
Dù đại diện Bách Hóa Xanh đã phân trần tăng giá là do chi phí tăng, không cố ý..., nhưng giải thích này không thuyết phục. Bởi chi phí tăng thì tất cả các công ty phân phối khác cũng chịu chung số phận, tại sao chỉ có Bách Hóa Xanh bị tố? Chưa kể ngay sau đó như nói trên, một số cửa hàng Bách Hóa Xanh ở các địa phương vừa giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng đã phát hiện việc tăng giá hay bán hàng không niêm yết...
Trong bối cảnh cả nước chống dịch; Đảng, Chính phủ chỉ đạo hằng ngày về việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân vùng dịch; đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc góp từng mớ rau, con cá, bao gạo... đến tâm dịch thì những hành vi này thật khó chấp nhận. Càng khó chấp nhận hơn khi hành vi đó lại xuất phát từ một doanh nghiệp lớn, mà lẽ ra trong bối cảnh này, phải chung tay góp sức cùng cả nước chống dịch.
Vẫn biết kinh doanh mục tiêu tối thượng là lợi nhuận. Nhưng trong cơn nguy khó chưa từng thấy trong lịch sử lần này, trục lợi để kiếm lợi nhuận chẳng khác gì tội ác. Chúng ta đều thấu hiểu, gần 2 năm chống chọi với đại dịch, sức người, sức của cá nhân, tổ chức đều cạn kiệt. Thế nên, đây là lúc cần nhất sự chia sẻ của doanh nghiệp với khách hàng của mình.
Thực tế, hầu hết các công ty đều đang làm như vậy, đóng góp hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng cho công cuộc phòng chống dịch của đất nước. Dù chính bản thân mình, không biết ngày mai thế nào, nhưng hàng trăm cơ sở lưu trú vẫn góp hàng ngàn, hàng vạn chỗ ở cho những bác sĩ, tình nguyện viên tuyến đầu chống dịch. Cũng từ đầu mùa dịch đến nay, chúng ta đọc biết bao ông chủ doanh nghiệp lữ hành phải đổi qua bán hàng online để cầm cự... Thế nhưng, khi Tổ quốc cần, họ vẫn góp khẩu trang, đồ bảo hộ y tế cùng cả nước chống dịch; ngành vận tải treo xe, treo tàu, treo máy bay... nhưng hàng trăm chuyến đi nghĩa tình vẫn được tổ chức.
Với gần 70.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay, những đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực thiết yếu có thể nói là ngành hiếm hoi và may mắn “sống khỏe”. Và hơn bao giờ hết, điều cần làm lúc này là thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Đó cũng chính là văn hóa, là đạo đức kinh doanh, yếu tố quyết định sự sống - còn của doanh nghiệp.
Người tiêu dùng Việt Nam đã từng tẩy chay một doanh nghiệp nước giải khát ngoại vì không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian dài, bởi họ cho rằng việc mua hàng của họ không đóng góp cho đất nước. Một doanh nghiệp ngoại xả thải ra môi trường cũng mất rất nhiều năm mới lấy lại được lòng tin của khách hàng...
Những câu chuyện này cho thấy, bên cạnh chất lượng thì trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Người xưa có câu “lúc khó khăn mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới hiểu bạn là ai”, việc làm hôm nay, hành động hiện nay của doanh nghiệp quyết định người tiêu dùng sẽ đồng hành với họ không, trong tương lai.
Nguyên Khanh
Thanh niên
|