Thứ Sáu, 23/07/2021 09:27

Lo ngại tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động và "chết thảm" tăng cao

Tại buổi tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 2 năm 2021, các chuyên gia khuyến cáo tỷ lệ doanh nghệp ngưng hoạt động, chờ giải thể tăng tới 24,9% so với cùng kỳ...

Lo ngại tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động và
Ảnh minh hoạ

Hầu hết các chuyên gia tại toạ đàm đều bày tỏ sự lo lắng đến sức khỏe nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Bởi làn sóng dịch Covid lần thứ 4 đang tấn công vào những đầu tàu kinh tế trọng điểm, đánh gục các khu công nghiệp - đòn bẩy tăng trưởng kinh tế, như Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP. HCM... Ngoài ra, tốc độ bao phủ vaccine không đồng đều giữa các quốc gia có thể dẫn tới sự phân hóa về tăng trưởng trong thập niên tới.

NỀN KINH TẾ ĐÌNH TRỆ, CHỜ MỘT CHỮ V

Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Chuyên gia Kinh tế vĩ mô, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô trường Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích: Sự bùng phát trở lại của dịch bệnh, nền kinh tế có nguy cơ rơi vào tình trạng đình trệ, khó khăn giao thương.

Mặt khác, nhiều bất cập phát sinh trong công tác phòng chống bệnh dịch. Có vẻ như sau những thành công ban đầu của việc kiểm soát bệnh dịch, Việt Nam chưa lường hết được tác hại, sự lây lan nhanh của biến thể. Việt Nam cũng thiếu chiến lược tổng thể, nhất quán, sự chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống xấu. Hay những bất cập tại các điểm khai báo y tế, gây đứt gãy trong lưu thông hàng hóa do các biện pháp cực đoan, thiếu trang thiết bị y tế…

“Con số tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm không phản ánh hết những khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là đối với khu vực phi chính thức”, ông Thế Anh khẳng định.

Đồng ý quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, biến thể dịch bệnh trở nên vô cùng phức tạp. Hoạt động doanh nghiệp rất nhiều khó khăn, có những doanh nghiệp ăn nên làm ra như tài chính ngân hàng bảo hiểm, công nghệ, một đoạn phân khúc bán buôn bán lẻ, y tế. Còn lại những lĩnh vực khác cực kỳ khó khăn.

Bên cạnh 67,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 26,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nhưng phải lưu ý con số 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Tính trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ này đáng quan ngại, khi tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.

“Có những người dân vẫn có tiền nhàn rỗi, đổ tiền đầu tư vào bất động sản, chứng khoán. Nhưng có bộ phận không nhỏ người dân lo cơm ăn áo mặc, tử nạn tại những địa điểm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Dịch bệnh mạnh mẽ nhất từ trước đến giờ, nếu không kiểm chế dịch bệnh, nền kinh tế vỡ toang".

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng

Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, khi dịch bệnh lần thứ 4 ập đến, bùng lên vào tháng 6, đã tác động mạnh mẽ vào tất cả sinh hoạt của nền kinh tế. Người lao động đang được hưởng thụ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, thời gian xét duyệt giảm từ 3 ngày xuống 1 ngày là đáng hoan nghênh.

“Nhưng gói hỗ trợ này chỉ là muối bỏ biển. Hơn 70.000 doanh nghiệp phá sản, đến cuối năm, dự báo số lượng này sẽ tăng mạnh”, ông Hiếu thẳng thắn.

“Chúng ta đang chứng kiến những dấu hiệu rất đáng lo ngại. Nền kinh tế Việt Nam có lẽ đang theo mô hình kinh tế chữ K, nhưng liệu có thể chuyển chữ V hay không?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.

Vị chuyên gia này phân tích, khi Việt Nam xuống đáy năm 2020, vực dậy vào quý 3, quý 4/2020, làn sóng lần thứ 4 đã đưa Việt Nam quay trở lại đáy, hình như còn chưa bắt đáy. Hai nét xiên ngắn của chữ K cho thấy tình trạng phục hồi trái ngược. Trong đó, có một ngành đi lên, một số doanh nghiệp có thể trụ được dịch bệnh và vẫn làm ăn tốt như ngân hàng, y tế. Nhưng các ngành như du lịch, khách sạn, giao thông vận tải xuống dốc.

Trong đó, có những doanh nghiệp hàng đầu đất nước, Vietnam Airlines xin hỗ trợ hàng chục nghìn tỷ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đang kêu gọi sự cứu giúp. Phần lớn các danh nghiệp nhỏ và vừa đang rất lao đao trong nhánh đi xuống. 

3 KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG

Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, triển vọng tăng trưởng 6 tháng cuối năm phụ thuộc lớn vào 3 yếu tố.

Một là, tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine. Hiện Việt Nam tiêm chủng được 4,3 triệu dân trên tổng dân số 90 triệu dân, tỷ lệ này còn rất khiêm tốn. Trong chiến lược tiêm chủng vaccine Việt Nam đi chậm hơn với các nước trên thế giới, những nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, tỷ lệ tiêm chủng gấp hơn chục lần.

Hai là, hiệu quả, phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Phòng chống dịch Covid-19 theo hướng cực đoan hay phù hợp. “Chúng ta chưa có luồng lưu thông hàng hóa dành riêng cho những người ra vào cảng Hải Phòng, những biện pháp phòng chống dịch bệnh gây nguy cơ đứt gãy trong lưu thông và sản xuất hàng hóa” ông Thế Anh lưu ý.

Ba là, kỳ vọng vào những gói hỗ trợ cho người mất việc làm và đầu tư công, chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng để tạo đà tăng trưởng trong dài hạn.

Trong các kịch bản VEPR đưa ra, nhóm nghiên cứu đều giả định rằng, các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam sẽ triển khai thành công việc tiêm vaccine vào đầu quý 4/2021 và khống chế được tình trạng tái bùng phát, hoạt động kinh tế được khôi phục và căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị được làm dịu hơn. Trong khi đó, tình hình kiểm soát bệnh dịch tại Việt Nam có thể diễn biến theo các chiều hướng khác nhau.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo 3 kịch bản tăng trưởng.

Theo kịch bản cơ sở, dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý 3/2021, việc tiêm chủng được triên khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào Quý 2/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 4,5 – 5,1%.

Kịch bản thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng 8/2021, việc tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 1/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,4 – 6,1%.

Kịch bản bất lợi, dịch bệnh chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới quý 4, quá trình tiêm chủng vaccine được triển khai chậm do thiếu nguồn cung. Các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5-4,0%.

Ở các quốc gia khác, sự phục hồi kinh tế ở Nga, Nhật Bản… tiếp tục đối mặt với nhiều nguy cơ. Tại Nhật Bản, trong quý 1/2021, đà phục hồi kinh tế Nhật Bản bị đảo ngược với mức tăng trưởng đạt âm 1,5% so với cùng kỳ, thấp hơn so với Quý 4/2020 do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đối với đầu tư doanh nghiệp và chi tiêu cá nhân. Tình trạng khẩn cấp tiếp tục kéo dài trong Quý 2, dự đoán sẽ mang đến nhiều thử thách cho kinh tế Nhật Bản trong thời gian tới.

Ở diễn biến khác, nhờ chương trình tiêm chủng vaccine được thúc đẩy mạnh mẽ, cùng các biện pháp phòng chống đại dịch đạt hiện quả cao dẫn đến số ca mới và nhập viện giảm mạnh, nhiều quốc gia châu Âu đã sớm mở cửa trở lại. Do đó, tốc độ phát triển kinh tế ở châu Âu trong năm 2021 được Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán ở mức 4,2%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với dự đoán vào tháng 1.

Từ đó, VEPR đưa ra ba khuyến nghị vực dậy nền kinh tế cuối năm.

Thứ nhất, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể và nhất quán đối phó với các tình huống bệnh dịch; các bất cập liên quan đến lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khai báo y tế, đứt gãy trong lưu thông hàng hóa do các biện pháp cực đoan, thiếu trang thiết bị y tế, cần phải được tập trung nguồn lực để giải quyết nhanh chóng.

Thứ hai, Chính phủ và các Bộ ngành nên khẩn trương triển khai và giải ngân các gói hỗ trợ đối với người lao động mất việc, đặc biệt là những lao động trong khu vực phi chính thức.

Thứ ba, chính sách tài khóa nên tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở cấp quốc gia, làm nền tảng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Cùng với đó, chính sách tiền tệ thích ứng nên được thực hiện với tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp, khoảng 10% và các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.

 Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV.

“Kịch bản tăng trưởng cơ sở của chúng tôi đang thiên về hướng giống kịch bản tốt của nhóm nghiên cứu. Chúng tôi nhìn nhận lạc quan, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 8, lộ trình tiêm vaccine được đẩy nhanh hơn, đạt được miễn dịch cộng đồng đến hết quý 2/2022, dự báo kịch bản cơ sở năm 2021 đạt mức tăng trưởng 5,8-6%. Tuy nhiên, chúng ta còn phải tính toán, cập nhật tình hình diễn biến rất phức tạp. Tùy từng địa phương, thời điểm, sẽ ưu tiên mục tiêu nào trước, chống dịch hay phát triển kinh tế. Nếu chăm chăm chống dịch thái quá, sẽ rất kinh khủng, có thể nhìn vào bức tranh TP. HCM hiện nay”.

Bà Phạm Tố Hằng, Quản lý dự án, Văn phòng Viện Konrad – Adenauer - Stiftung (KAS) tại Việt Nam.

“Bất chấp các khó khăn, thách thức do đại dịch gây ra, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng dương. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại TP. HCM và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, chúng ta không khỏi lo lắng cho sức khỏe nền kinh tế thời gian tới. Giống như tất cả các nước trên thế giới, việc triển khai tiêm chủng diện rộng nhằm mang lại miễn dịch cộng đồng sẽ là chìa khóa để Việt Nam bước vào giai đoạn bình thường mới. Đây có thể ví như liều vaccine cho nền kinh tế.”.

Ánh Tuyết

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Lo đứt gãy nguồn cung ứng vì Covid, các hiệp hội ngành hàng công nghiệp đề xuất loạt giải pháp (23/07/2021)

>   Bộ GTVT đề nghị các Sở GTVT cần hiểu và nắm chắc quy định về việc cấp giấy thông hành cho đúng đối tượng (22/07/2021)

>   5 doanh nghiệp nhà nước lỗ gần 17.000 tỉ (22/07/2021)

>   54 dự án BOT, BT không đảm bảo phương án tài chính (22/07/2021)

>   'Vua hàng hiệu' xin Thủ tướng cho chuẩn bị thành lập hãng bay (22/07/2021)

>   Doanh nghiệp gồng mình gánh phí xét nghiệm khi áp dụng '3 tại chỗ' (22/07/2021)

>   3 nhóm giải pháp "đặc trị" giải ngân ODA (22/07/2021)

>   Nhức nhối thẩm định giá "thổi giá, thụt giá", Bộ Tài chính quyết ra tay (22/07/2021)

>   391 doanh nghiệp đăng ký sản xuất theo 3T (22/07/2021)

>   Đề xuất chỉ khai thác 2 chuyến bay/ngày từ TP.HCM ra Hà Nội (21/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật