3 nhóm giải pháp "đặc trị" giải ngân ODA
Sốt ruột với tình trạng ì ạch giải ngân vốn đầu tư ODA, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa đưa ra 3 nhóm giải pháp để thúc tốc độ giải ngân...
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sử dụng nguồn vốn vay ODA.
|
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 4898/VPCP-QHQT, báo cáo giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công không đạt yêu cầu. Theo số liệu của Bộ Tài chính, vốn đầu tư ngoài nước 6 tháng mới đạt xấp xỉ 7,4% kế hoạch, chưa tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nguyên nhân chủ yếu là do các Bộ, ngành và địa phương, chủ dự án chậm trễ, không có khối lượng thực hiện để thanh toán.
|
Đáng chú ý, theo số liệu của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cung cấp tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước được tổ chức vào giữa tháng 6, có đến 37/63 địa phương tỷ lệ giải ngân vốn ODA chỉ là 0%.
Khá khẩm hơn các địa phương khác trong giải ngân vốn ODA, đến ngày 11/6, các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ năm 2021 tại TP. HCM được Kho bạc Nhà nước TP. HCM xác nhận khối lượng hoàn thành là 1.329,442 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 10,2% kế hoạch vốn.
Xét đề nghị của Bộ Tài chính tại công văn số 6810/BTC-QLN ngày 24/6/2021 về báo cáo giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2020, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ đạo các Bộ ngành, cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy tốc độ giải ngân vốn ODA.
Cụ thể, thứ nhất, nhóm giải pháp thúc đẩy việc triển khai thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành giải ngân, đặc biệt đối với các dự án kết thúc năm 2021.
Theo đó, các cơ quan chủ quản, chủ dự án chịu trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án. Xử lý dứt điểm vướng mắc của các dự án đầu tư lớn, tạp trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đấu thầu, triển khai ngay việc ký kết đối với các gói thầu đã có ý kiến không phản đối” của nhà tài trợ. Nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý và thực hiện dự án tại các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án.
Đồng thời, các Bộ ngành chịu trách nhiệm bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng để thực hiện dự án, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính giải quyết các vướng mắc phát sinh.
Ngoài ra, đề nghị các nhà tài trợ rà soát, giảm các thủ tục phê duyệt không cần thiết, đẩy nhanh thời gian phê duyệt các vấn đề cần xin ý kiến “không phản đối”. Đối với các dự án trong giai đoạn thuê tuyển tư vấn lập tổng mức đầu tư... cần có các giải pháp giám sát chất lượng, tiến độ của tư vấn, tránh để các vướng mắc, chậm trễ kéo dài, ảnh hưởng đến thực hiện dự án.
Thứ hai, nhóm giải pháp về điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh Hiệp định vay.
Đối với chương trình, dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các Bộ, ngành gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành và nhà tài trợ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gia hạn, điều chỉnh các Hiệp định vay đã ký.
Thứ ba, nhóm giải pháp kiểm soát chi, giải ngân, xử lý đơn rút vốn của nhà tài trợ.
Theo đó, các cơ quan chủ quản dự án rà soát, đôn đốc chủ dự án và phối hợp với Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước hoàn thiện hồ sơ thanh toán, gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc giải ngân đối với khối lượng đã được kiểm soát chi, không để dồn đến cuối năm.
Về phía Bộ Tài chính, cần phối hợp với chủ dự án, nhà tài trợ khẩn trương hoàn tất thủ tục giải ngân hết số vốn kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước nhưng chưa hoàn tất giải ngân. Chỉ đạo các đơn vị rút ngắn thời gian thực hiện kiểm soát chi không quá 03 ngày. Thời gian xử lý đơn rút vốn trong vòng 01 ngày khi đủ hồ sơ hợp lệ, tăng cường thực hiện kiểm soát chi, rút vốn và giải ngân qua hệ thống công nghệ thông tin.
Ngoài ra, đề nghị các nhà tài trợ phối hợp xử lý nhanh hơn rút vốn của Bộ Tài chính đã ký, thúc đẩy việc hoàn chứng từ chi tiêu từ các tài khoản đặc biệt.
Ánh Tuyết
VnEconomy
|