Áp dụng Chỉ thị 16, nhiều tỉnh miền Tây 'bật đèn đỏ' với sữa
Dù được xác nhận là mặt hàng thiết yếu nhưng việc giao nhận sữa vẫn gặp rất nhiều khó khăn sau khi các tỉnh miền Tây Nam bộ đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Sáng nay (20.7), anh P.T.S, nhân viên giao hàng thuộc nhà phân phối sữa NutiFood tỉnh An Giang di chuyển bằng xe máy tới kho hàng tại huyện Tân Châu để chấm công và ứng hàng. Trên đường quay trở về shop tại huyện Phú Tân (cách kho hàng khoảng 28 km), anh S. bị công an huyện giữ lại kiểm tra tại chốt cách điểm bán khoảng 7 km. Mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân, giấy giới thiệu của công ty, xác nhận là nhân viên phân phối, vận chuyển mặt hàng thiết yếu và trang bị đủ khẩu trang, nước rửa tay, đồ bảo hộ... nhưng anh S. vẫn bị lập biên bản, giữ giấy chứng minh nhân dân và yêu cầu quay đầu xe trở về nhà.
Trong biên bản, Công an huyện Phú Tân ghi hành vi phạm của anh P.T.S là "không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ sở y tế (ra ngoài khi không cần thiết)".
"Các anh công an nói không phải việc cần thiết nên tốt nhất không đi ra đường. Mấy thùng sữa giờ đang ở nhà chờ, chưa giao được tới khách" - anh S. kể.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Nguyên, Giám đốc bán hàng khu vực Mê Kông của NutiFood xác nhận trường hợp nhân viên là anh P.T.S bị lập biên bản trong quá trình giao nhận hàng. Theo ông Nguyên, từ sau khi các tỉnh, thành miền Tây áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, việc vận chuyển sữa của công ty gần như phải ngưng toàn bộ.
Tài xế dù có đầy đủ giấy xác nhận nhân viên từ công ty, giấy xác nhận tiêm vắc xin, kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 nhưng vẫn không thể di chuyển qua các chốt kiểm dịch mà yêu cầu phải có giấy thông hành, xác nhận từ chủ tịch UBND phường, xã. Tại các khu vực phong tỏa, cách ly, mặc định không đưa vào được, dù là mặt hàng thiết yếu.
"Các chốt kiểm dịch tại 7 tỉnh miền Tây hiện đều như vậy. Một số khu vực, lực lượng công an thậm chí không cần kiểm tra giấy tờ, không yêu cầu thêm thủ tục gì, cứ thấy xe hàng là không cho đi qua. Gần 100 nhân viên của chúng tôi hiện có đầy đủ thủ tục cũng không di chuyển được, hàng hóa nằm kho bất động" - vị này phản ánh.
Ông Phạm Quang Khải, Giám đốc bán hàng khu vực Mê Kông của NutiFood thông tin tại một số khu vực thuộc tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, TP.Cao Lãnh, Hồng Ngự, mọi hoạt động giao nhận hàng hóa cũng gần như phải tạm ngưng. Dù di chuyển trong nội tỉnh nhưng người dân vẫn bị yêu cầu phải có giấy xét nghiệm Covid-19. Trong khi đó, số lượng các điểm xét nghiệm, test nhanh rất hạn chế. Giữa các phường, quận có rất nhiều chốt sát nhau nên rất khó để người dân di chuyển tới những điểm test Covid-19.
"Việc vận chuyển sữa gần như bế tắc. Các nhà phân phối tại Đồng Tháp hiện đã đóng băng, tê liệt. Hôm qua, khu vực nhà phân phối của chúng tôi tại Sa Đéc phải thuê dịch vụ test nhanh tới tận nơi để xét nghiệm cho nhân viên nhưng quá trình di chuyển vẫn rất khó khăn. Tài xế bị yêu cầu phải lên huyện, quận xin giấy xác nhận thông hành mới được qua chốt, nếu không sẽ bị phạt" - ông Khải nêu thực trạng.
Có thể thấy, dù “luồng xanh” được thiết lập nhưng trên thực tế ở rất nhiều nơi vẫn chưa xanh, thậm chí còn đỏ như các trường hợp nói trên.
Hà Mai
Thanh niên
|