Lạm phát khó tăng, GDP khó đạt mục tiêu
Theo Tổng cục Thống kê, GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm đã tăng 5,46% so với cùng kỳ 2020. Dù đây là con số không thấp nhưng cũng không phải là tốc độ tăng trưởng khả quan như kỳ vọng, khi chỉ phải so sánh với nền thấp của cùng kỳ năm trước (GDP trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 1,82%).
6 tháng đầu năm phục hồi chậm
Con số tăng trưởng trên trong bối cảnh nền kinh tế phải chống chọi với dịch bệnh, nhất là trong 2 tháng cuối quý II tại Bắc Ninh, Bắc Giang và TPHCM, hàm ý tốc độ phục hồi kinh tế vẫn còn rất chậm và GDP vẫn còn ở khá xa mức tiềm năng. Sự chậm chạp trong phục hồi kinh tế này chủ yếu liên quan đến khu vực kinh tế trong nước. Trong khi đó nhu cầu bên ngoài phục hồi mạnh mẽ, minh chứng là xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Dịch bệnh lan rộng đang khiến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ phải dừng hoạt động. Khu vực này chỉ tăng trưởng 3,96% trong 6 tháng, tương đương mức tăng trưởng 3,82% của khu vực nông, lâm và thủy sản, thấp hơn nhiều mức tăng 8,36% của khu vực công nghiệp và xây dựng. Sự gián đoạn trong sản xuất và cung cấp dịch vụ là nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, từ mức 2,19% trong quý I lên 2,4% trong quý II. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng khiến nhu cầu chi tiêu thắt chặt, dẫn đến tổng cầu yếu và càng làm thất nghiệp nhiều hơn. Đây là vòng luẩn quẩn.
Tuy nhiên, nhờ đầu tư công được đẩy mạnh, lãi suất được duy trì ở mức thấp và xu thế dịch chuyển các nhà máy sản xuất khỏi Trung Quốc, tích lũy tài sản trong 6 tháng vẫn đạt mức tăng trưởng 5,67%, cao hơn một chút so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Mức tăng trưởng chưa thực sự mạnh mẽ này một phần do dịch bệnh, phần khác do giá nguyên vật liệu như sắt, thép tăng mạnh khiến các hoạt động đầu tư bị ảnh hưởng. Ngành xây dựng do đó chỉ tăng trưởng 5,59% trong 6 tháng, cao hơn không nhiều so với mức 4,54% của cùng kỳ 2020.
Điểm đáng chú ý của tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm là Việt Nam đã quay trở lại nhập siêu 1,47 tỉ USD. Sự đổi chiều của cán cân thương mại trong bối cảnh tiêu dùng trong nước yếu, có nguyên nhân do doanh nghiệp tăng nhập khẩu và tích trữ nguyên vật liệu, khi giá các hàng hóa cơ bản trên thế giới tăng rất mạnh thời gian qua. Minh chứng là chỉ số hàng tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vào thời điểm 30-6 tăng 24,3% so với cùng thời điểm năm trước.
Sự phục hồi kinh tế chậm chạp, nhất là tiêu dùng, còn được thể hiện qua việc lạm phát được duy trì ở mức thấp. Lạm phát cơ bản bình quân trong 6 tháng chỉ tăng 0,87% so với cùng kỳ 2020. Do vậy, bất chấp giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu tăng mạnh, CPI bình quân trong 6 tháng chỉ tăng 1,47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 6 tháng cuối năm có tăng tốc?
Thực trạng kinh tế nửa đầu năm 2021 cho thấy chúng ta có thể tạm yên tâm về nhu cầu đối với khu vực kinh tế đối ngoại, khi các nước phát triển đã phổ cập tiêm vaccine. Triển vọng tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm do vậy phụ thuộc chủ yếu vào khả năng khống chế dịch bệnh trong nước để không xảy ra đứt gẫy chuỗi sản xuất. Hiện Chính phủ đang rất nỗ lực mua vaccine để thực hiện tiêm chủng trên diện rộng, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, có thể thấy do nhu cầu trong nước còn yếu, đặc biệt cầu tiêu dùng vẫn còn thấp hơn mức năm 2019, đồng thời dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam, tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm sẽ khó có sự đột phá. Mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2021 ở mức 6% có thể đạt được, nếu chúng ta sớm kiểm soát được dịch bệnh, nhưng điều này không chắc chắn.
Vì thế, một khi chưa có sự đột phá về tiêu dùng và tăng trưởng, lạm phát trong nửa sau của năm 2021 sẽ vẫn được duy trì ở mức thấp. Tính chung cả năm, lạm phát trung bình chỉ vào khoảng 2%. Trong trường hợp giá dầu tiếp tục tăng mạnh, tốc độ tăng CPI bình quân nhiều khả năng sẽ không vượt mức 3%. Do vậy, vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong thời gian tới là đẩy mạnh chống dịch, mở rộng tiêm chủng để bình thường hóa các hoạt động kinh tế.
Để cải thiện tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, bên cạnh việc mở rộng tiêm chủng, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến ngành dịch vụ. Bởi ngoài lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, các ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng đều gặp nhiều khó khăn, thậm chí đang ở tình trạng tuyệt vọng.
Chính phủ vừa ban hành gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng dành cho người lao động bị mất việc làm do Covid-19. Tuy nhiên, những trợ giúp của Chính phủ cho doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực dịch vụ, dù rất cần thiết nhưng không bao giờ đủ, nếu các hoạt động trong lĩnh vực này chưa được bình thường hóa trở lại, bởi nguồn lực của Chính phủ có hạn. Do vậy, giải pháp căn cơ vẫn là phải có vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng.
Kinh tế phục hồi chậm trong 6 tháng đầu năm chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ bị đình trệ. Bởi vậy, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6% trong cả năm 2021, điều kiện tiên quyết vẫn là phải khống chế được dịch bệnh, đồng thời nhanh chóng mở rộng tiêm chủng. Các hoạt động kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, cần được nhanh chóng bình thường hóa thông qua cơ chế “hộ chiếu vaccine” đối với cả khách du lịch quốc tế lẫn trong nước.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động của Chính phủ rất cần thiết nhưng không bao giờ đủ, nếu các hoạt động trong lĩnh vực này chưa được bình thường hóa trở lại. Giải pháp căn cơ vẫn là phải có vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng.
|
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
|