Chính phủ: 'Tiêm vắc xin là giải pháp căn cơ thoát đại dịch Covid-19'
Báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho biết chỉ có tiêm vắc xin, miễn dịch cộng đồng mới là giải pháp căn cơ, lâu dài để thoát khỏi đại dịch Covid-19.
Chính phủ nỗ lực tiêm vắc xin đạt tỷ lệ 70% toàn dân trong năm nay. Ảnh: Đậu Tiến Đạt
|
Chính phủ vừa gửi tới Quốc hội (Kỳ họp thứ 1, Khoá XIV) báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội đất nước. Theo đó, chỉ tiêu quan trọng nhất là tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt khoảng 5,64%, cao hơn mức tăng cùng kỳ của năm 2020 (1,82%).
Tuy nhiên, mức tăng trưởng này, theo Chính phủ, là chưa đạt yêu cầu đề ra, thấp hơn 0,58 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và thấp hơn 0,28 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản tăng trưởng cập nhật tại thời điểm quý 1/2021.
2 kịch bản GDP đều khó
Chính phủ đánh giá nguyên nhân do sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động nặng nề đến nền kinh tế, trong đó, các các ngành dịch vụ thiệt hại nặng nề nhất như lưu trú và ăn uống, vận tải, kho bãi…
Về số liệu thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng chỉ tăng 1,47%, thấp nhất kể từ năm 2016, tạo dư địa trong điều hành giá theo mục tiêu dưới 4%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá ổn định, tín dụng phục hồi, tăng 5,68% so với cuối năm 2020; mặt bằng lãi suất cho vay giảm; thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) được bảo đảm.
Đáng chú ý, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao, 6 tháng tăng 32,2%. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên "tích cực".
6 tháng còn lại, Chính phủ dự báo tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường an ninh và phát triển của nước ta. Từ đó, GDP được cập nhật theo 2 kịch bản.
Thứ nhất, để tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 6,0% (thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP) thì quý 3 phải phấn đấu tăng 6,2% (thấp hơn 0,5 điểm phần trăm); quý 4 tăng 6,5% (thấp hơn 0,2 điểm phần trăm).
Kịch bản thứ 2, để phấn đấu mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 6,5% theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ thì quý 3 phải phấn đấu tăng 7% (cao hơn 0,3 điểm phần trăm); quý 4 tăng 7,5% (cao hơn 0,8 điểm phần trăm).
“Cả 2 mục tiêu phấn đấu nêu trên phụ thuộc lớn và khả năng khống chế dịch Covid-19 trên phạm vi cả nước, trong đó đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm về kinh tế, các khu công nghiệp”, Chính phủ báo cáo Quốc hội và khẳng định sẽ tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ kiên định "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa sản xuất. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Đạt tỷ lệ tiêm vắc xin 70% toàn dân sớm nhất
Chính phủ cam kết sẽ quyết liệt đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc xin, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vắc xin phòng Covid-19, phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% trong thời gian sớm nhất, tiêm miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng.
Theo Chính phủ, tiêm vắc xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược, quyết định và cần duy trì hằng năm để thoát khỏi đại dịch.
Các giải pháp khác là tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô…
Lê Hiệp
Thanh niên
|