Thứ Năm, 08/07/2021 10:00

Đằng sau mong muốn lập hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn

Ngay khi ngành hàng không điêu đứng vì dịch bệnh, thì ông “Vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn lại bất ngờ đề xuất thành lập hãng bay chuyên vận tải hàng hóa IPP Air Cargo. Đằng sau mong muốn đó là những nỗi “bức xúc” của riêng ông.

“Vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn

Trong bối cảnh dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp, nhiều hãng bay vận chuyển hành khách điêu đứng và phải chuyển sang vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, đây chỉ là biện pháp tình thế mang tính chữa cháy tạm thời..

“Thành thật mà nói, máy bay chở hành khách chỉ có hầm ở khoang dưới mới chứa được hàng hóa, nhưng hàng hóa đó đa số là của hành khách. Trong khi đó, hàng hóa để xuất khẩu, chuyển phát nhanh rất bị hạn chế”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn giải thích tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 của SASCO diễn ra vào ngày 30/06. “Vì lý do dịch Covid-19 nên cục hàng không vẫn chấp nhận cho phép tận dụng khoang hành khách để chở hàng. Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp chữa cháy tạm thời mà thôi”.

Trên thực tế, nhu cầu vận chuyển hàng hóa hiện nay ngày càng tăng cao, trong khi thị phần vận chuyển hàng hóa đang do các công ty nước ngoài chiếm 80% thị phần. Điều này một phần là do Việt Nam hiện chưa có hãng bay nào chuyên chở hàng hoá.

Ngoài ra, lưu lượng xuất khẩu hàng hóa bằng đường hàng không cũng bị hạn chế vì hiệp định hàng không đã ký kết trước đó.

“Trước 1988, tôi là người tham gia vào thương lượng hiệp định hàng không, đầu tiên là Phillipines và Việt Nam. Tôi biết chìa khóa của mình là anh bay một chuyến, tôi bay một chuyến. Nếu tôi không bay, anh cũng không thể tự tăng chuyến lên. Vô hình chung, chúng ta đã bị hạn chế lưu lượng xuất khẩu”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.

“Tự cứu lấy chính mình”

Vị doanh nhân gốc Khánh Hòa chia sẻ thêm, với việc phải nhập khẩu hơn 108 thương hiệu hàng cao cấp, mỗi năm Tập đoàn IPPG tốn hàng chục triệu USD để nhập khẩu hàng hóa và chi phí này lại ngày càng tăng trong thời gian gần đây.

“Trong vòng 1 năm, mức cước vận tải hàng hóa qua đường hàng không tăng 300%, còn cước vận tải biển tăng 548%. Sức nào chịu nổi”, ông nói.

Vì thế, sự ra đời của hãng bay vận tải hàng hóa IPP Air Cargo, theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, trước hết là để “cứu lấy chính mình”.

Tuy nhiên, “vậy còn các hàng hóa khác thì sao?”, ông đặt vấn đề.

Việt Nam là đất nước có nền nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu đưa các sản phẩm nông nghiệp tươi bằng đường hàng không đang rất lớn trong khi chi phí vận chuyển bằng đường biển đang gặp nhiều rào cản về hạ tầng (hầu hết nông sản Vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải xuất khẩu qua cảng Cát Lái).

“Với giá vận chuyển cao, chúng ta thiệt hại nặng vì chúng sẽ bào mòn nguồn lãi của nhà sản xuất và xuất khẩu. Điều này khiến tôi cảm thấy bức xúc. Vậy, nếu xuất khẩu vải thiều, nhãn, thanh long qua châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc thì chúng ta sẽ trở tay như thế nào?”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đặt vấn đề. “Đôi khi không có slot, không có đủ số lượng nên hàng không thể xuất đi được. Hàng đã “book” đi có khi phải chờ 1-2 ngày”.

Do đó, vị doanh nhân này cho rằng phải nhanh chóng thành lập hãng bay vận tải hàng hóa, trước hết là để kìm chế giá cước vận tải và sau là giải quyết tình trạng hạn chế về lưu lượng hàng hóa xuất khẩu.

Đã chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực, chỉ chờ “bấm nút”

Để chuẩn bị cho dự án hàng không mới này, Tập đoàn IPPG đã chuẩn bị trong 6 tháng vừa qua. Theo ông, việc lập hãng bay mới ngay thời điểm dịch bệnh  cũng có nhiều điểm thuận lợi, chẳng hạn việc tuyển dụng nhân sự  dễ dàng hơn và việc mua hoặc  thuê  máy bay với giá rẻ hơn.

“Đội ngũ nhân sự chúng tôi đã có sẵn, vì trong lúc này phi công giờ đang ngồi chờ công việc. Nhân sự cấp cao cũng đã chuẩn bị 6 tháng nay rồi. Nhân sự có, tiền có và chỉ cần 'bấm nút' đồng ý, 3 tháng sau sẽ sẵn sàng vận chuyển hàng hóa”, ông nói.

Ngày 04/06, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang xin thành lập hãng bay chuyên vận tải hàng hoá IPP Air Cargo, với đầu tư 2,400 tỷ đồng (100 triệu USD), dự kiến cất cánh từ năm sau. Trong tổng vốn đầu tư 2,400 tỷ đồng có 30% là vốn chủ sở hữu, còn 70% từ các cổ đông khác.

Trong năm đầu tiên, IPP Air Cargo muốn khai thác 5 máy bay chở hàng, sau đó tăng dần lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ ba.

Hãng bay mới được kỳ vọng sẽ kết hợp cùng phát triển với SASCO – doanh nghiệp mà ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang sở hữu 47% cổ phần thông qua IPPG.

“Nếu đưa hãng khác làm thì chúng tôi đứng ngoài. Mời SASCO tham gia, chúng tôi có được 47% khi chia lãi. Vả lại, tại sao chúng ta không giúp người trong nhà”, ông chia sẻ. “SASCO cũng có thế mạnh của mình. Với IPP Air Cargo, SASCO lại vững tâm mà phát triển mạnh hơn nữa vì đây đã là thế mạnh của SASCO từ trước đến nay rồi. Tôi sẽ tận dụng thế mạnh của SASCO trong tương lai”.

Vũ Hạo

FILI

Các tin tức khác

>   Không thể chủ quan với nhập siêu (06/07/2021)

>   EVN lãi kỷ lục 14.480 tỷ đồng (06/07/2021)

>   Cần 'thuốc đặc trị' để giải ngân đầu tư công (06/07/2021)

>   6 tháng, các trạm BOT trong cả nước thu gần 5.089 tỷ đồng (06/07/2021)

>   Hải quan thu về cho ngân sách 93,501 tỷ đồng qua chống buôn lậu, gian lận thương mại (06/07/2021)

>   Khổ vì giấy xét nghiệm Covid-19 (06/07/2021)

>   Khánh Hòa: Tạm dừng xe khách liên tỉnh từ 0 giờ ngày 6.7 nhằm phòng dịch Covid-19 (05/07/2021)

>   Bộ Giao thông yêu cầu đảm bảo hàng hóa thông suốt giữa mùa dịch (05/07/2021)

>   Nguồn tiền được dự đoán tiếp tục đổ về các quỹ ESG trong năm nay (05/07/2021)

>   Thoát "thảm cảnh", khối lượng hàng hóa vận tải biển quốc tế tăng 54% (05/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật