Thứ Ba, 06/07/2021 09:32

Cần 'thuốc đặc trị' để giải ngân đầu tư công

Sự bùng phát của dịch Covid-19 lần thứ tư khiến nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Đầu tư công (ĐTC) được xem là một trong những động lực để kinh tế phục hồi và tăng trưởng, trong đó thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ rất quan trọng. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài trong ĐTC 6 tháng đầu năm vẫn rất chậm.

Nhiều công trình dang dở vì thiếu vốn do giải ngân chậm vì thủ tục.

Tiến độ giải ngân quá chậm

Theo số liệu của Bộ Tài chính, vốn ĐTC từ nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã được giao từ đầu năm 2021 theo kế hoạch cho các địa phương, bộ ngành 63.709 tỷ đồng. Trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương 34.913 tỷ đồng, vốn cho các địa phương vay lại 28.796 tỷ đồng. Song tính đến cuối tháng 5, số vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài đã giải ngân chỉ hơn 1.100 tỷ đồng, bằng 1,73% dự toán.

Đến nay có 37 tỉnh, thành phố và một số bộ ngành chưa giải ngân được vốn ODA; điển hình như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn…

Giải ngân vốn ĐTC chậm, trong đó có nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, là “căn bệnh” từ nhiều năm qua, song năm nay càng trầm trọng hơn do ảnh hưởng bởi đại dịch và nhiều nhân tố.

Tỷ lệ giải ngân 1,73% được cho rất thấp so với mức giải ngân vốn ODA 6 tháng đầu năm của nhiều năm, đặc biệt so với mức 12,3% của năm 2020, năm bùng phát dịch Covid-19. Nguyên nhân do ảnh hưởng của Covid-19 nên các khâu nhập máy móc, thiết bị, huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát để thực thi các dự án đều bị ảnh hưởng. 

Bên cạnh đó, một số dự án đã được bố trí kế hoạch vốn ODA và vay ưu đãi, nhưng đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án (như gia hạn thời gian thực hiện dự án, gia hạn thời gian giải ngân, điều chỉnh phân bổ các hạng mục sử dụng vốn), điều chỉnh hiệp định vay… nên không đủ cơ sở để giải ngân.

Một số dự án phía nhà tài trợ chậm xử lý các vấn đề, như thời gian cấp ý kiến không phản đối hoạt động mua sắm, tuyển tư vấn của một số dự án kéo dài; một số nhà tài trợ yêu cầu sử dụng tư vấn của nước tài trợ trong thực hiện dự án nhưng chất lượng của tư vấn còn hạn chế, không đảm bảo tiến độ dự án, trong khi vai trò, quan điểm của nhà tài trợ đối với hoạt động của tư vấn không rõ ràng…

Vướng từ cơ chế

Có thể nói, việc giải ngân chậm vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, cơ chế và do năng lực của chủ đầu tư và ban quản lý dự án còn hạn chế. Việc bố trí, phân bổ vốn ĐTC từ nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã được giao rất sớm, nhưng do việc đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tổ chức của các địa phương, bộ ngành sau Đại hội Đảng. Một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa phân bổ hết vốn cho từng dự án, gây chậm trễ trong việc triển khai thực hiện dự án.

Đặc biệt, công tác chuẩn bị dự án trong thời gian trước thực hiện sơ sài, khiến nhiều dự án sử dụng vốn ODA phải thực hiện điều chỉnh dự án (tổng mức đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện, phạm vi dự án, thiết kế chi tiết các hạng mục xây lắp...); gia hạn, điều chỉnh hiệp định vay.

Trên thực tế, việc điều chỉnh dự án phải tuân theo quy định của các nghị định liên quan đến vay vốn, sửa đổi hiệp định vay vốn của Chính phủ, quy trình sửa đổi hiệp định vay đối với các dự án cụ thể trải qua nhiều khâu, báo cáo nhiều cơ quan… đã kéo dài thời hạn giải ngân.

Đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA đều phải áp dụng các yêu cầu của cả 2 hệ thống quản lý của Nhà nước Việt Nam và nhà tài trợ, nên thủ tục thường bị kéo dài khiến việc triển khai bị tác động bởi các thủ tục này. Thậm chí, một số quy định mới đưa vào có hiệu lực, nên việc áp dụng còn lúng túng, trình tự thủ tục kéo dài, làm dự án triển khai chậm.

Hiện nay, nhiều chủ dự án chưa chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, các thủ tục triển khai công việc từ giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đàm phán với nhà tài trợ, ký kết hợp đồng... nên tiến trình thực hiện dự án bị chậm. Khi xây dựng các dự án để vay vốn ODA, các địa phương tỉnh, thành phố đã cam kết bố trí đủ vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng, nhưng đến khi có dự án, lại gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, nhiều dự án không có khối lượng thực hiện đủ điều kiện thanh toán, do chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, tiến trình triển khai chậm; chậm xử lý đơn rút vốn; chậm thực hiện điều chỉnh dự án... nên dù dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân.

Các bộ, ngành cần quyết liệt tháo gỡ

Để thúc đẩy kết quả giải ngân vốn ODA, cần sự phối hợp của nhiều ban ngành và quyết tâm thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp. Trước mắt, các bộ, ngành, địa phương rà soát, kiểm tra kỹ và tiến hành phân bổ hết vốn cho từng dự án. Trên cơ sở đó hỗ trợ chủ đầu tư trong việc triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành đúng quy định để giải ngân.

Các đơn vị khẩn trương hoàn tất thủ tục về đầu tư, xây dựng, di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án. Xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư lớn, tập trung đẩy mạnh giải ngân dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, triển khai ngay việc ký kết đối với các gói thầu đã có ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ.

Đặc biệt, các bộ cần thể hiện trách nhiệm cao trong bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao; phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính để giải quyết các vướng mắc phát sinh liên quan đến các thủ tục và các yêu cầu giải ngân.

Cuối cùng, là vấn đề “vaccine cho kinh tế” - Chính phủ cần sớm xem xét đưa ra chính sách thuận lợi, như cho phép hộ chiếu vaccine để các chuyên gia nước ngoài liên quan đến thi công, giám sát kỹ thuật… của các dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài được nhập cảnh, với các điều kiện phòng chống dịch chặt chẽ kèm theo. 

Việc giải ngân chậm vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, như cơ chế, năng lực của chủ đầu tư và ban quản lý dự án còn hạn chế.

PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH, Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Các tin tức khác

>   6 tháng, các trạm BOT trong cả nước thu gần 5.089 tỷ đồng (06/07/2021)

>   Hải quan thu về cho ngân sách 93,501 tỷ đồng qua chống buôn lậu, gian lận thương mại (06/07/2021)

>   Khổ vì giấy xét nghiệm Covid-19 (06/07/2021)

>   Khánh Hòa: Tạm dừng xe khách liên tỉnh từ 0 giờ ngày 6.7 nhằm phòng dịch Covid-19 (05/07/2021)

>   Bộ Giao thông yêu cầu đảm bảo hàng hóa thông suốt giữa mùa dịch (05/07/2021)

>   Nguồn tiền được dự đoán tiếp tục đổ về các quỹ ESG trong năm nay (05/07/2021)

>   Thoát "thảm cảnh", khối lượng hàng hóa vận tải biển quốc tế tăng 54% (05/07/2021)

>   Trịnh Sướng thu lợi bất chính 151 tỉ đồng từ xăng giả (05/07/2021)

>   Giá nước sạch cao nhất 18.000 đồng/m3 (05/07/2021)

>   Doanh nghiệp khát lao động mùa dịch (05/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật