Thứ Ba, 27/07/2021 13:26

“Bài toán” khó cho tăng trưởng

Đợt dịch Covid-19 bùng phát ở Tp.HCM và một số tỉnh phía Nam tiếp tục tàn phá “sức khỏe” doanh nghiệp và cản bước phục hồi của nền kinh tế. “Bài toán” tăng trưởng chưa bao giờ nan giải và đầy thách thức như lúc này!...

PGS.TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Trao đổi với Kinh tế Việt Nam, PGS.TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Chính phủ đặt ra trước đó khó trở thành hiện thực trước những đợt sóng dồn dập từ Covid-19.

Diễn biến phức tạp gần đây của đợt dịch Covid-19 tại Tp.HCM làm dấy lên những lo ngại về mục tiêu tăng trưởng. Ông nghĩ sao về điều này?

GDP 6 tháng đầu năm 2021 đã hồi phục ở mức độ nhất định với mức tăng 5,64%, cao hơn nhiều so với mức tăng 1,82% của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 mới bùng phát trở lại trên một số địa phương trọng điểm và nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu của Việt Nam như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Bình Dương... và mới đây nhất là đầu tầu kinh tế Tp.HCM và một số tỉnh phía Nam đã đặt ra những thách thức rất lớn đến nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

 

CIEM dự báo hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 2021

Gần như chắc chắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% của Chính phủ đề ra từ đầu năm là không thể đạt được.

Vậy đâu là những lý do “kéo lùi” tăng trưởng kinh tế 2021?

Đại dịch Covid-19 với chủng mới Delta có tốc độ lây nhiễm mạnh có thể khiến con đường hồi phục tại các quốc gia như Mỹ, EU, Trung Quốc… bị đe dọa; theo đó sẽ ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và giá xăng dầu... vẫn đang tiếp diễn do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh duy trì mức sản lượng dầu thấp hơn nhu cầu sử dụng của thế giới. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước.

Về phía cầu, do đại dịch bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng ở rất nhiều địa phương trên cả nước, khiến thu nhập cũng như nhu cầu tiêu dùng giảm sút mạnh. Kết quả dịch vụ bán lẻ 6 tháng đầu năm cũng chỉ tăng gần 5%, so với mức 10-12% các năm trước đây. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 đã giảm tới 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, một điểm nhấn quan trọng cho hỗ trợ tăng trưởng cho năm 2020 là đầu tư công thì lại chưa có đột phá. Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 chỉ bằng 36,8% kế hoạch, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước (so với mức tăng 20,5% của năm 2020).

Về phía cung, sản xuất của các ngành quan trọng như vận tải - kho bãi, du lịch, giáo dục đào tạo, công nghiệp chế biến chế tạo… tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh do nhu cầu giảm mạnh, chi phí sản xuất gia tăng và sự gián đoạn/đứt gẫy chuỗi cung ứng. Chỉ số PMI sụt giảm mạnh từ 53,1 điểm tháng 5/2021 xuống còn 44,1 điểm tháng 6/2021 đã dự báo trước những khó khăn sắp tới của khu vực sản xuất.

Trong khi đó, khả năng ứng phó đối với đại dịch của các doanh nghiệp cũng đang giảm dần khi đại dịch kéo dài quá lâu, bào mòn sức chịu đựng của doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng đến 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Không những các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà các doanh nghiệp có quy mô lớn cũng đã bắt đầu gặp khó khi đại dịch kéo dài và khó đoán định.

Theo đó, các doanh nghiệp không những gặp khó khăn quá lớn từ phía tổng cầu suy giảm, mà còn từ những bất lợi gia tăng từ phía đầu vào như giá năng lượng, giá thuê đất, giá cả sản xuất tăng nhanh. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất đã tăng 4,79% so với cùng kỳ năm trước. Những biện pháp phòng chống dịch bệnh cực đoan và thiếu nhất quán giữa các địa phương cũng đang ảnh hưởng lớn đến chi phí vận chuyển, logistics cũng như có khả năng làm đứt gẫy chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp...

Ngoài ra, rủi ro bất ổn vĩ mô sẽ gia tăng hơn. Lạm phát có thể bị ảnh hưởng do yếu tố chi phí đẩy. Việc cắt giảm lãi suất và nới lỏng tiền tệ có tác động còn hạn chế, khả năng hấp thụ vốn vay của nền kinh tế còn yếu, một phần dòng vốn đã và đang chuyển sang trú ẩn ở trái phiếu chính phủ (chuyển sang khu vực công) và hướng đến thị trường tài sản (thị trường chứng khoán, bất động sản...).

Vốn rẻ đã và đang gây rủi ro bong bóng tài sản với hiện tượng thị trường chứng khoán và bất động sản tăng nóng. Bên cạnh đó, những khó khăn của nền kinh tế thực cùng với sức khỏe của doanh nghiệp đang ngày càng suy yếu dần sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính, với khả năng nợ xấu gia tăng.

Trong khi đó, dư địa chính sách tài khóa thì hạn hẹp hơn, nếu đại dịch còn kéo dài, thu ngân sách trở nên khó khăn hơn do nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy giảm và thị trường tài sản điều chỉnh mạnh. Việc nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ để hỗ trợ kinh tế lại có thể làm gia tăng bất ổn vĩ mô. Các chính sách ứng phó với đại dịch về cơ bản được thiết kế nhanh nhưng quá trình thực thi còn chậm và chưa thực sự hiệu quả.

Với hàng loạt thách thức đe dọa tăng trưởng như trên, ông có khuyến nghị gì để giải “bài toán” tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn hiện nay?

Nếu để dịch bệnh lan rộng, những thành tựu hồi phục trong 6 tháng đầu năm có thể bị phá hủy, ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế. Chính phủ đề ra mục tiêu kép là vừa phải chống dịch và đảm bảo tăng trưởng nhưng trong thời gian trước mắt, cần tập trung ưu tiên hơn cho mục tiêu chống dịch. Do đó, Chính phủ cần có những bước đi kiên quyết, đúng đắn và kịp thời để kiềm chế sự lây lan bùng phát của đại dịch Covid-19, đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine, đi kèm là các biện pháp gia tăng sự đồng lòng và ý thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh.

Cần tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là một động lực quan trọng cho tăng trưởng trong giai đoạn đầu tư khu vực tư nhân còn rất khó khăn.

Chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến cả các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch nhưng có độ lan tỏa lớn, có tác động tích cực đến các ngành, các lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường.

Vốn rẻ đã và đang gây rủi ro bong bóng tài sản với hiện tượng thị trường chứng khoán và bất động sản tăng nóng.

Cần hướng dòng tiền vào khu vực sản xuất thực, kiểm soát cung tiền nhưng cho phép nới lỏng tín dụng hơn ở các NHTM đảm bảo các điều kiện về an toàn. Kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” của các thị trường tài sản.

Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch cần được thực hiện theo hướng tập trung hơn, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp hơn. Cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, dựa trên một số tiêu chí như tính lan tỏa - tác động tích cực tới các ngành, lĩnh vực khác; lao động - tạo nhiều công ăn việc làm; có khả năng phục hồi sau đại dịch.

Cần giảm thiểu các thủ tục đối với doanh nghiệp khi lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ, điển hình là yêu cầu phải chứng minh tài chính chi tiết, chứng minh về việc không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương.

Bên cạnh đó, cần thực hiện những giải pháp mang tính dài hạn để chuyển đổi căn bản mô hình tăng trưởng, gia tăng chất lượng tăng trưởng, ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ số. Nhờ đó nền kinh tế mới có thể duy trì sản xuất trong đại dịch, hồi phục nhanh chóng sau đại dịch và tiến tới phát triển bền vững.

Khánh Vy

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Nhiệm vụ cấp bách hàng đầu là chống dịch thành công (27/07/2021)

>   Ông Nguyễn Hòa Bình tiếp tục được bầu làm Chánh án TAND tối cao (26/07/2021)

>   Ông Phạm Minh Chính tái đắc cử Thủ tướng Chính phủ (26/07/2021)

>   Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội (26/07/2021)

>   Ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục được giới thiệu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 (24/07/2021)

>   Thủ tướng yêu cầu khắc phục 6 hạn chế trong phòng chống dịch ở TPHCM và các tỉnh phía Nam (24/07/2021)

>   Quốc hội thông qua cơ cấu Chính phủ 2021 -2026 với 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ (23/07/2021)

>   TP.HCM tăng cường Chỉ thị 16: Người dân không ra khỏi nhà, dừng thêm nhiều hoạt động (23/07/2021)

>   Đề xuất Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh (23/07/2021)

>   Chính phủ đề nghị giữ nguyên 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ (22/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật