Quốc hội thông qua cơ cấu Chính phủ 2021 -2026 với 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ
Sáng 23/7, Quốc hội họp phiên toàn thể biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.
100% đại biểu Quốc hội có mặt (470 đại biểu) biểu quyết thông qua Nghị quyết cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026
|
Sáng 23/7, với 470/470 đại biểu tham gia bỏ phiếu tán thành (94.19% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021 - 2026).
Theo đó, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ. Cơ cấu này giữ nguyên như nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đây cũng là đề nghị của Chính phủ tới Quốc hội.
Trước đó, ngày 22/7, trình bày tờ trình của Chính phủ về cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong quá trình xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, cũng có những ý kiến đề xuất phương án đổi tên một số bộ, ngành và sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối một số bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, đồng thời căn cứ kết quả công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ được Quốc hội đánh giá, Chính phủ cho rằng việc trước mắt giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cần thiết, phù hợp.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Chính trị cũng đã có kết luận khẳng định “trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 như khóa XIV”.
Từ đó, Thủ tướng đề nghị trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026 như khóa XIV.
Trong những ngày tới, Quốc hội sẽ tiến hành kiện toàn 27 chức danh của Chính phủ, gồm Thủ tướng, 4 Phó thủ tướng và 22 Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu này giảm 1 Phó thủ tướng so với nhiệm kỳ 2016 - 2021. Các nhân sự giữ các chức danh nói trên trong Chính phủ hiện tại đều được giới thiệu tái cử hoặc tiếp tục phê chuẩn bổ nhiệm.
Nhật Quang
FILI
|