AirAsia thâu tóm Gojek Thái Lan, Gojek dồn lực cho Việt Nam và Singapore
AirAsia sắp thâu tóm mảng kinh doanh của hãng đặt xe Gojek tại Thái Lan, qua đó cho thấy hãng hàng không giá rẻ Malaysia này đang đẩy mạnh tham vọng kỹ thuật số.
Trong ngày 07/07, Gojek và AirAsia công bố thỏa thuận hoán đổi cổ phần, trong đó Gojek sẽ nắm giữ 4.76% trong mảng kinh doanh "siêu ứng dụng" của AirAsia.
Thỏa thuận cho thấy AirAsia đang nỗ lực gia nhập hàng ngũ các siêu ứng dụng của Đông Nam Á cùng với Gojek và Grab, trong đó hoạt động kinh doanh bao gồm dịch vụ gọi xe và giao hàng đến thanh toán trực tuyến.
Mảng kinh doanh siêu ứng dụng của AirAsia được định giá khoảng 1 tỉ USD, trong khi mảng kinh doanh tại Thái Lan của Gojek được định giá 50 triệu USD, AirAsia cho biết trong hồ sơ gửi lên sở giao dịch chứng khoán.
"Bằng cách thâu tóm hoạt động kinh doanh tại Thái Lan của Gojek, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tham vọng trở thành một siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á", Tony Fernandes, Giám đốc điều hành của AirAsia, cho biết.
Ứng dụng của Gojek tại Thái Lan sẽ tiếp tục hoạt động cho tới cuối tháng 7/2021 và AirAsia hy vọng siêu ứng dụng của mình sẽ bắt đầu chạy vào tháng 8/2021.
Thỏa thuận này cũng thể hiện cách Gojek đang định hình lại hoạt động kinh doanh trong khu vực. Trước đó, Gojek thông báo vào tháng 5 rằng họ sẽ hợp nhất với Tokopedia - một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Indonesia - để hình thành GoTo.
Thỏa thuận sẽ cho phép Gojek tăng cường đầu tư tại Việt Nam và Singapore, Gojek cho biết.
Giám đốc điều hành Gojek Kevin Aluwi cho biết hai bên đã bắt đầu trao đổi từ 2 tháng trước. “Khi chúng tôi xem xét những nơi có thể triển khai sản phẩm và nguồn lực, không chỉ là vốn, chúng tôi quyết định ưu tiên của chúng tôi là đầu tư vào Việt Nam và Singapore vì quy mô kinh doanh ở các thị trường này”, ông nói.
“Khi chúng tôi nhận ra chúng tôi không thể có đủ nguồn lực hợp lý cho Thái Lan, chúng tôi phải đảm bảo có thể tìm được đối tác thích hợp cho các cam kết và nguồn lực này”, ông Aluwi cho biết. “Tuy vậy, chúng tôi vẫn cam kết tăng trưởng thị phần của chúng tôi bên ngoài Indonesia”.
Siêu ứng dụng của AirAsia có tên là AirAsia Digital, bao gồm các mảng kinh doanh phi hàng không của AirAsia. Hiện ứng dụng này bao gồm dịch vụ giao thực phẩm và hàng tươi sống, dịch vụ chuyển phát nhanh, nền tảng thương mại điện tử và cổng thanh toán. Tuy nhiên, AirAsia Digital lại thiếu vắng dịch vụ đặt xe so với các tay chơi lớn khác trong thị trường. Ông Tony Fernandes trước đó đã công khai ý định cạnh tranh với Gojek và Grab.
AirAsia đã có mặt trong ngành hàng không của Thái Lan từ năm 2003, thông qua Thai AirAsia. Công ty đang hoạt động ở Malaysia và Singapore, trong khi công ty vận chuyển hàng hóa độc lập là Teleport có mặt tại các nước lớn ở Đông Nam Á, bao gồm cả Thái Lan.
GoTo vẫn chậm trễ hơn các đối thủ ở phạm vi quốc tế. Tokopedia chỉ hoạt động ở Indonesia, trong khi Gojek có ở 3 thị trường bên ngoài là Việt Nam, Thái Lan và Singapore.
Trong khi đó, Grab có mặt tại 8 quốc gia Đông Nam Á. Sea, một siêu ứng dụng khác, có mặt ở 6 nước khu vực, cùng với Đài Loan và 4 quốc gia Nam Mỹ.
Thị trường siêu ứng dụng Thái Lan đặc biệt cạnh tranh khi xét tới sự tham gia của nhiều tập đoàn địa phương. Gã khổng lồ bán lẻ Central Group đầu tư 200 triệu USD vào chi nhánh Grab Thái Lan trong năm 2019, trong khi tập đoàn Chareon Pokphand lớn nhất nước này đang phát triển TrueID thành một siêu ứng dụng.
Theo nghiên cứu của hãng tư vấn Momentum Works về thị trường giao đồ ăn, thị phần của Gojek tại Thái Lan và Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với Grab và Sea năm 2020.
GrabFood chiếm 50% thị phần giao đồ ăn Thái Lan xét về tổng giá trị hàng hóa trong năm 2020. Foodpanda và Lineman nắm giữ lần lượt 23% và 20% thị phần, trong khi GoFood của Gojek chỉ sở hữu 7%.
Nền kinh tế Internet của Thái Lan được định giá ở mức 18 tỷ USD trong năm 2020, theo báo cáo từ Google, Temasek and Bain & Company, và con số này được dự báo tăng lên 53 tỉ USD vào năm 2025.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)
FILI
|