Xuất khẩu sắt thép sang Trung Quốc tăng gấp đôi
Việt Nam xuất khẩu 4,88 triệu tấn sắt thép các loại trong 5 tháng đầu năm, tăng 61,6% so với cùng kỳ. Riêng lượng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,1 triệu tấn, tăng gấp 2 lần.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tháng 5, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 980.000 tấn với kim ngạch 833 triệu USD, giảm 4% về lượng và tăng 8,2% về trị giá so với tháng trước.
Tính chung cả 5 tháng, Việt Nam xuất khẩu 4,88 triệu tấn sắt thép các loại với kim ngạch đạt 3,61 tỷ USD, tăng mạnh 61,6% về lượng và 117% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
EU, Trung Quốc, Campuchia, Malaysia và Mexico là 5 thị trường lớn xuất khẩu lớn nhất, trong đó ở thị trường Trung Quốc, EU và Mexico có tốc độ tăng cao đột biến. Cụ thể, lượng sắt thép xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,1 triệu tấn, tăng gấp 2 lần; EU là 713.000 tấn, tăng gấp 5 lần; Mexico là 293.000 tấn, tăng 2,5 lần.
Trong khi đó, xuất khẩu sang Malaysia chỉ tăng nhẹ 12,8% đạt 322.000 tấn; xuất khẩu sang Campuchia giảm 1,5% đạt 584.000 tấn.
Cũng trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu hơn 5,97 triệu tấn sắt thép các loại, kim ngạch đạt 4,64 tỷ USD, tăng 8,3% về lượng nhưng tăng tới 37,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài sắt thép thành phẩm, Việt Nam còn nhập khẩu nhiều phế liệu sắt thép. Lượng nhập phế liệu sắt thép về Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đạt 2,7 triệu tấn, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, trị giá bình quân đạt 403 USD/tấn, tăng tới 58%, tương ứng tăng 147 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2020. Do đó, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt 1,1 tỷ USD, gấp 2 lần.
Phế liệu sắt thép nhập khẩu có xuất xứ từ 2 thị trường chính là Nhật Bản và Mỹ với tỷ trọng tới 62% lượng phế liệu sắt thép nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm. Tuy nhiên, trong khi lượng nhập khẩu phế liệu sắt thép nhập từ Nhật Bản đạt 1,2 triệu tấn, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, thì nhập khẩu từ Mỹ tăng cao tới 90% và đạt gần 540.000 tấn.
Xuất khẩu sắt thép tăng mạnh trong bối cảnh giá thép và vật liệu xây dựng trong nước tăng đột biến tới 40-50% so với cuối năm 2020, theo báo cáo của Bộ Công Thương. Còn Bộ Xây dựng thì nhận định thép có giá cao đột biến, tăng không theo quy luật tăng giá thông thường.
Thép là vật liệu quan trọng với ngành xây dựng khi chiếm 10-30% tổng giá trị mỗi dự án xây dựng dân dụng.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công Thương có biện pháp thúc đẩy, tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thép thành phẩm trong nước. Bộ này cũng cần đưa ra giải pháp điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường trong nước, thông qua cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.
Tuấn Hùng
ZING
|