Thứ Năm, 17/06/2021 08:58

Cạnh tranh với Alibaba, Amazon đẩy mạnh chiến lược "hút" nhà cung cấp Việt Nam

Nằm trong kế hoạch cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc Alibaba tại Đông Nam Á, hãng thương mại điện tử Mỹ Amazon đang đẩy mạnh thu hút nhà cung cấp tại Việt Nam...

Cạnh tranh với Alibaba, Amazon đẩy mạnh chiến lược
Amazon đang đẩy mạnh hỗ trợ nhà cung cấp tại Việt Nam bán hàng trên nền tảng của mình - Anh: Reuters

Theo Nikkei Asia, tập trung vào Việt Nam hiện là một phần trong chiến lược lớn hơn của Amazon nhằm khai thác các nhà cung cấp châu Á và chiến lược này đang bắt đầu mang lại kết quả.

Amazon cho biết số lượng nhà cung cấp xuất khẩu giá trị hàng hóa ít nhất 1 triệu USD qua nền tảng của Amazon tại Việt Nam đã tăng gấp ba lần trong năm 2020, khi người tiêu dùng ở nước ngoài mua sắm nhiều hơn do ở nhà nhiều hơn trong dịch Covid-19. 

Dù không tiết lộ con số cụ thể, hãng thương mại điện tử cho biết sự gia tăng này chủ yếu nhờ vào nhu cầu tăng mạnh với các mặt hàng như dụng cụ, đồ dùng nhà bếp, đồ thủ công, đồ gia dụng và quần áo.

"Các nhà cung cấp Việt Nam giúp đa dạng hóa thêm các lựa chọn hàng hóa toàn cầu của chúng tôi”, ông Gijae Seong, Giám đốc Amazon Global Selling tại Việt Nam, chia sẻ với Nikkei Asia.

Theo Nikkei Asia, Việt Nam hiện là nhà cung cấp hàng đầu cho thế giới với các mặt hàng như quần áo, cà phê, hải sản... Khi hoạt động thương mại điện tử sôi động hơn, nhiều doanh nghiệp có cơ hội xuất khẩu hàng hóa qua các nền tảng trực tuyến và nhiều mặt hàng hơn bước ra thị trường quốc tế - xu hướng mà Amazon muốn thúc đẩy. 

Vài năm gần đây, Amazon Global Selling, công ty chuyên tìm kiếm các nhà cung cấp quốc tế cho nền tảng Amazon, đã mở văn phòng tại nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan. Tháng 3/2021, công ty này đã mở văn phòng tại Hà Nội - văn phòng thứ hai ở Việt Nam sau Tp.HCM

“Các công ty tại Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về sản xuất. Việt Nam đang chứng kiến làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc để tránh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như giảm các chi phí và rủi ro khác”, ông Seong nhận định. 

Theo dữ liệu của Comtrade, năm 2015, Việt Nam là nguồn hàng nhập khẩu lớn thứ 7 của châu Mỹ và năm 2020 vươn lên vị trí thứ 6. Trong đó, Mỹ hiện là khách hàng lớn nhất của Việt Nam và nhu cầu càng lớn hơn trong đại dịch khi người Mỹ bị “mắc kẹt” ở nhà đổ xô mua sắm trực tuyến.

Trong khi đó, Alibaba là công ty đi tiên phong trong việc đưa hàng hóa của các nhà cung cấp nhỏ lẻ lên sàn thương mại điện tử tại Trung Quốc, trước khi mở rộng ra thị trường nước ngoài - chiến lược tương tự như những gì Amazon đang làm.

“Khi có nhiều nhà cung cấp hơn trên nền tảng, bạn có thể cạnh tranh. Điều này giúp hạ giá thành và thu hút khách hàng. Khách hàng cũng sẽ trung thành hơn”, Hiếu Đinh, một cựu chuyên gia tư vấn, cho biết. “Điều này tạo ra một vòng tròn mà ở đó người mua thu hút người bán và ngược lại”. 

Hơn nữa, theo Amazon, đại dịch Covid-19 là nhân tố thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam cởi mở hơn với việc kinh doanh trên internet. Một nghiên cứu mới đây của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy 22% doanh nghiệp đang kinh doanh trực tuyến, tăng từ 13% năm 2015. 

Hiện tại, cả Amazon và Alibaba đều nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng các cấp tại Việt Nam. Nằm trong chiến lược phát triển nền kinh tế số, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang làm việc với Amazon để tổ chức nhiều buổi đào tạo cho hàng trăm doanh nghiệp tại các địa bàn trên cả nước. Tại đây, các nhà cung cấp hàng hóa được học cách thực hiện mọi thứ từ đăng sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu cho tới vận chuyển hàng hóa thông qua Fulfillment by Amazon (Do Amazon thực hiện). 

Trong khi đó, Alibaba cũng đang thực hiện chương trình đào tạo tương tự với sự hỗ trợ của các cấp quản lý nhà nước Việt Nam. Trong một thông báo hồi tháng 3, Alibaba cho biết hai bên đã lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng để tham gia các buổi hội thảo về phương thức thanh toán, phát video trực tuyến (livestream) và các công cụ thương mại điện tử khác. 

Tuy nhiên, khi gã khổng lồ đến từ Mỹ cạnh tranh với Alibaba, hai công ty cùng đối mặt với một thách thức. Cả hai đều phải đối mặt với những chỉ trích về cơ chế xử lý hàng giả và chính sách đối với các nhà cung cấp. Việt Nam, Amazon và Alibaba hiện đều có mặt trong danh sách “các thị trường khét tiếng” về hàng giả của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR). 

Phương Linh

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Chính phủ có ý kiến áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường Thái (16/06/2021)

>   Dệt may Việt Nam hưởng lợi trong dài hạn nhờ EVFTA (16/06/2021)

>   90% doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM đã ngưng hoạt động (16/06/2021)

>   TP.HCM chính thức thử nghiệm thu phí hạ tầng cảng biển (16/06/2021)

>   Quy định mới về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định UKVFTA (16/06/2021)

>   Bộ trưởng GTVT ra 'tối hậu thư' giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 (15/06/2021)

>   Bộ GTVT xin Chính phủ lùi xử phạt khi chưa lắp camera xe khách đến 30/6/2022 (15/06/2021)

>   Phí chồng phí... "đè" DN xuất khẩu thủy sản (15/06/2021)

>   Chưa thể “đoạn tuyệt” nhiệt điện than, thậm chí cần xây thêm để đảm bảo năng lượng? (15/06/2021)

>   Bộ Y tế chốt tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 (14/06/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật