Bộ GTVT xin Chính phủ lùi xử phạt khi chưa lắp camera xe khách đến 30/6/2022
Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa đều phải lắp camera giám sát trên phương tiện trước ngày 1/7 tới, nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh, doanh nghiệp vận tải khó khăn, nên Bộ GTVT báo cáo xin Chính phủ cho lùi thời hạn thực hiện.
Bộ GTVT chính thức kiến nghị Chính phủ cho lùi áp dụng quy định lắp camera giám sát trên xe kinh doanh từ 6 tháng tới 1 năm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh minh họa.
|
Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành liên quan tới thực hiện Nghị định 10/2020, về thực hiện lắp camera trên ô tô kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa. Theo quy định này, tất cả ô ôt kinh doanh phải hoàn thành lắp camera giám sát xong trước ngày 1/7/2021.
Bộ GTVT đánh giá, nhiều doanh nghiệp vận tải ô tô đã thực hiện quy định trên, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động vận tải gặp nhiều khó khăn, dừng hoạt động, nên khó đảm bảo theo thời hạn trên. Các Sở GTVT, hiệp hội doanh nghiệp vận tải đã kiến nghị lùi thời hạn lắp đặt camera trên ô tô kinh doanh và lùi áp dụng xử phạt với xe chưa lắp đặt.
Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trong thời điểm khó khăn vì dịch COVID-19, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép chưa xử lý vi phạm với xe ô tô kinh doanh chở hàng chưa lắp camera tới hết năm 2021. Từ 1/1/2022 bắt đầu xử lý với xe chưa chở hàng chưa thực hiện quy định này (lùi nửa năm). Do xe chở hàng vẫn được ưu tiên hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh để đảm bỏa lưu thông hàng hóa.
Với xe chở khách, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho lùi áp dụng quy định trên tới hết ngày 30/6/2022 (lùi 1 năm), bắt đầu xử phạt vi phạm không lắp camera từ ngày 1/7/2022.
Đánh giá về việc triển khai Nghị định 10/2020 sau 1 năm, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, theo đánh giá của các cơ quan, trực tiếp là các Sở GTVT đều cho rằng cơ bản các quy định của Nghị định 10, Thông tư 12, Thông tư 02 đã và đang được thực hiện hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển vận tải phù hợp với cuộc các mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, năng lực vận chuyển lưu thông hàng hóa và góp phần nâng cao trật tự vận tải, trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Tuy nhiên Bộ GTVT cũng nêu thực tế, trong quá trình triển khai cũng có khó khăn vướng mắc phát sinh. Dẫn chứng cụ thể, Bộ GTVT cho rằng, một trong các nội dung quy định tại Nghị định 10 đó là “xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông; xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông” và thời hạn thực hiện phải hoàn thành xong trước ngày 01/7/2021.
Về nội dung này, theo báo cáo của các Sở GTVT, việc thực hiện quy định cho đến nay gặp nhiều khó khăn dẫn đến không đảm bảo tiến độ xong trước ngày 1/7 như quy định; đã có một số Sở GTVT, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng, Hiệp hội vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội, Hiệp hội vận tải ô tô An Giang đề nghị cho phép lui thời hạn lắp đặt camera hoặc tạm thời chưa xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm chưa lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Xe kinh doanh tại nhiều địa phương đang dừng chạy
Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc trên, Bộ GTVT cho rằng, do ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19 dẫn đến đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh; đặc biệt là vận tải hành khách, hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, có khi bị dừng hoạt động hoặc được phép hoạt động nhưng chỉ được chở lượng khách bằng 50% sức chứa của phương tiện để thực hiện phòng chống dịch, số lượng khách đi giảm sút, điều này dẫn đến doanh thu vận tải bị giảm sút, sản lượng vận tải giảm sút nghiêm trọng.
Ô tô kinh doanh được lui việc lắp đặt camera từ 6 tháng đến 1 năm. Ảnh: A.Trọng
|
Do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), trong tháng 5/2021, phương tiện kinh doanh vận tải hành khách tại một số địa phương phải ngừng hoạt động theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sản lượng vận chuyển tháng 5 giảm so với tháng 4; các địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương có các tuyến vận tải khách cố định đi, đến các địa phương này.
Đối với các phương tiện kinh doanh vận tải hàng hoá ít bị ảnh hưởng hơn và vẫn duy trì được mức tăng trưởng trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021. Do đó, một số địa phương, khu vực có dịch phải thực hiện giãn cách xã hội phương tiện vận tải hành khách phải dừng hoạt động, điều này ảnh hưởng đến tiến độ lắp đặt camera của chính các đơn vị vận tải và đơn vị lắp đặt camera khi thực hiện quy định.
Nguyên nhân chủ quan, một số đơn vị kinh doanh vận tải còn e ngại và chưa muốn lắp camera, tâm lý lo sợ sẽ bị các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát và xử lý đối với các hình ảnh vi phạm được truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Lê Hữu Việt - Trọng Đảng
Tiền phong
|