Tiền ảo, hệ lụy thật: Sức hút của tiền ảo với người đầu tư
Nhiều chuyên gia cảnh báo tiền kỹ thuật số vẫn khó có thể được sử dụng rộng rãi như một công cụ thanh toán bởi mức độ biến động giá của chúng quá lớn và rất dễ lợi dụng biến tướng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: en.cryptonomist.ch)
|
Bài 1: Sức hút của tiền ảo
Với hàng nghìn loại tiền ảo khác nhau đang lưu hành trên thế giới cũng như tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của công nghệ internet, việc tham gia đầu tư vào tiền ảo đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Ngày càng nhiều người lao vào đầu tư tiền ảo với các mức siêu lợi nhuận đang tạo nên cơn sốt không chỉ trên toàn cầu mà ngay tại Việt Nam.
Cơn "sốt" tiền ảo
Ngày 14/4 đánh dấu mốc lịch sử của đồng tiền điện tử "đình đám" trên thế giới - đồng Bitcoin đã gần chạm ngưỡng 64.000 USD/Bitcoin. Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm, giá đồng Bitcoin tăng gấp khoảng 9 lần, một mức lợi nhuận vượt xa tất cả những kênh đầu tư truyền thống như cổ phiếu hay vàng.
Không chỉ Bitcoin mà nhiều tiền ảo do các sàn giao dịch phát hành cũng tăng giá mạnh trước thềm vụ lên sàn của Coinbase. Giá đồng tiền kỹ thuật số lớn thứ nhì thế giới là Ethereum cũng thiết lập kỷ lục mới khi đạt mức 2.295 USD trong ngày 14/4. Các đồng tiền khác như Houbi Token và KuCoin Token đồng loạt đi lên.
Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác đang được quan tâm hàng đầu trong danh mục đầu tư. Nhiều chuyên gia đã so sánh rằng, giới đầu tư lao vào các loại tiền kỹ thuật số hiện nay như các cơn sốt vàng của thế kỷ 19, với các giá trị tăng vọt khi mối quan tâm đối với chúng tăng lên trên toàn cầu.
Tiền kỹ thuật số, tiền ảo đã thâm nhập vào các hoạt động thương mại với sự dẫn đầu của Bitcoin bắt đầu được lưu hành từ năm 2009. Chúng được kỳ vọng là một công cụ thanh toán không cần các ngân hàng trung ương hay các tổ chức tài chính quản lý mà sẽ được giám sát bằng phần mềm với các quy định gần như không thể thay thế.
Cùng với tiền kỹ thuật số là hàng hoạt nền tảng thanh toán kết hợp công cụ chuyển đổi tiền tệ được phát triển để tạo điều kiện thuận lợi, cho phép khách hàng thanh toán hàng hóa và dịch vụ bằng tiền điện tử.
Đến nay, danh sách các hãng chấp nhận thanh toán bằng tiền kỹ thuật số ngày càng dài hơn, từ chuỗi cà phê Starbucks, đồ ăn nhanh KFC, "người khổng lồ" công nghệ Microsoft, đến công ty công nghệ và thanh toán toàn cầu Mastercard cùng ngân hàng lâu đời nhất nước Mỹ BNY Mellon.
Trước sự sôi động trên thế giới, thị trường tiền ảo, tiền kỹ thuật số tại Việt Nam cũng sôi động không kém khi các nhà đầu tư nhận thấy đồng tiền này có tiềm năng đầy hứa hẹn.
Theo nghiên cứu thị trường Statista, Việt Nam có tỷ lệ sử dụng tiền điện tử cao thứ hai thế giới, chỉ sau Nigeria với hàng triệu đô la được giao dịch mỗi tháng.
Tại Việt Nam, nhiều diễn đàn, nhóm kín về tiền ảo với cả hàng chục ngàn, thậm chí cả trăm nghìn người tham gia ngày càng nhiều. Hoạt động giao dịch tiền ảo thời gian qua thu hút nhiều cá nhân tham gia mua bán, đầu tư; trong đó nổi bật nhất là Bitcoin.
Cùng với đó, sự xuất hiện Pi, một đơn vị tiền điện tử mới và các đơn vị tiền ảo khác trong đầu năm 2021 đã thu hút một lượng lớn các nhà đầu tư mới tham gia. Tuy nhiên hầu hết các giao dịch tiền ảo chủ yếu là mua đi-bán lại trên sàn giao dịch tiền ảo nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Mặc dù vậy, bất chấp những lợi ích như tiện lợi, nhanh chóng và với chi phí rẻ hơn giao dịch thông thường, nhiều chuyên gia cảnh báo tiền kỹ thuật số vẫn khó có thể được sử dụng rộng rãi như một công cụ thanh toán. Nguyên nhân là bởi mức độ biến động giá của chúng quá lớn và rất dễ lợi dụng biến tướng.
Nhận xét về loại hình đầu tư này, Luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật ASL cho biết, mặc dù luôn được cảnh báo về những rủi ro tiềm tàng, song điều khiến tiền ảo vẫn hấp dẫn giới đầu tư chính là lợi nhuận quá lớn. Nhưng mặt trái của việc phát triển đồng tiền này đã thực sự tạo ra loạt những rủi ro của các kênh đầu tư tiền ảo "rác" đang xuất hiện ngày càng nhiều.
Đáng lo ngại, tiền ảo "rác" có xu hướng tăng mạnh và đang "hút máu" các nhà đầu tư. Cụ thể, với lời mời chào hấp dẫn về lợi nhuận lớn từ các sàn tiền ảo, các nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền vào các sàn tiền ảo "rác" để rồi sau một khoảng thời gian ngắn bỗng dưng sàn bị sập, lúc đó nhà đầu tư mới ngã ngửa là bị lừa.
Tinh vi hơn, khi nhiều sàn giao dịch tiền ảo đã "dụ" các nhà đầu tư mua những tiền ảo thật, sau đó dùng các tiền ảo này để mua lại tiền ảo "rác" nhằm kiếm lợi nhuận cao để rồi các nhà đầu tư mất trắng số tiền đầu tư của họ.
Trước sự hấp dẫn của tiền ảo, nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm mới chỉ được nghe kể về những câu chuyện làm giàu từ đồng tiền kỹ thuật số và nghĩ rằng họ cũng có thể trở nên giàu có như vậy.
Ngày càng có nhiều vụ lừa đảo người sở hữu tiền điện tử nhập tên và mật khẩu đăng nhập của họ trên các trang web hay ứng dụng giả mạo để đánh cắp thông tin và tài khoản của họ.
Bên cạnh đó là các hành vi chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư thông qua các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số trái phép hay mô hình đa cấp Ponzi - một kiểu vay tiền của người này để trả nợ người khác và các hình thức gian lận khác.
Hiểu sao về khái niệm?
Tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo, tiền thuật toán hay tiền mật mã là những khái niệm cực kỳ phổ biến, được tìm kiếm rất nhiều trong thời gian gần đây và đang tạo thành cơn sốt hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu được ý nghĩa chính xác của tiền điện tử, tiền ảo hay tiền kỹ thuật số là gì?
Theo tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, tiền điện tử đã được xác định và phân biệt rõ ràng với các loại tiền khác thông qua 4 đặc điểm chính. Trước hết, tiền điện tử phải là tiền pháp định (legal tender).
Theo đó, tiền điện tử có đầy đủ 3 chức năng của tiền là dự trữ (store value), trao đổi (medium of exchange) và hạch toán (unit of account). Đồng thời, tiền điện tử cũng luôn được thể hiện dưới dạng giá trị của tiền pháp định của một quốc gia như VND, USD, SGD.... Bên cạnh đó, tiền điện tử cũng được Ngân hàng Trung ương bảo đảm.
Trong khi đó, tiền kỹ thuật số hay tiền mã hóa (crytocurrency): được tạo ra bởi các thuật toán mã hóa phức tạp, được giao dịch, trao đổi hoàn toàn trên môi trường Internet và hiện nay chưa chịu sự quản lý của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào (trừ khi được Ngân hàng Trung ương trực tiếp phát hành). Thí dụ điển hình của tiền kỹ thuật số là Bitcoin, Ethereum....
Có thể xác định gốc của tiền mã hóa là tiền ảo nhưng đang phát triển để có nhiều đặc điểm của tiền điện tử như khả năng chuyển đổi thành tiền pháp định, khả năng thanh toán, còn khả năng tích trữ giá trị thì ít hơn (do luôn biến động nhiều)...
Đối với tiền ảo (virtual currency), ECB định nghĩa như sau: "Đồng tiền ảo là một loại tiền kỹ thuật số không chịu sự quản lý, được phát hành bởi những người phát triển phần mềm (developers) thường đồng thời là người kiểm soát hệ thống; được sử dụng và chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định."
Ví dụ, tiền ảo Pokecoins trong trò chơi Pokemon GO hoặc khoản tiền Facebook được sử dụng cho quảng cáo hay các trò chơi trên app Facebook...
Có thể thấy tiền ảo và tiền điện tử rất khác nhau. Tiền ảo không phải là tiền pháp định nên không gắn với quyền mặc định được chuyển đổi sang tiền pháp định và được Ngân hàng Trung ương đảm bảo. Các tổ chức phát hành tiền ảo cũng không chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Trung ương.
Đồng thời, phạm vi hoạt động của tiền ảo thường khá hẹp chỉ trong một cộng đồng và sử dụng cho mục đích nhất định, thí dụ như game online. Nói cách khác, tiền ảo mang nhiều đặc điểm của hàng hóa trao đổi hơn là một đồng tiền.
Đặc điểm của thị trường tiền ảo đang lộ rõ hơn bao giờ hết. Sự bất định xuất phát từ cái gốc của nguyên nhân là do nó chưa có những quy định, chế tài quản lý rõ ràng; cũng chưa có các chuẩn mực về phát ngôn, thông tin trên thị trường, cho nên ai muốn nói về nó thế nào cũng được, thậm chí một cách vô tội vạ nhưng vẫn… vô tội.
Lao vào cuộc chơi tiền ảo, đồng nghĩa phải chấp nhận rủi ro lớn, đúng hơn là sự may rủi, thậm chí là cạm bẫy. Bởi hoàn toàn có khả năng, một loại tiền ảo nào đó, một sàn giao dịch tiền số nào đó, trong một ngày đẹp trời hoàn toàn ngừng hoạt động, tất cả vốn liếng của nhà đầu tư tiêu tan./.
Quốc Huy
Vietnam+
|