Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đang bị cường điệu quá mức
Đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành, vì vậy, thu hút sự chú ý của dư luận thời gian gần đây. Đã có nhiều ca tụng về khả năng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc sẽ là tác nhân làm thay đổi cuộc chơi toàn cầu, và thay thế vai trò thống trị của USD. Liệu viễn cảnh này có xảy ra?
Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đang bị cường điệu quá mức.
|
Trước sự trỗi dậy hầu như không thể cưỡng lại của các đồng tiền mật mã đã buộc chính phủ các nước phải nghĩ đến việc dành lấy quyền kiểm soát chính sách tiền tệ trong không gian số.
Nhân dân tệ kỹ thuật số còn thiếu quá nhiều thứ để đáng tin
Nhiều người bây giờ thường có thói quen (theo trào lưu) cho rằng sự xuất hiện tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) phát hành (CBDC), trong tương lai sẽ thống lĩnh hệ thống tài chính tiền tệ toàn cầu và cạnh tranh với đồng USD. Họ cũng mặc định, rằng kỹ thuật số hóa là một cuộc cách mạng đối với hệ thống tiền tệ quốc tế.
Nhưng, thương mại toàn cầu và dòng vốn quốc tế chủ yếu vẫn đang diễn ra ở dạng kỹ thuật số. Còn kỹ thuật số hóa tiền tệ của ngân hàng trung ương, như tham vọng của Trung Quốc, không phải là thứ thay đổi cuộc chơi.
Đồng USD không được quy định là tiền tệ của thế giới theo lệnh hành pháp. Các thị trường đã tự lựa chọn nó. Sự lựa chọn đó không chỉ phản ánh sự thống trị địa chính trị của Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nó phản ánh quy mô lớn của nền kinh tế Mỹ và sự năng động của nó: tính thanh khoản, chiều sâu và sức mạnh vô song của hệ thống tài chính và thị trường vốn, các thể chế mạnh mẽ và các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ đối với quyền sở hữu tại xứ cờ hoa.
Mỹ phát hành tài sản an toàn là trái phiếu chính phủ không có rủi ro, hiện lên đến 21 ngàn tỷ USD, có giá trị cao nhất thế giới. Đó là tài sản trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư quốc tế từ bao lâu nay, thậm chí họ chấp nhận cả lợi suất âm. Sự lựa chọn này phản ánh sự cởi mở của nền kinh tế Mỹ đối với tài khoản vốn, sẵn sàng để USD thả nổi, để cho nó lên (xuống) theo thị trường, nhằm hấp thụ hầu hết hàng nhập khẩu từ phần còn lại của thế giới.
Trung Quốc không giấu tham vọng soán ngôi đồng USD trên thị trường quốc tế. Nhưng liệu tham vọng này có dễ khi NDT chỉ chiếm hơn 4% trong các giao dịch quốc tế, trong khi USD đạt 88%? Ảnh: TTXVN
|
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng là một ngân hàng trung ương độc lập có độ tin cậy cao. Do vị thế toàn cầu của USD được khẳng định bấy lâu, các hiệu ứng quán tính và mạng lưới ngày càng tự củng cố lẫn nhau, đã giúp duy trì vai trò thống lĩnh của đồng USD ngày càng vững mạnh. Nếu có ai huỷ diệt đồng USD, không phải nhân dân tệ hay đồng tiền nào khác, mà chỉ là do người Mỹ tự lựa chọn.
Trong khi đó, hệ thống tài chính của Trung Quốc cực kỳ yếu kém. Các ngân hàng bị nhồi nhét vào đó đầy các quả bom nợ xấu, không biết lúc nào bùng nổ. Thị trường vốn tuy phát triển nhưng chỉ mới giai đoạn đầu. Đồng nhân dân tệ thì không thể chuyển đổi.
Quan trọng nhất, tài khoản vốn bị kiểm soát chặt (dù vậy, giới siêu giàu vẫn có thể chuyển tiền ra nước ngoài dễ dàng). Việc thực thi hợp đồng khá tùy tiện. Chuẩn mực kế toán và kiểm toán vẫn còn quá nhiều lỏng lẻo và bất cập.
CBDC đòi hỏi phải có nhận dạng cá nhân (ID) người nắm giữ ví tiền nhân dân tệ điện tử. Liệu người dân có tin vào CBDC được sử dụng cho các chính sách tài chính tiền tệ, hay còn kết hợp “rình mò” các câu chuyện riêng tư.
|
Có một điều cần phải thừa nhận Trung Quốc là quốc gia có tầm nhìn xa, và là người tiên phong nhất, đi xa hơn rất nhiều các nước phát triển trong triển khai CBDC.
Ngay từ năm 2013 , chính phủ Trung Quốc và các công ty công nghệ ngày càng thể hiện sự thống nhất trong nhiều mục tiêu và tham vọng. Quan hệ giữa Nhà nước và thị trường theo cách đáng ngưỡng mộ này, đã tạo thêm nhiều thuận lợi cho sự ra đời của CBDC.
Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa cải cách, như cựu Thống đốc PBOC Chu Tiểu Xuyên, đã thuyết phục lãnh đạo Đảng mở các lĩnh vực tài chính - mà trước đây vốn chỉ dành cho các doanh nghiệp nhà nước - cho khu vực ngân hàng khu vực tư, dám chấp nhập các công ty tư nhân, như Alibaba và Tencent thực hiện các nghiệp vụ cho vay và đầu tư. Chỉ một năm sau ý kiến táo bạo này, ngay sau khi bùng nổ Bitcoin tại Trung Quốc, PBOC chính thức khởi sự nghiên cứu, và sau đó chính thức ra đời (thử nghiệm) CBDC vào năm 2020.
Nhưng phải thừa nhận Trung Quốc là quốc gia có tầm nhìn xa, và là người tiên phong nhất, đi xa hơn rất nhiều các nước phát triển trong triển khai CBDC. Ảnh: Reuters.
|
Thế giới đánh giá rất cao PBOC đang sở hữu một đội ngũ chuyên gia cực kỳ tài năng. Nhưng điều quan trọng nhất là các tài năng kiệt xuất và PBOC lại không độc lập với chính phủ.
CBDC đòi hỏi phải có nhận dạng cá nhân (ID) người nắm giữ ví tiền nhân dân tệ điện tử. Liệu người dân có tin vào CBDC được sử dụng cho các chính sách tài chính tiền tệ, hay còn kết hợp “rình mò” các câu chuyện riêng tư.
Một báo cáo của Goldman Sachs đặt ra nhiều câu hỏi, nhưng xem ra khó có câu trả lời thoả đáng. Khi CBDC dựa trên ID thì tập tin cá nhân đó sẽ đi bao xa? Loại thông tin phi tiền tệ nào nên hoặc không nên chứa trong ID? Các chủ tài khoản có thể từ chối quyền truy cập vào dữ liệu của họ cho các bên thứ ba ở mức độ nào? Chính phủ giao cho ai quản lý và vận hành, và làm thế nào chính phủ có trách nhiệm giải trình CBDC?
Một ví dụ cho thấy cách đặt vấn đề này, là kết quả cuộc trưng cầu dân ý gần đây của Thụy Sĩ về hệ thống ID của người dân khi triển khai CBDC.
Kết quả cho thấy 64,4% người dân phản đối kế hoạch này. Tuy nhiên, điều thú vị là sự phản đối đề xuất này không tập trung vào việc bác bỏ hoàn toàn hệ thống nhận dạng ID. Thay vào đó, người dân cho là chúng phải được cung cấp hoàn toàn bởi chính phủ, nhưng phải thông qua cơ chế giải trình trách nhiệm thực chất.
Về vấn đề này, các thông tin gần đây cho thấy, thậm chí đến cả người dân Trung Quốc còn e dè đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, thì liệu chính phủ các nước có chấp nhận chúng trong thương mại và đầu tư quốc tế?
Điều làm dấy lên những lo ngại gần đây, là có thể Trung Quốc còn chính trị hoá nhân dân tệ kỹ thuật số, qua các đề xuất thanh toán và tài trợ quốc tế thông qua sáng kiến “vành đai con đường”.
Nhưng hãy lưu ý, trong khi đồng nhân dân tệ được sử dụng nhiều trong thanh toán thương mại của Trung Quốc, thì vai trò tài chính toàn cầu hiện tại của nhân dân tệ vẫn còn rất thấp.
Dù người dân còn e dè, thì Trung Quốc cũng đã triển khai nhiều dự án thí điểm nhằm phát hành nhân dân tệ điện tử cho sử dụng trong nước và quốc tế hóa đồng tiền này. Hơn 2 tỷ nhân dân tệ điện tử (tương đương 314 triệu USD) đã được chi tiêu bởi người dân Trung Quốc. Ảnh: SCMP
|
Theo dữ liệu của IMF, nhân dân tệ tuy có tăng lên phần nào trong dự trữ ngoại hối toàn cầu kể từ năm 2016, nhưng vẫn quanh quẩn con số 2% trong vài năm qua. Dữ liệu SWIFT cho thấy nhân dân tệ không có dấu hiệu tiến triển như một phần của các khoản thanh toán toàn cầu, và không có ưu thế gì so với USD, tính đến thời điểm hiện tại.
Trong tương lai, có thể việc sử dụng nhân dân tệ để giải quyết các giao dịch thương mại và tài chính ngày càng tăng. Nhưng cho đến khi nào họ vẫn chưa tự do hoá hoàn toàn tài khoản vốn, thả nổi tỷ giá nhân dân tệ, thì tương lai CBDC của Trung Quốc có thể không là câu chuyện của tương lai, thậm chí của cả ngày hôm nay.
Tương lai tiền đồng Việt Nam kỹ thuật số đến đâu rồi?
Cho dù lợi ích và rủi ro của CBDC còn nhiều điều chưa rõ, vẫn ngày càng có nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới xem đây là chuyện nghiêm túc, đáng để nghiên cứu và thử nghiệm.
Trong khu vực ASEAN, ngoại trừ Việt Nam, Lào và Myanmar vẫn chưa có động tĩnh gì, các nước còn lại đều đang triển khai các dự án nghiên cứu và thử nghiệm CBDC.
Thái độ thận trọng của Việt Nam trước những phức tạp quá mức của CBDC cũng có lý do. Chúng đòi hỏi cơ sở hạ tầng thông tin thanh toán kỹ thuật số. Và nhất là những chuyên gia tài năng kiệt xuất (như Trung Quốc và đó cũng là điều đáng học, đáng ngưỡng mộ), điều không thể một sớm một chiều hiện diện trong cơ chế hiện hành.
Nhưng cho dù chúng ta có muốn hay không, việc nghiên cứu và sẵn sàng triển khai tiền đồng kỹ thuật số dưới một hình thái đặc thù nào đó, và cùng tồn tại song song với tiền mặt, là điều khó thể tránh khỏi trong một thế giới số hoá.
Triển khai tiền đồng kỹ thuật số có thể không phải là cách đặt vấn đề thuộc “trật tự ưu tiên” của Ngân hàng nhà nước, nhưng chắc chắn đó là cách đặt vấn đề “ĐÚNG” để nghiên cứu trước khi quá muộn.
GS.TS Trần Ngọc Thơ
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
|